Sidebar

Thứ Ba
16.04.2024

Chấp nhận đau khổ để theo Chúa

 

 

Trang Tin Mừng hôm nay tiếp trang Tin Mừng trước, Chúa Giêsu cảnh báo với các tông đồ về sự chống đối của nhà cầm quyền Do Thái, Chúa Giêsu mời gọi các ông can đảm làm chứng nhân cho Chúa mà không sợ hãi, và hơn nữa, Ngài kêu gọi các ông phải dứt khoát lựa chọn lý tưởng tông đồ của mình, phải biết từ bỏ mình để theo Chúa cho đến cùng.

Với Tin Mừng theo thánh Luca, Chúa Giêsu còn nói mạnh hơn: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14, 26-27). Để trở thành môn đệ của ngài, Chúa Giêsu đưa ra một đòi hỏi quá khó khăn. Vì thế, chúng ta thường hiểu đòi hỏi này chỉ dành cho một số ít người thôi, đó là các tông đồ, và bây giờ là những người đi tu. Hiểu như vậy là không đúng, vì như chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu nói lời này với đám người rất đông đang cùng đi đường với Ngài; và trong Giáo Hội, dù lập gia đình hay đi tu, chúng ta đều là Kitô hữu, nghĩa là thuộc về Đức Kitô, chúng ta đều là môn đệ của Đức Kitô theo những cách thế khác nhau, trong đời sống hôn nhân hay đời sống tu trì. Hơn nữa, Chúa Giêsu còn mời gọi người ta dứt bỏ “vợ con”, nghĩa là Ngài ngỏ lời với cả người đã có gia đình, đã có vợ có chồng và đã cả con cái!

Theo Chúa, người môn đệ phải chấp nhận nhiều thua thiệt: họ có thể bị chống đối từ ngoài xã hội đến trong gia đình, và một cách nào đó, Chúa Giêsu cũng bị xem là nguyên cớ của các tranh chấp, chống đối. Thật thế, làm sao không có đối nghịch giữa ánh sáng và bóng tối, giữa Chúa Giêsu và thế gian, giữa quyền lực Thiên Chúa và quyền lực thế gian. Bước theo Chúa, người môn đệ phải chọn lựa, và chỉ chọn lựa tình yêu Chúa mới cho họ xứng đáng được gọi là môn đệ Ngài.

 "Ai yêu mến cha mẹ hơn Thầy, thì không đáng làm môn đệ Thầy". Chúa muốn chỗ ưu tiên trên hết mọi người và mọi sự. Chính vì vậy mà sự hiện diện của Chúa là dấu gây nên mâu thuẫn, gây chia rẽ: "Thầy không đến mang sự bình an, nhưng chia rẽ. Thầy đến để chia rẽ con trai với cha, con gái với mẹ".

Chúa Giêsu không khẳng định là Người có chủ tâm gây chia rẽ người ta. Người chỉ nhìn nhận sự kiện xảy ra. Người ta sẽ bất đồng ý kiến với nhau về Người. Có những người sẽ ủng hộ Người, người khác lại chống đối Người. Sẽ có những hiểu lầm, những cắt đứt quan hệ, những xung đột ở khắp nơi trên thế giới và ngay cả trong các gia đình, là vì Người và vì giáo huấn của Người.

Sống theo lửa tình yêu của Đức Giêsu, chúng ta không chỉ gặp nhưng xung khắc nội tâm, nhưng còn có nhưng xung khắc trong tương quan với người khác, đôi khi với những người thân yêu, mỗi khi chúng ta muốn sống sự đơn sơ, nghèo khó và khiêm tốn theo Tin Mừng của Chúa Giêsu. Khi chúng ta cầu nguyện với Lời Chúa, hẳn chúng ta sẽ có kinh nghiệm này: Lời Chúa có thể “xâu xé”, “cắt tỉa” chúng ta, nhưng là để chữa lành và làm cho chúng ta sinh nhiều hoa trái, như chính Chúa Giêsu đã nói, khi dùng hình ảnh cây nho (Ga 15, 1-8): Hình ảnh rau sa-lát phải được quấy nát để thấm nước sốt, diễn tả phần nào kinh nghiệm này.

