Sidebar

Thứ Ba
23.04.2024

Cầu Nguyện Là Gì ? - tt

CẦU NGUYỆN LÀ SỰ CHIÊM NIỆM

Cuối cùng và cũng là điều cốt yếu, cầu nguyện là thái độ của một trái tim rộng mở, cùng đập với nhịp đập của Thánh Thần, được diễn tả bằng tâm tình tạ ơn và chiêm niệm sâu xa. Cầu nguyện không chỉ kêu xin với Chúa để được Chúa ban ơn (mặc dù cầu nguyện luôn khởi sự bằng việc xin ơn), cầu nguyện cũng không phải chỉ là giãi bày với Chúa tất cả mọi suy nghĩ của mình; nhưng cầu nguyện là một sự tĩnh lặng lắng nghe và dẫn đến việc chiêm niệm trong sự hiện diện của Chúa. Những lời kinh hoặc những lời cầu nguyện nào đó cũng có thể trở thành một lời cầu nguyện tự đáy lòng khi nó được thể hiện trong tâm tình tạ ơn và tinh thần chiêm niệm.

Khi chúng ta học cách cầu nguyện, đôi khi chúng ta độc thoại với Chúa và khẩn cầu với Chúa về những ơn mình muốn cầu xin; cũng có lúc chúng ta đối thoại với Chúa, muốn được Chúa lắng nghe và đáp lại lời cầu nguyện của mình; nhưng chúng ta thường khao khát một điều gì sâu xa hơn, đó chính là sự hiện diện của Chúa. Thật sự cầu nguyện không chỉ là cảm giác, lời nói, suy nghĩ hay sự đàm thoại với Chúa, nhưng cầu nguyện thực sự có nghĩa là thinh lặng và lắng nghe, cho dù chúng ta có cảm nhận hay không cảm nhận được rằng Chúa đang nói với chúng ta. Hơn tất cả mọi sự, cầu nguyện chủ yếu là sự lắng nghe và chờ đợi. Chúng ta lắng nghe Chúa với một tâm hồn rộng mở, một tinh thần khiêm hạ, và một sự tĩnh lặng của tâm hồn. Chúng ta chuyển từ cái đầu xuống trái tim, những suy nghĩ thuộc về lý trí thành những cảm nghiệm của trái tim, và ở đó, chúng ta cảm nhận được sự hiện diện rất sống động của Chúa.

Một cách thế tốt nhất để sống trong sự hiện diện của Chúa và cầu nguyện không ngừng đó là chúng ta bắt chước cách thức cầu nguyện của Chúa Giêsu. Dụ ngôn mà Chúa Giêsu nói trong Tin mừng Thánh Luca chương 18 về thái độ cầu nguyện của người Pharisiêu và người thu thuế, lời cầu nguyện đơn sơ chân thành của người thu thuế “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” đã được lắng nghe và được biết đến trong truyền thống của Giáo hội Chính thống Đông phương như Lời Kinh Chúa Giêsu. Lặp đi lặp lại cách chậm rãi cụm từ “Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót con” như một câu niệm sẽ mang lại bình an và niềm an ủi trong tâm hồn. Những lời này trở thành hơi thở của chúng ta, thành lối sống của chúng ta. Điều tuyệt vời của lời cầu nguyện của Chúa Giêsu là chúng ta có thể đọc bất cứ lúc nào, trong khi làm việc, trong khi lái xe hoặc khi ngồi học bài, ngay cả khi chúng ta ăn hay ngủ. Như vậy, chúng ta có thể cầu nguyện liên lỉ, không bao giờ ngừng.

Theo thời gian, những lời cầu nguyện thông thường trở thành lời cầu nguyện chiêm niệm giúp chúng ta ý thức được sự hiện diện của Thiên Chúa. Dần dần, chúng ta cảm nghiệm được rằng, Thiên Chúa không phải là một Thiên Chúa im lặng, một Thiên Chúa ở xa chúng ta; Ngài cũng không phải là một Thiên Chúa chỉ biết lắng nghe và đáp lại lời kêu xin của chúng ta cách miễn cưỡng; nhưng Ngài là một Thiên Chúa giàu lòng thương xót, “chậm giận và giàu ân nghĩa,” Đấng đã đến cư ngụ giữa chúng ta, Ngài mong muốn lắng nghe chúng ta và mang đến sự chữa lành cho chúng ta.

