Sidebar

Thứ Ba
23.04.2024

Cha Pedro, tông đồ của người bị ngoài lề ở Madagascar

 

Akamasoa, “Thành phố Tình bạn” đồng nghĩa với người khởi xướng, Cha Pedro Opeka, cha được biết đến nhiều qua tên riêng Pedro hơn là tên họ Opeka của cha. Chúng tôi đã gặp cha, chúng tôi đã nói chuyện hơn ba giờ với cha. Công việc của cha là biểu hiệu toàn bộ của Tin Mừng.

Trong thời gian Đức Phanxicô đang ở Madagascar, chúng tôi đi khám phá một công việc bắt đầu từ 30 năm trước đây: Trung tâm Akamasoa. Khó có thể hiểu được tác động của những gì Cha Pedro làm qua các câu chuyện kể hay qua các báo cáo. Cần phải cụ thể đến tận nơi để nhận thức đầy đủ tình yêu cho người anh em có thể được thực hiện qua hành vi, với sự giúp của Chúa Quan Phòng như thành ngữ cha Pedro thường hay lặp lại!

Cha không ngừng nhắc, “Công việc của Akamasoa là do Tin Mừng cảm hứng.” Cha nhắc lại một quá khứ xa xăm nơi các kỷ niệm đan xen. Cha giải thích: “Ý tưởng đã có trong lòng tôi khi tôi còn trẻ. Tôi đã thấy nhiều gia đình sống trong cảnh khốn khó cùng cực, những người vô gia cư bị bỏ mặc cho số phận, những người nghèo bị xã hội lãng quên…v.v. Vì thế tôi tự hỏi, vì sao những người này lại đau khổ như thế? Tại sao họ lại bị loại trừ?” Nhìn lại các câu hỏi này để tìm câu trả lời lúc cha 41 tuổi, lúc đó cha bị bệnh và không biết Chúa Quan Phòng đã gởi cha đến một bãi rác mà cuộc phiêu lưu thiêng liêng bắt đầu từ đó. Dưới mắt cha, không có gì cho thấy bãi rác này sẽ là một đô thị của hy vọng để chiến đấu chống nạn khó nghèo cùng cực. 

Một công trình được ghi vào thời gian

Cha Opeka nhớ lại, công việc của mình phát triển từng bước, ngày qua ngày. Tất cả thời gian này đã giúp cha có được sức mạnh, sự tự tin và đảm bảo. Một con đường của niềm vui và của nhọc nhằn mà xác tín duy nhất là “chúng tôi biết chúng tôi có khả năng giúp đỡ những người thiếu thốn, những người nghèo trong các lãnh vực giáo dục, công ăn việc làm, y tế, nhà ở xã hội; chúng tôi có khả năng làm sạch, làm đẹp môi trường sống của mình”. Người sáng lập trung tâm Akamasoa nhận ra rằng thành công của trung tâm là thành quả của “Chúa Quan Phòng”, người đã chọn cha làm “dụng cụ xây dựng.” Cha cũng cám ơn hơn 500 thanh niên nam nữ Madagascar đã làm việc trong cơ sở này, một đóng góp của địa phương mà cha rất tự hào.

Cha cho biết: “Có rất nhiều người trẻ đầy năng lực chờ có ai kêu gọi để họ giúp đỡ và để họ huy động chính anh em mình, họ biết rõ nhau vì họ nói cùng ngôn ngữ, biết tâm lý, biết truyền thống và phong tục, nhưng phải lay động họ”.

Trước hết là tình huynh đệ

Cha Pedro nói tiếp: “Ban đầu, không ai tin vào điều này kể cả anh em trong Gia đình Dòng Thánh Vinh sơn Phaolô của tôi dù họ nâng đỡ tôi rất nhiều, tôi không bao giờ cám ơn cho đủ. Bây giờ công việc này trở thành một nhánh của cộng đoàn chúng tôi. Ở đây, chúng tôi không đặt đức tin hay tôn giáo lên hàng đầu nhưng đặt công lý, tình huynh đệ, sự chia sẻ lên hàng đầu vì đây là các biểu hiện tự nhiên nhất của đức tin chúng tôi.”

Vì thế theo cha Pedro, đức tin không phải là việc “lấp đầy nhà thờ mà sống đức tin hàng ngày”. Theo nghĩa này, cha nhấn mạnh: “Ở đây, chúng tôi muốn sống điều này. Đây là sân bóng rổ ngày xưa, và bây giờ là nhà thờ chúng tôi. Bây giờ nó không còn là sân bóng rổ nhưng là phòng đa chức năng, là nhà thờ chúng tôi. Chúng tôi bắt đầu cầu nguyện với năm mươi anh chị em. Bây giờ chúng tôi có 10.000 người.

Đối với Cha Opeka, nơi từng là nơi loại trừ, đau khổ, bạo lực, ngày nay đã trở thành nơi “quy tụ anh chị em, nơi gặp gỡ của mọi quốc gia”.

Chúa không cho phép để các em chết dần dần

Đứng trước các thách thức trong việc thực hiện công trình này, cha Opeka nhận thấy trong các yếu tố thành công, sự tôn trọng các lời đã nói là một trong các chìa khóa giúp cho trung tâm Akamasoa được hình thành. Sáng kiến của cha bắt đầu từ không có một xu nhưng chỉ với niềm tin và lòng đam mê, cha đã đưa bàn tay ra cho những người nghèo nhất, đặc biệt là cho các trẻ em. Cha giải thích thêm: “Chúa không cho phép để các em chết dần dần”. Khi nhắc đến việc tìm nguồn tài trợ, cha cho biết mình đã đi nói chuyện ở các cộng đoàn giáo xứ, ở các thành phố trình bày dự án để có được sự hỗ trợ. 

Cam kết đã được đền đáp

Trong những năm qua, công việc của Trung tâm Akamasoa đã mang lại một sự thay đổi thực sự, các người thiện tâm hiểu được sự quan tâm và sự nghiêm túc của chương trình. Họ bắt đầu đóng góp tài chính cho công việc và cha Pedro không ngừng cám ơn tất cả các nhà tài trợ, với tình yêu và xác tín vì cha tin rằng, “chỉ bằng cách chia sẻ chúng ta mới cứu được trái đất.” 

Akamasoa, một ngôi làng có tổ chức

Đề cập đến mối quan hệ tốt đẹp với Nhà nước Madagascar, cha Opeka cho thấy trung tâm Akamasoa là một “ngôi làng” điều hành tốt: “Có các ủy ban, có nhân viên lo an ninh, trường học, sức khỏe..v.v”. Tổ chức này đóng góp vào việc đấu tranh chống nạn nghèo đói, tuy nhiên cha Opeka thừa nhận, luôn có các khó khăn phải vượt lên. 

Chuyến thăm của Giáo hoàng, một khích lệ dành cho trung tâm Akamasoa 

Cha Pedro nhìn thấy trong chuyến viếng thăm của Đức Phanxicô là dấu chỉ của lòng biết ơn to lớn, một khích lệ cho sự phát triển công việc. Cha tin rằng qua chuyến thăm này, toàn thế giới có thể thấy bầu khí vui vẻ luôn có ở làng Akamasoa.

Cha Opeka cảm ơn Đức Giáo hoàng về chuyến viếng thăm mà cha cho đây là “ân sủng từ thiên đàng và sẽ là nguồn an ủi lớn cho tất cả người dân ở đây”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Đức Giáo Hoàng Madagascar-Gặp Thành Phố Tình Bạn – Đừng bao giờ đầu hàng nghèo đói

505    10-09-2019