Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Chỉ dẫn của Giáo hội về việc giáo dục giới tính

 

Công đồng Vatican II đã đề nghị cung cấp cho các trẻ em và các bạn trẻ “một nền giáo dục giới tính tích cực và thận trọng” (GE 1). Gần đây tông huấn Amoris Laetitia (Niềm vui tình yêu, AL) cũng nhắc lại sự cần thiết này trong 6 số (280-286). Tông huấn Familiaris Consortio (Gia đình, FC) cũng đề nghị cha mẹ phải cung cấp cho con một nền giáo dục giới tính “tế nhị và rõ ràng” trong khung cảnh tình yêu trao hiến của tổ ấm gia đình (FC 37). Năm 1983, Bộ Giáo Dục Công Giáo ra một văn kiện với 111 số bàn khác chi tiết về vấn đề này: hoàn cảnh, nguyên tắc, bản chất, mục đích, phương tiện... Nhưng xem ra vấn đề cũng chưa được lưu tâm đúng mức…

Trong bản thăm dò do Ra Khơi mới thực hiện nơi 265 em thiếu nhi và giới trẻ, thì có tới gần 40% biết chút ít về “dậy thì”, cũng gần 40% tìm hiểu về giới tính trên internet; vấn đề giáo dục giới tính thỉnh thoảng mới được giới thiệu và giảng dạy sơ sài tại trường học, rất nhiều em bày tỏ quan điểm “tùy mỗi người quyết định” trong vấn đề “sống thử trước hôn nhân” (nam = 43,1%, nữ = 49,4%) cao hơn số em có quan điểm “không nên sống thử” (nam = 37,3%, nữ = 48,8%). Bản thăm dò phụ huynh do Ra Khơi thực hiện trên 104 phụ huynh, thì 73,1 % nói cần giáo dục giới tính cho con và 86,5% cho rằng các giáo xứ nên tổ chức các buổi nói chuyện về “giáo dục giới tính” cho cha mẹ[1].

 
giao duc gioi tinh cho tre 5 12 tuoi hinh anh4 euoq

Như thế, xét cả về định hướng mục vụ của Giáo hội lẫn nhu cầu mục vụ của giáo dân, chúng ta đều thấy việc giáo dục giới tính là cần thiết và quan trọng. Quả thực, chúng ta đang sống trong thời đại bị ảnh hưởng sâu rộng bởi cuộc cách mạng tình dục. Lối giáo dục sơ sài hoặc sự tránh né trong lãnh vực giới tính là điều không còn phù hợp. Tuy nhiên, chúng ta phải thừa nhận đây là công việc khó khăn. 

Bài viết này xin lược qua một vài văn kiện của Giáo hội liên quan đến lãnh vực này, với ước mong tìm ra những gợi mở soi sáng cho vấn đề nhiêu khê trên.

Tích cực và thận trọng

Tuyên ngôn về Giáo dục Công giáo (Gravissimum Educationis, GE) đưa ra nguyên tắc là giáo dục giới tính phải “tích cực” và “thận trọng” (GE 1). Tích cực có nghĩa là không chỉ dừng lại ở sự cấm đoán, phòng ngừa, mà hướng tới sự hiểu biết giá trị đích thực của tính dục và thành toàn nhân cách; lưu tâm áp dụng những thành tựu về sư phạm, tâm lý và giáo dục để giúp các em trưởng thành cách quân bình và toàn diện, đồng thời, điều hướng nguồn năng lượng dồi dào của các em tới việc dấn thân cho những giá trị cao đẹp. Thận trọng là phải “phù hợp với cá tính của từng phái tính”, phải phù hợp lứa tuổi, đúng thời đúng lúc, đúng nơi đúng chỗ, là giúp gạn đục khơi trong, nhất là giúp các em biết theo lương tâm ngay thẳng mà nhận định và tự chủ trước những trào lưu hỗn loạn về tính dục.