Tóm lại, cầu nguyện là một sự khẩn nguyện lên Chúa, một cuộc đối thoại với Chúa và một sự chiêm niệm trước nhan Thiên Chúa, Đấng yêu thương chúng ta. Một khi chúng ta học những cách thế cầu nguyện này, chúng ta sẽ biến cuộc sống của chúng ta thành một lời cầu nguyện liên lỉ như Thánh Tông đồ Phaolô khuyên “hãy cầu nguyện không ngừng” (1Thes 5,17).

KỶ LUẬT CẦU NGUYỆN

Cầu nguyện không phải là việc làm dễ dàng và tự nhiên mà có, nhưng là một việc cần được học hỏi và có kỷ luật. Điều này đúng cho cả việc đọc những kinh thông thường và duy trì thái độ liên lỉ cầu nguyện. Trong việc học biết cầu nguyện, điều quan trọng là chúng ta phải dành một thời gian ấn định, một nơi chốn nhất định, và một điểm quy chiếu để cầu nguyện.

Một thời gian nhất định

Thời gian cầu nguyện của chúng ta có thể vào buổi sáng, hoặc giữa trưa hay vào buổi tối. Có thể là 1 giờ, hoặc nửa giờ, hay 10 phút. Cũng có thể cầu nguyện 1 hoặc 2 lần mỗi ngày. Điều quan trọng là chúng ta cam kết dành thời gian nhất định trong ngày để ở một mình với Chúa trong cầu nguyện.

Câu hỏi ở đây không phải là “Tôi có nên cầu nguyện không?” nhưng là “Tôi sẽ cầu nguyện khi nào?” Cầu nguyện trước khi đi làm hay cầu nguyện trong giờ nghỉ giữa ngày? Hay vào buổi tối trước khi đi ngủ? Hầu hết mọi người đều cảm thấy thời gian buổi sáng là thời gian tốt nhất trong ngày để cầu nguyện, giống như Chúa Giêsu đã làm vào mỗi sáng sớm (xem Mc 1,35). Nếu chúng ta không xếp được giờ vào buổi sáng, chúng ta hãy dành ra ít phút trong ngày để cầu nguyện. Nửa tiếng mỗi ngày hoặc bất cứ giờ nào trong ngày đều tốt hơn là không dành chút thời gian nào cả. Nếu không có nửa giờ cầu nguyện mỗi ngày vào buổi sáng hoặc buổi tối, hoặc 10 phút cầu nguyện trong ngày, hay một khoảng thời gian ngắn để cầu nguyện trước  hoặc sau cơm trưa, chúng ta sẽ dần quên rằng Thiên Chúa đang ở gần chúng ta và chúng ta cũng quên rằng cuộc sống chúng ta trong Chúa là một cuộc đời cầu nguyện.

Một nơi chốn nhất định

Một khi chúng ta dành thời gian cho Chúa, chúng ta cũng hãy theo lời của Chúa Giêsu: “Hãy vào phòng đóng cửa lại và cầu nguyện với Cha của con, Đấng hiện diện nơi bí ẩn” (Mt 6,6). Thời gian và nơi chốn, cả hai đều quan trọng trong việc cầu nguyện. Chọn một nơi chốn nhất định để cầu nguyện với Thánh vịnh, để suy niệm trên Lời của Chúa, hoặc để chiêm niệm trong vinh quang của Chúa. Chúa Giêsu thường chọn lên núi, vào một khu vườn, hay đi vào sa mạc, hoặc ở lại trên thuyền để cầu nguyện và lắng nghe Chúa Cha. Thánh Tông đồ Phaolô, khi ở thành Philiphê, Ngài đã tìm một nơi thanh vắng dọc theo bờ biển để cầu nguyện (Cv 16,13). Hãy tìm một nơi thanh vắng và bình an để cầu nguyện và chiêm niệm, nơi đó có thể là ở ngoài trời hay trong phòng riêng, miễn sao đó là nơi chúng ta cảm thấy thoải mái và dễ cầu nguyện nhất.

Nếu trong nhà của bạn có một phòng đặc biệt dành riêng cho việc cầu nguyện thì thật là lý tưởng. Nếu phòng đó được trang trí bằng những bức tranh sống động về sự hiện diện của Chúa, một vài ngọn nến được thắp lên và một bình hương, bạn sẽ cảm thấy muốn đến đó thường xuyên hơn. Và nếu bạn càng thường xuyên cầu nguyện trong phòng đó thì căn phòng đó lại càng được bao phủ bởi nguồn năng lượng và sức mạnh của bầu khí cầu nguyện. Ở một nơi như thế sẽ giúp bạn dễ dàng buông bỏ tất cả những lo lắng trần gian trong lúc cầu nguyện để được phủ lấp bởi tình yêu của Chúa Giêsu.

