Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

“Cần phải có một người cha, một người mẹ để có linh mục!”

 

Linh mục Bernard Mollat, tuyên úy của Hiệp hội các cha mẹ, nam nữ tu sĩ (APPRR) gồm 1 300 gia đình của 40 giáo phận. Linh mục thẳng thắn nhắc lại một vài sự thật.

Chủ đề các bà mẹ linh mục làm cho cha bực mình…

Tôi thực sự đề phòng. Tôi không muốn đổ tội cho các chuyện màu mè về lòng mộ đạo. Nhưng có một số lớn đồng hữu của tôi nghĩ rằng Hiệp hội này là Hiệp hội của các bà mẹ linh mục. Không được. Thời gian đã thực sự thay đổi trong vai trò của người mẹ đối với ơn gọi của con mình. Rất nhiều linh mục đã rời chủng viện, họ vào chỉ để làm vui lòng mẹ.  Năm 1926, một bà mẹ của hai linh mục đã thành lập Hiệp hội và năm 1960 Hiệp hội được đặt tên lại. Hiệp hội trở thành Hiệp hội các cha mẹ linh mục. Phải cần một người đàn ông, một người đàn bà mới có một linh mục. Chức thánh không phải là chuyện của một phụ nữ tốt lành. Nhất là một linh mục không cần phải được ru trong lòng mẹ.

Làm thế nào chúng ta có thể giúp một bà mẹ khó chấp nhận con mình đi tu?

Chúng ta có thể khuyên bà mẹ đó đọc quyển sách Lời của cha mẹ đứng trước ơn gọi của con mình (Paroles de parents face à la vocation de leur enfant). Tác phẩm tập thể này gom lại các chứng từ của năm trăm cha mẹ, hiếm khi chúng ta thấy báo chí nói về chọn lựa ơn gọi của con trai, con gái mình.  

 

Các nỗi đau ẩn giấu của các bà mẹ linh mục là nỗi đau nào?

Đó là họ không có cháu nhất là khi linh mục là đứa con trai duy nhất.

Còn niềm vui ẩn giấu?

Chắc chắn nhiều bà mẹ cảm thấy rất vui và tự hào nhưng cũng thầm lo lắng.

Chức thánh có cắt đứt quan hệ mẹ-con không?

Mình không bao giờ mất dấu vết cha mẹ mình. 

Bằng cách nào bà mẹ của linh mục giúp con mình tốt nhất?

Bằng cách nhắc con mình lo cho chính mình, để quân bình về mặt thể lý, tâm lý và thiêng liêng. Mẹ tôi chăm lo để tôi không bị mệt lử… Chúng ta có thói quen xin cha mẹ cầu nguyện cho mình. Tôi biết mẹ tôi cầu nguyện cho tôi rất nhiều. 

Các bà Anna, Isave… trong Kinh Thánh có là gương mẫu cho các bà mẹ thời bây giờ không?

Các bà đều rất kín đáo. Họ tạ ơn và họ quên mình.

Và Mẹ Maria được mọi người cầu bàu là Mẹ của các linh mục?

Mẹ có khí chất của các bà mẹ tử đạo của Israel trong sách Ma-ca-bê. Ở Israel, bà mẹ là người khuyến khích con mình sống đức tin dù phải hy sinh mạng sống.

Còn mẹ của cha?

Cha mẹ tôi là cội nguồn ơn gọi của tôi. Qua cha mẹ, tôi khám phá tình yêu giữa con người với nhau là một thực tế phi thường. Cha mẹ tôi xây dựng một gia đình kitô gương mẫu. Tôi muốn dâng lên Chúa tình yêu tuyệt vời này và xin Chúa mở lòng để tôi yêu nhiều hơn. Chắc chắn cha mẹ tôi mang ơn gọi của tôi trong lời cầu nguyện của ông bà. Tôi biết những năm sau ngày tôi chịu chức, cha mẹ tôi đã cầu nguyện trong thánh lễ kỷ niệm ngày đám cưới của họ. Còn con? Con có con không? Con có cầu nguyện cho các con của con nghe tiếng gọi của Chúa không? Vì nếu Chúa gọi thì sẽ không có vấn đề gì.

Một bà mẹ góa lớn tuổi, bà có thể hy vọng con trai linh mục hỗ trợ gì cho mình?