Trong tông huấn Niềm vui tình yêu (Amoris Laetitia, AL), đức thánh cha Phanxicô đã nhận định rằng những chỉ dẫn này đang gặp phải thách đố lớn lao vì xã hội hôm nay có xu hướng “tầm thường hóa và làm nghèo nàn tính dục” (AL 280).  Trong hoàn cảnh này, để có thể khai triển “một nền giáo dục giới tính tích cực và khôn ngoan”, cần phải đặt giáo dục giới tính trong cái nhìn toàn cảnh của một nền giáo dục về tình yêu dâng hiến quảng đại. Giáo dục giới tính như thế không chỉ là cung cấp thông tin về giới tính đúng thời điểm nhưng là giúp các em có một bản lĩnh trưởng thành để biết đảm nhận, đối diện, tự chủ và ứng xử với giới tính của mình một cách lành mạnh, quân bình, vui tươi và chuyển hóa, thăng hoa thành khả năng yêu thương cách quảng đại và tôn trọng (x. AL 281-286). 

Tế nhị và rõ ràng

Tông huấn Familiaris Consortio (Gia đình, FC) đề nghị cha mẹ phải cung cấp cho con cái mình một nền giáo dục giới tính “tế nhị và rõ ràng” trong khung cảnh tình yêu trao hiến của tổ ấm gia đình (FC 37). 

Trước hết, việc giáo dục này cần tế nhị, nghĩa là diễn ra trong bầu khí yêu thương và khiết tịnh. Các em cần được cha mẹ dạy dỗ về sự những giá trị thiết yếu của đời người, nhất là vun đắp “tình yêu đích thực, tình yêu dệt bằng mối quan tâm chân thành và vô vị lợi đối với tha nhân”. Tình yêu dâng hiến cách quảng đại và trong sáng đó sẽ giúp con cái thoát ra khỏi cái nhìn hạ thấp và thu hẹp tính dục vào khoái lạc thân xác ích kỉ. Để làm được điều này, ngoài gương sáng yêu thương và hi sinh, cha mẹ cũng cần “hướng dẫn chu đáo cho con cái mình cũng như tại các trung tâm giáo dục được họ chọn lựa và kiểm soát” (Ibid).

Thứ đến, việc giáo dục giới tính cũng cần minh bạch, tức là phải gạt bỏ “những hình thức thông tin về tính dục không để ý gì đến các quy tắc luân lý” có thể dẫn các em đến chỗ đánh mất sự tươi sáng và mở đường cho các tật xấu, để cương quyết nhắm đến “một nền văn hóa tính dục” như là sự phong nhiêu của toàn thể ngôi vị - thể xác, tình cảm, linh hồn- và biểu lộ ý nghĩa thâm sâu của nó qua sự hiến mình trong yêu thương. Mục tiêu rõ ràng của giáo dục giới tính là hướng các em tới đức khiết tịnh (tình yêu trong sáng trong bậc mình), là “nhân đức thăng tiến sự trưởng thành đích thực của ngôi vị, làm cho ngôi vị có khả năng tôn trọng và nâng cao ý nghĩa hôn nhân của thân xác” (Ibid).

Nguyên tắc và cách thế

Bộ Giáo Dục Công Giáo ngay từ năm 1983 đã ra một văn kiện hướng dẫn về việc giáo dục giới tính, với tự đề “Educational Guidance of Human Love: Outlines for Sex Education/ Hướng dẫn về việc giáo dục tình yêu: những nét đại cương của việc giáo dục giới tính” (EGL). Đây có lẽ là văn kiện tòa thánh bàn chi tiết nhất về đề tài này. Tài liệu gồm 111 số, bàn đến những nguyên tắc, bản chất, phương tiện, mục đích, tác nhân và các chỉ dẫn thực hành cụ thể trong việc giáo dục giới tính.

Ý nghĩa đích thực của giới tính

Trước hết là cái nhìn tích cực và tổng thể về tính dục: “Tính dục là năng lực nền tảng của một nhân cách, liên quan đến cách thế hiện hữu, cách thể hiện mình và giao tiếp với người khác, cách cảm nhận, diễn tả và sống tình yêu nơi con người. Vì thế, tính dục là thành phần bao trùm toàn bộ sự phát triển nhân cách và tiến trình giáo dục một nhân cách” (EGL 4).

Nguyên tắc của việc giáo dục giới tính: tôn trọng thân xác và giới tính như là quà tặng của Đấng Tạo Hóa, có chức năng trong việc diễn tả sự sống và tình yêu, là thành tố bộc lộc mầu nhiệm con người và góp phần tỏ lộ tình yêu sáng tạo và cứu chuộc của Thiên Chúa (EGL 21-33).

