Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Chân phước Giô-đa-nô Pi-xa

Ngày 19/8

Chân phước Giô-đa-nô Pi-xa

B. Jordanus de Pisa

(1260c.-1310)

Hội nhập văn hóa

 

Về vấn đề hội nhập văn hóa, Công Đồng Va-ti-ca-nô II đã khẳng định: “Trong nhiều hoàn cảnh sống khác nhau trải dài qua các thế kỷ, Giáo Hội đã sử dụng tài nguyên của các nền văn hóa khác biệt để phổ biến và giải thích cho muôn dân sứ điệp của Chúa Ki-tô trong khi rao giảng, để khám phá và thấu hiểu sâu xa hơn, để diễn tả sứ điệp ấy cách tốt đẹp hơn trong các lễ nghi phụng vụ và trong cuộc sống đa dạng của cộng đoàn các tín hữu[1]. Lần mở những trang lịch sử Giáo Hội Công Giáo chúng ta càng có thể khẳng định cách chắc chắn về điều này, nhất là qua cuộc đời của chân phước Giô-đa-nô Pi-xa.

Trong phút cầu nguyện này, chúng ta cùng cầu nguyện cho các nhà truyền giáo và hết những ai đang hoạt động tông đồ, xin cho họ biết cách hội nhập vào các nền văn hóa của những dân tộc nơi các vùng truyền giáo, và xin cho họ luôn ý thức rằng: “Vì được sai đến với tất cả các dân tộc ở mọi nơi mọi thời, Giáo Hội không để bị ràng buộc theo kiểu độc chiếm, hay tuyệt đối gắn liền với một chủng tộc hay quốc gia, với một lối sống đặc thù hoặc một tập tục cũ hay mới nào”.[2]

Giô-đa-nô sinh ra tại Pi-xa nước Ý vào năm 1261. Năm 19 tuổi cậu nhận lãnh tu phục dòng Đa Minh. Trải qua những tháng ngày học tập tại Pa-ri và Bô-lô-ni-a, cha Giô-đa-nô trở thành một học giả uyên bác, một nhà thần học thâm sâu. Với nhiệt tâm giảng thuyết, cha đã có rất nhiều những sáng kiến mục vụ. Cha đã đi bước trước trong việc dùng tiếng dân tộc Tốt-ca-na cho các bài giảng, thay vì dùng tiếng La-tinh. Từng là nhà giảng sư thần học, giám đốc học vụ có kiến thức sâu rộng, cha đã rao giảng Tin Mừng bằng ngôn ngữ bình dân, giản dị nhưng lại phong phú, súc tích và đầy lý luận. Hơn thế nữa, cha còn làm nổi bật lên trong các bài giảng lòng nhân hậu của Thiên Chúa và việc tôn kính Đức Maria.

Liên quan đến điều này, chúng ta hãy tự đặt ra những câu hỏi cho riêng mình: Cách thức nào được tôi dùng để chuyển trao Lòng Thương Xót của Chúa và lòng yêu mến Mẹ Maria cho người khác? Có phải tôi đã bị cuốn hút vào một xã hội đề cao lợi nhuận và hưởng thụ nên tôi đã vội lãng quên vai trò chứng tá của mình? Tôi có sẵn sàng sẻ chia những cảm nghiệm về tình thương Chúa dành cho tôi hay không?

Sống trong lòng Giáo Hội, bạn tôi chúng ta cách này hay cách khác đều là những tông đồ, những vị thừa sai. Do đó, bước chân truyền giáo của ta cần phải hài hòa với từng môi trường cụ thể. Ở những thành phố có lối sống hiện đại, tiện nghi đầy đủ, người tông đồ thường gặp phải những cám dỗ và thách đố không nhỏ. Khi được sai đến những vùng xa xôi, những vùng cao, vùng nông thôn với những người dân tộc thiểu số, nếu chúng ta có thể nói cùng thứ ngôn ngữ, ăn cùng những thổ sản và hiểu được những nét văn hóa đặc trưng, thì cánh đồng truyền giáo ắt hẳn sẽ cho một mùa gặt bội thu. Dẫu vậy, người tông đồ cần giữ lại những nét tinh hoa của mình và của người, cần khéo léo để đẩy xa những hư tục phương hại đến sự sống cho mất đi.

Nhìn lại hành trình năm mươi năm của cha Giô-đa-nô, ta thấy nổi bật lên rất nhiều thành công mục vụ. Làm được điều này là do bởi cha Giô-đa-nô Pi-xa đã sớm hội nhập vào văn hóa thời đó và xóa đi những cách biệt do bất đồng ngôn ngữ, do khác biệt văn hóa hoặc do chênh lệch về mặt bằng kiến thức. Với sự thánh thiện và tài đức, cha Giô-đa-nô đã được đức giáo hoàng Ghê-gô-ri-ô XVI tôn lên hàng chân phước.

Lạy Chúa, khi thực thi sứ vụ tông đồ, nếu lời nói và việc làm của con phù hợp, con sẽ góp phần làm vinh danh Chúa và hướng đến tha nhân. Trước sự đa dạng của văn hóa vùng miền, của phong tục tập quán, của ngôn ngữ các dân tộc, của lối sống lạc hậu hay hiện đại con vẫn là tông đồ của Chúa. Con cần Chúa đồng hành hướng dẫn.

Như chân phước Giô-đa-nô Pi-xa, xin Chúa dạy con biết cách chọn lựa nội dung và hình thức dấn thân, để con giới thiệu Chúa qua những nét đẹp văn hóa mà “vẫn trung thành với những truyền thống đặc thù, đồng thời ý thức được sứ mệnh phổ quát” của Giáo Hội[3].

 

[1] Trích Cđ Vat II, Hiến chế Mục vụ, số 58.

[2] Trích Cđ Vat II, Hiến chế Mục vụ, số 58.

[3] Trích Cđ Vat II, Hiến chế Mục Vụ, số 58.

550    19-08-2018