Chính Chúa Giêsu cũng sẽ đối diện với những xung khắc, mà Ngài gọi là “Phép Rửa”. Phép Rửa Ngài phải chịu là cuộc thương khó và cái chết trên thập gía. Thập giá là điên rồ và sỉ nhục, nhưng đối với Thiên Chúa và nhưng ai đặt niềm tin nơi Ngài, thì đó lại là sức mạnh và khôn ngoan, dẫn đến bình an và niềm vui vô hạn.

Và rồi, khi chọn lựa như vậy, người môn đệ không tránh khỏi những mất mát, thua thiệt. Tuy nhiên, Thiên Chúa sẽ không để họ phải thất vọng. Ngài sẽ đền bù vượt quá sự chờ đợi của họ. “Đón tiếp một tiên tri, sẽ nhận được phần thưởng dành cho một tiên tri; đón tiếp người công chính, sẽ nhận được phần thưởng dành cho người công chính, đón tiếp kẻ rao giảng, sẽ nhận được phần thưởng dành cho kẻ rao giảng.” Người môn đệ của Chúa đừng sợ mất phần thưởng, nhưng hãy sợ mình chưa trung thành trong bổn phận của mình mà thôi.

Với Thiên Chúa, dù công khai hay âm thầm, sứ mệnh kẻ rao giảng bao giờ cũng cần thiết. Thiên Chúa luôn cần đến những người ngày đêm nhiệt thành rao giảng và làm chứng cho Ngài bằng đời sống hoạt động tông đồ, nhưng Ngài cũng cần đến những người hỗ trợ cho công việc tông đồ bằng đời sống âm thầm cầu nguyện và hy sinh. Lịch sử chỉ nhớ đến những vĩ nhân, chứ lịch sử không đủ giấy bút để ghi lại hết những khuôn mặt đã góp phần vào đời sống của các vĩ nhân. Lịch sử không nhớ, nhưng Thiên Chúa lại ghi nhớ tất cả, Ngài không bỏ sót một khuôn mặt nào, và phần thưởng của họ cũng có giá trị như của các vĩ nhân.

Hôm nay Chúa Giêsu vẫn cần chúng ta, vì mỗi người chúng ta là Kitô hữu. Ngài vẫn mời gọi chúng ta biết đáp lại tiếng gọi của lên đường mỗi ngày để làm chứng cho Tin Mừng. Chúng ta muốn theo Chúa và làm môn đệ của Ngài. Nhưng chúng ta phải sẵn sàng từ bỏ khi cần, nghĩa là chọn Chúa, đặt Chúa lên trên mọi giá trị: gia đình, nghề nghiệp,...Chúng ta hãy xác tín Chúa là gia nghiệp, là lý tưởng của chúng ta, để bước theo chân Chúa và sẵn sàng cách dứt khoát.

Để đón nhận Tin Mừng của Chúa, ta phải hy sinh và từ bỏ rất nhiều, khi làm tông đồ của Chúa, ta cũng sẽ đương đầu với biết bao khó khăn và gian khổ. Ta hiểu được tại sao nhiều người không kiên trì sống đức tin, và nhiều người ngại làm tông đồ cho Chúa. Ta cũng sẽ đào ngũ chăng? Ta cũng sẽ nản lòng chăng? Thật tình ta không muốn thế bao giờ. Xin cho ta được kiên trì và can đảm.

 

Lời Chúa hôm nay mời gọi ta phải hi sinh từ bỏ rất lớn để trở nên môn đệ đích thật của Chúa. Nhưng đó chính là để ta đón nhận tình yêu bao dung và thương xót của Chúa, và để ta nhận lại nhau như hồng ân Chúa ban và yêu thương nhau; và không phải yêu thương nhau theo kiểu của ta, nhưng là yêu thương nhau như Chúa yêu thương ta.

1438    17-07-2017