Sidebar

Thứ Ba
19.03.2024

Cha mẹ, xin hãy học để nói về giới tính với con mình!

 

Giáo sư Henri Joyeux, bác sĩ giải phẫu và là nhà ung thư học, từ nhiều năm nay giáo sư chăm chút lo việc giáo dục tình cảm và giới tính cho người trẻ. Giáo sư là tác giả của nhiều sách và có nhiều buổi diễn thuyết cho công chúng ở mọi lứa tuổi.
Rất nhiều cha mẹ cảm thấy khó khăn, không biết làm sao để nói về giới tính cho con cái mình nghe…
Chính vi vậy phải cấp thiết huấn luyện cha mẹ! Ngày nay các cha mẹ phải biết có trường hợp các bé trai ngay khi còn ở trường tiểu học đã ‘tự nhiên’ kéo féc-mơ-tuya quần cho các bé gái xem và ‘tự nhiên’ xin các bé gái ‘mút!” Cảnh này không phải do cô giáo của một trường trong khu vực khó khăn của ngoại ô kể cho tôi nghe, nhưng của một bà hiệu trưởng trường công giáo của tỉnh bang, bà quá hãi sợ khi nghe trẻ con nói chuyện với nhau và thấy cách ứng xử của chúng!
Đâu là vấn đề của việc giáo dục tình cảm và giới tính nơi những em bé trẻ nhất?
Các trẻ em nhỏ tuổi và các trẻ vị thành niên của chúng ta thường rất tò mò muốn biết những gì mật thiết nhất của chính chúng; đó là một điều tốt và chúng ta không nên làm cho các em có mặc cảm tội lỗi. Ngược lại, theo tôi nghĩ, chúng ta phải làm cho các em hiểu, không phải xem đây như kiểu sản phẩm khiêu dâm tải thẳng trên điện thoại cầm tay, trên máy vi tính hay trên đài truyền hình ở nhà…
Một đứa bé không thể tự mình xây dựng mình, đứa bé cần có người lớn chung quanh nó, nói chuyện với nó, dạy dỗ nó, yêu thương nó. Chung chung một đứa bé có 6 người lớn chung quanh mình: cha, mẹ, ông bà nội, ông bà ngoại và thêm các cô thầy ở trường.
Vấn đề ở đây là chủ đề giới tính vẫn còn vướng vào điều cấm kỵ của cha mẹ và đa số cha mẹ chưa được huấn luyện để nói về dục tính với con mình. Họ không thoải mái vì thế họ không nói được, nhất là các người cha. Họ im lặng với con mình cũng như họ từng nếm cảnh im lặng của cha ông mình. Cấm kỵ về dục tính và về đời sống tình cảm là đã có từ muôn đời; từ đời ông A-dong, bà E-và.
Vì sao có chuyện cấm kỵ này?
Xã hội của chúng ta đặt chuyện giới tính lên hàng đầu, gần như ở trên mọi giá trị khác. Đây không phải là vấn đề luân lý, nhưng là vấn đề nhân chủng học: chúng ta có tai, tai dùng làm gì ? Chúng ta có mắt, mắt dùng làm gì? Các người đương thời chúng ta quên chức năng đầu tiên của giới tính không phải là cơ quan tạo ra lạc thú, nhưng nó giúp chúng ta biết yêu thương, món quà của chuyện mật thiết nhất.
Giáo hội cũng có những sai lầm, theo nghĩa này, Giáo hội luân lý hóa dục tính khi đưa ra một danh sách cấm. Từ năm 1968, chúng ta có câu châm ngôn: “Cấm không được cấm!” Trong lãnh vực này, tôi đồng ý với ý tưởng này. Nếu mình cấm con cái mình làm một chuyện gì mà không giải thích lý do tại sao, thì trẻ con sẽ không nghe theo lệnh cấm này. Nhưng nếu bạn nói: “Cha mẹ cấm con làm chuyện này… vì con sẽ có nguy cơ này…”, thì lập tức con cái sẽ hiểu vì sao mình cấm.
Giáo sư đề nghị gì để sửa chữa lại tình trạng này?
Chúng ta có một cơ thể được ban cho, chúng ta phải biết nó và biết chức năng của nó.
Phải có một đường lối giáo dục. Theo tôi, đường lối giáo dục trên lãnh vực này bắt đầu từ khi trẻ con lên 4 và chấm dứt ở tuổi 15.
Khi lên 4 tuổi, trẻ con đã hiểu khái niệm phân biệt dục tính, chúng đã bắt đầu đặt những câu hỏi như: “Làm thế nào con chui ra khỏi bụng mẹ?”. Và vì sao chấm dứt ở tuổi 15, vì ngày 4 tháng 8 năm 1982, cựu Tổng thống Pháp François Mitterrand đã ký sắc luật ấn định tuổi trưởng thành dục tính là 15. Tuy vậy ở tuổi 15, cơ thể của trẻ thành niên chưa hoàn thành, khả năng trong các quan hệ chưa hình thành xong. Nhưng nếu nhà làm luật đã ấn định tuổi trưởng thành dục tính là 15 thì họ đã tham khảo dữ liệu trước!
Marta An Nguyễn dịch
646    05-06-2018