Trong trường hợp nhà bạn không có một phòng trống nào, bạn hãy tìm một góc nào đó trong phòng để làm một bàn thờ hoặc có thể dành riêng một cái ghế nào đó cho việc cầu nguyện. Nếu bạn không thể tìm được một góc nào trong phòng để cầu nguyện, bạn hãy cố gắng đến một nhà thờ gần đó hoặc một nhà nguyện nào đó mà bạn cảm thấy an toàn và muốn tiếp tục trở lại đó để cầu nguyện. Đúng là bạn có thể cầu nguyện ở bất cứ nơi nào, tuy nhiên, nếu có một nơi và một thời gian nhất định dành cho việc cầu nguyện thì sẽ giúp cho bạn cầu nguyện tốt hơn.

Có một điểm quy chiếu

Trong thời gian cầu nguyện, bạn thường làm gì? Câu trả lời thật đơn giản là: chỉ để ở với Chúa Giêsu. Hãy để cho Chúa Giêsu nhìn bạn, chạm đến bạn, và nói với bạn. Hãy xác tín rằng bạn đang ở trước nhan thánh Chúa. Hãy thân thưa với Chúa những gì lòng bạn ước mong. Và hãy học lắng nghe. Trong lúc cầu nguyện, bạn hãy tập trung vào một đối tượng duy nhất là chính Chúa. Hầu hết chúng ta không cảm thấy như vậy là đủ. Thông thường, khi vào cầu nguyện, chúng ta thường cảm thấy chán chường và mệt mỏi. Tất nhiên, nếu cơ thể của mình quá mệt thì chúng ta cũng khó lòng để cầu nguyện. Khi mệt mỏi, điều cần thiết nên làm là chúng ta hãy dành thời gian nghỉ ngơi. Khi chúng ta chán nản, mệt mỏi, chúng ta sẽ cảm thấy giờ cầu nguyện thật trống rỗng và chẳng có ích lợi gì.

Thế nhưng tại sao chúng ta lại không dành những thời gian tưởng chừng như “lãng phí” để cầu nguyện? Cầu nguyện không phải là trở nên bận rộn với Chúa, như chúng ta thường tỏ ra bận rộn với những người chung quanh hoặc với những công việc khác. Cầu nguyện chủ yếu là một giờ “lãng phí” để ở với Chúa, điều này không có nghĩa là tôi vô dụng đối với Chúa, nhưng là tôi để cho Chúa toàn quyền quyết định trên cuộc đời mình. Và với thời gian, những giờ chúng ta dành cho Chúa trở nên hữu ích và đơm hoa kết trái. Nhưng điều này không phải tự sức chúng ta. Thời gian dành để cầu nguyện là do chúng ta sắp xếp, nhưng kết quả của việc cầu nguyện lại là do chính Chúa.

Khi chúng ta sẵn sàng bước vào giờ cầu nguyện, chúng ta cần tìm một điểm quy chiếu, một điểm giúp ta dễ dàng tập trung. Có thể đọc đoạn Tin mừng theo ngày, hoặc hát một Thánh vịnh, hoặc chọn một câu Kinh thánh thích hợp và đọc cách chậm rãi.

Trong cách thực hành thiêng liêng, những ai thường xuyên cầu nguyện hoặc suy niệm đều có một điểm tập trung. Với các Kitô hữu, điểm tập trung có thể là danh “Chúa Giêsu.” Hoặc có thể là lời kinh Chúa GIêsu “Lạy Chúa, xin thương xót con.” Hoặc có thể là một hình ảnh sống động nào đó, hoặc một lời hay một câu Kinh thánh – hoặc bất cứ điều gì giúp chúng ta dễ dàng tập trung. Mục đích của điểm quy chiếu trong cầu nguyện là giúp thoát ra khỏi những suy nghĩ thuộc về lý trí để có thể cầu nguyện bằng trái tim và đi vào sự chiêm niệm thẳm sâu trong vinh quang của Chúa.