Một linh mục cầu nguyện cho người thân, cho người nghèo vì sao lại không cầu nguyện cho bà mẹ già của mình như bà góa phụ trong Tin Mừng, khuôn mẫu người nghèo dưới mắt Chúa. Khi cha tôi qua đời, tôi càng về thăm mẹ nhiều hơn. Hồng y Emmanuel Suhard khuyến khích Hiệp hội quan tâm để không một cha mẹ tu sĩ nào cô độc một mình về mặt thiêng liêng cũng như bị thiếu vật chất. Mong muốn của ngài là Hiệp hội có tinh thần tương trợ, tình bằng hữu, phục vụ và cầu nguyện. Đặc biệt trong các khó khăn của cuộc đời.

Cha kỷ niệm 50 năm linh mục (năm 2015)… cha còn giữ ngọn lửa ngày cha chịu chức không?

Năm mươi năm chịu chức thánh, tôi vẫn luôn giữ ngọn lửa bừng cháy! Có ai hỏi một cặp nếu sau năm mươi năm họ còn yêu nhau không? Có, sau năm mươi năm, họ còn yêu nhau hơn.  Và còn nhiều hơn ngày đầu.

 

“Với con trai tôi, tôi dệt một mối quan hệ đồng tình thiêng liêng”

Chứng từ của ông bà Guilhem Dargnies và Élisabeth Simmoneaux

Người cha làm chứng: “Với con trai linh mục của tôi, tôi dệt một mối quan hệ gần như đồng tình thiêng liêng. Bằng chứng là con tôi mời tôi đi theo đến Solesmes. Con tôi không đề nghị với mẹ như vậy, thay vào đó, nó mời mẹ đến gặp một gia đình trong giáo xứ. Khi còn trẻ tôi có các khó khăn nhất là ở gia đình. Nhưng các trở ngại này đã thúc đẩy tôi phát triển một đời sống thiêng liêng “sâu đậm” hơn, rõ ràng là hơn vợ tôi. Do cải thiện nhiều hơn là do đức hạnh. Như thế tôi có thể đóng một vai trò trong đời sống đức tin của các con… Đôi khi tôi nhắc người con linh mục của tôi, hương nguyện là ưu tiên hàng đầu, hơn cuộc sống năng động, một sự thật nền tảng cho mọi tín hữu kitô, lại còn hơn nữa đối với một mục tử! Chúa Giêsu đã nói: “Đừng kiếm vàng bạc hay tiền giắt lưng” (Mt 10, 9-10). Với con tôi và tôi, chúng tôi thích đi bộ đường dài, đó là một cách tốt đẹp để nói lên niềm tin của mình vào Chúa Quan Phòng. Trong gia đình, chúng tôi không dựa tất cả vào an toàn vật chất. Nếu đúng như vậy, có lẽ chúng ta sẽ dễ dàng nhận được ân sủng của Chúa, đặc biệt là ơn gọi linh mục!

Khi con tôi là linh mục, thời gian đầu tiên thật khó khăn. Trong trường hợp gia đình chúng tôi, mối quan hệ mẹ-con mang chiều kích tình cảm quan trọng. Có thể nói, khi chọn chức linh mục, nhà tôi nghĩ Giáo hội là “bà mẹ vợ” nên cũng khá rắc rối! Trong một thời gian, nhà tôi giữ một khoảng cách nào đó với con và bà học để từ từ tách rời con, gắn kết với con một mối dây thiêng liêng sâu đậm hơn. Hiện nay nhà tôi sống thanh thản hơn. Tình mẫu tử được biến đổi. Bây giờ ít chiếm giữ hơn, nội tâm hơn và hài hòa với cuộc sống mới của con hơn. Điều này làm cho tôi nghĩ khi Chúa Kitô nói với các Thánh Tông đồ trong ngày Chúa lên trời: “Thầy ra đi thì có lợi cho anh em” (Ga 16, 7). Phải không thấy Chúa bằng xương bằng thịt để các Tông đồ gần Ngài trong lòng hơn qua Thần Khí. Tất nhiên tôi nói điều này với hết tấm lòng, nhưng một cách nào đó, những gì xảy ra giữa nhà tôi và con trai tôi thì đơn giản”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

580    29-06-2019