ĐỐI PHÓ VỚI NHỮNG CHIA TRÍ

Khi chúng ta học để biết cầu nguyện với một điểm tập trung, chúng ta phát hiện ra sự hỗn độn trong đời sống nội tâm của mình. Bỗng chốc, tất cả mọi thứ chia trí gây nên bởi những suy nghĩ, cảm giác, và ảo tưởng cứ thế xuất hiện trong tâm trí mình. Chúng ta cảm thấy tâm trí của mình tựa như một cây chuối bị các con khỉ cứ đong đưa qua lại. Đầu óc của mình đầy dẫy những điều phải làm: lá thư phải viết, cuộc điện thoại cần phải gọi, cuộc hẹn đi ăn tối với bạn bè, một bài báo phải hoàn thành, và cứ như thế, trong tâm trí chúng ta đầy dẫy những điều lo lắng và những việc cần quan tâm, …

Chúng ta cũng đừng ngạc nhiên khi thấy những gì diễn ra trong tâm trí mình. Chúng ta không thể lập tức đóng các cánh cửa của tâm trí mình tựa như một căn nhà mà lâu nay thường xuyên mở cho những người lạ được tự do ra vào. Chúng ta không thể ngăn chặn những chia trí bằng cách cố gạt chúng đi, nhưng bằng cách chúng ta tập trung vào một điểm quy chiếu nào đó. Có thể chúng ta tập trung nhìn vào ngọn nến và các chia trí dần dần biến mất. Chúng ta cần học để nhận biết những chia trí nhưng không tập trung vào việc cố gắng xua đuổi các chia trí, mà là tập trung vào mục đích chính, đó là việc cầu nguyện. Và khi những chia trí thâm nhập vào giờ cầu nguyện của chúng ta, hãy mỉm cười với nó, không để ý đến nó nhưng trở về với điểm tập trung mà mình đã chọn. Hãy lặp lại những lời Thánh vịnh, đọc lại bài Tin Mừng, trở lại với hình ảnh giúp mình cầu nguyện, tiếp tục suy niệm với những lời mình đã chọn. Cuối cùng, những lời chúng ta lặp lại trên môi hay trong tâm hồn, những hình ảnh chúng ta chiêm ngắm, những cảm xúc chúng ta có trong giờ cầu nguyện, sẽ càng thu hút chúng ta, và chúng ta sớm nhận ra rằng những điều đó quan trọng hơn và cũng thú vị hơn nhiều so với những điều “phải” làm hay “nên” làm thường xuyên xuất hiện trong bổn phận thiêng liêng mình. Lời đến từ Thiên Chúa có sức mạnh biến đổi đời sống nội tâm của chúng ta và thiết lập ở đó một nơi mà Thiên Chúa vui thích cư ngụ.

TRUNG THÀNH VỚI CẦU NGUYỆN

Điều quan trọng là chúng ta phải trung thành với việc cầu nguyện. Hãy ngồi cầu nguyện như một kỷ luật của ngày sống. Nếu chúng ta chọn một thời gian nhất định, một không gian phù hợp và một điểm tập trung cho giờ cầu nguyện, thì dần dần chúng ta sẽ bớt đi sự chán nản trong cầu nguyện, những chia trí cũng giảm bớt, và cảm nhận rõ hơn sự hiện diện của Chúa. Khi chúng ta học để cầu nguyện vào thời gian và nơi chốn nhất định và với một điểm nhắm cụ thể, chúng ta sẽ cảm thấy dễ dàng duy trì thái độ cầu nguyện và tâm tình tạ ơn trong suốt cả ngày. Đây là điều mà thánh Phaolô nhấn mạnh khi nói “hãy cầu nguyện luôn luôn.” Và đây cũng là điều Chúa Giêsu nói về cầu nguyện “là điều cần thiết mà thôi” (Lc 10,42).

Bạn có thể dùng lời cầu nguyện sau đây để đọc bất cứ lúc nào và để giúp cho việc cầu nguyện trở thành một phần trong đời sống của bạn. Bạn hãy tin rằng, một ngày nào đó, Chúa sẽ ban cho bạn sự hiểu biết để bạn bắt đầu cầu nguyện không ngừng.

Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin thương xót con. Xin chỉ cho con biết Ngài như một người anh giàu tình thương, Ngài không chê trách con điều gì, ngay cả tội lỗi xấu xa nhất của con, nhưng Ngài muốn được chạm đến con với một cái ôm hôn dịu dàng. Xin hãy cất khỏi con những nỗi sợ hãi, nghi ngờ và sự cứng lòng đã làm cho con xa Chúa, và xin cho con sự can đảm và sự tự do để con dám đến trước nhan Ngài với con người trần trụi và mong manh yếu hèn của con, để con luôn sẵn sàng lắng nghe tiếng Chúa trong mọi nơi và mọi thời khắc của cuộc sống. Amen.

ĐI SÂU HƠN TRONG VIỆC CẦU NGUYỆN: THỰC HÀNH CHO VIỆC ĐỒNG HÀNH THIÊNG LIÊNG VÀ SỰ KỶ LUẬT TRONG CẦU NGUYỆN.

Tôi mời gọi bạn hãy có kỷ luật trong việc cầu nguyện, dành mỗi ngày hoặc mỗi tuần 10 phút, và sau đó, chia sẻ kinh nghiệm của bạn với vị linh hướng hoặc với nhóm cầu nguyện. Đơn giản là dành riêng thời gian và nơi chốn nhất định để “lãng phí” thời gian với Chúa và với chính mình. Trong ngày, bạn cầu nguyện khi nào và thường cầu nguyện ở đâu?

  1. Cần có một điểm quy chiếu cùng với thời gian và nơi chốn ấn định cho việc cầu nguyện. Điểm tập trung này có thể là một hình ảnh nào đó, hoặc một từ nào đó “có thể là tên của Chúa Giêsu,” hay một đoạn Kinh thánh, hoặc một lời cầu nguyện ngắn nào đó được lặp đi lặp lại nhiều lần.
  2. Những lúc bị chia trí hoặc bạn cảm thấy bồn chồn hay buồn ngủ, hãy ý thức về sự có mặt của những chia trí này, đừng cố gắng chiến đấu với nó, nhưng đơn giản là trở về với hình ảnh, hoặc với câu Lời Chúa mà bạn đã chọn.
  3. Hãy dành ít phút thinh lặng giữa quãng thời gian bạn lặp lại điểm quy chiếu. Đây là cách bạn tạo không gian cho sự hiện diện của Chúa.
  4. Đôi khi, ngay trong thời gian, nơi chốn và điểm tập trung, Chúa đang dùng những lời rất đơn sơ, ngắn gọn để nói với bạn. Hãy tập để lắng nghe lời nhẹ nhàng, êm dịu đó của Chúa.

Nhiều người có thói quen cầu nguyện như thế, họ cảm thấy rằng họ không muốn bỏ giờ cầu nguyện của họ, ngay cả khi họ không cảm thấy được an ủi trong cầu nguyện. Họ cũng có thể bị chia trí trong suốt 10 phút cầu nguyện, nhưng họ vẫn trung thành với giờ cầu nguyện, không bao giờ bỏ. Họ cảm nhận được “điều gì đó đang xảy ra trong tâm hồn tôi ở một mức độ sâu hơn tôi nghĩ.”

Tôi cũng vậy, tôi không thường xuyên có những tư tưởng sâu sắc hay được an ủi trong khi cầu nguyện. Nhưng tôi tin rằng có điều gì đó đang xảy ra trong tâm hồn tôi vì Thiên Chúa thì vượt xa mọi sự hiểu biết và cảm nhận của tôi. Những bí nhiệm sâu xa của việc cầu nguyện thì lớn hơn nhiều so với những điều tôi có thể cảm nhận bằng giác quan hay khả năng hiểu biết của mình. Trong khi cầu nguyện, tôi tin rằng Chúa thì lớn hơn tôi khi tôi đến với Ngài, ở lại với Ngài và để Ngài ôm lấy tôi. Và cuối cùng, khi tôi trung thành với việc cầu nguyện là lúc tôi sống trọn vẹn đời sống tâm linh của mình.

Những gợi ý suy niệm:

Bạn đang muốn giấu Chúa điều gì? Bây giờ bạn đang nghĩ gì? Hãy thưa chuyện với Chúa về những suy nghĩ đó?Trong tuần này, bạn muốn dành thời gian, nơi chốn và điểm quy chiếu nào cho việc cầu nguyện?

[1] Tolstoy’s parable is cited by Nouwen in The Road to Daybreak: A Spiritual Journey (1988), p. 50.
[2] See R. M. French, trans., The Way of a Pilgrim (Seabury Press, 1965).
[3] Pierre Wolff, May I Hate God? (Paulist Press, 1979).

Chuyển ngữ: Nt. Theresa Nguyễn Thị Ngọc Hà

Nguồn: “Spiritual Direction: Wisdom for the Long Walk of Faith.” By Henri Nouwen with Michael J. Christensen and Rebecca J. Laird. Pp. 55-70

2797    10-10-2019