Bản chất và mục đích: giúp hiểu bản chất, vai trò, tầm quan trọng của tính dục cũng như những chỉ dẫn giúp vươn tới sự trưởng thành đích thực trong đời sống tình cảm và phái tính. Mục đích nhắm tới là một sự trưởng thành trong tình yêu, một tình yêu quảng đại vị tha và có trách nhiệm, khi mà “sự vị kỷ bị loại bỏ, một hình thức khổ luyện nào đó áp dụng, tha nhân được đón nhận và yêu mến vì chính bản thân họ, những yếu tố của giới tính được toàn nhập: sinh lý, tình dục, tình yêu và đức ái” (EGL 42).

Phương thế và tác nhân

Những phương thế siêu nhiên được nói tới ở các số 43-47: Lời Chúa, các Bí tích, cầu nguyện, dấn thân…
Những phương thế tự nhiên đến từ phía gia đình, cộng đoàn, giáo lý viên, nhà trường, xã hội… (x. EGL 48-77). Đặc biệt là vai trò của gia đình và truyền thông cần được lưu ý hơn. Đối với các giáo viên, họ cần được chuẩn bị kỹ lưỡng để giúp các học sinh về vấn đề này.

Nội dung chính
Văn kiện đưa ra một số nội dung chính của việc giáo dục giới tính như sau (x. EGL 78-105):
  • Trân trọng giá trị tính dục của con người và người Kitô hữu;
  • Giáo dục về sự đoan trang như là “sự tỉnh táo khôn ngoan để bảo vệ phẩm giá người nam, người nữ và tình yêu đích thực”;
  • Giúp trẻ thấm nhuần hệ thống các giá trị thân xác, tình cảm và tâm linh dưới sự dẫn dắt của đức tin và tình yêu vị tha;
  • Giáo dục về tình bạn như là chiều cao của sự trưởng thành tình cảm, sự hiệp thông và tình liên đới;
  • Giáo dục về những biểu hiện và năng lực của giới tính, sự phòng vệ chính đáng và khả năng tự chủ, nét đẹp của tình yêu hôn nhân và gia đình, tình yêu quảng đại và có trách nhiệm;
  • Giúp trẻ “giải độc” khỏi những quan niệm lệch lạc hiện thời về tình yêu, giới tính, tính dục… để giúp trẻ có được cái nhìn trong sáng và lành mạnh về tình yêu, tình cảm và giới tính nơi con người;
  • Sự đồng hành, tư vấn nơi những người có khả năng và tâm huyết sẽ là phương thế rất hữu hiệu cho người trẻ, nhất là nơi các bạn bị rơi vào tình trạng đặc biệt…
Lời mời gọi
Phần kết luận của EGL là lời mời gọi hãy đưa ra một “nền giáo dục giới tính tích cực và tiên tiến cho các trẻ em, bạn trẻ, thanh niên và người lớn”  (EGL 106). Cần chấm dứt sự im lặng tránh né và các nhà hữu trách liên quan (gia đình, Giáo hội, nhà trường và xã hội) phải mau chóng nhập cuộc! 

Trong một thế giới “đang biến phần lớn tính dục con người thành chuyện tầm thường, cả trong cách diễn tả lẫn trong cách sống quá thu hẹp và nghèo nàn, cũng như chỉ liên kết tính dục với thể xác và lạc thú ích kỉ” (FC 37), thì việc giáo dục tính dục thiết nghĩ không chỉ là của gia đình, nhà trường, nhưng còn là sứ mệnh của Giáo hội.  

Đây không đơn thuần là chuyện thông tin hay những chỉ dẫn có tính thể lý, tâm lý mà còn mang tầm vóc luân lý, tâm linh  nữa, vì nếu tính dục “bị tách biệt khỏi khung cảnh trao hiến cho nhau, món quà này sẽ đi đến tình trạng đánh mất ý nghĩa, gia tăng sự ích kỉ cá nhân và xáo trộn luân lý” (FC 37).

Việc giáo dục giới tính hướng tới vun trồng một tình yêu trao hiến quảng đại và có trách nhiệm, vì “tính dục, được định hướng, thăng hoa và toàn nhập bởi tình yêu sẽ đạt tới phẩm giá nhân bản đích thực” (EGL). Vì thế, giáo dục giới tính không chỉ dừng lại ở việc đào luyện sự tự chủ, nhận thức lành mạnh về giá trị giới tính, nhưng còn là cổ võ một lối sống khiết tịnh, một trái tim tràn đầy tình yêu trong sáng vị tha và phục vụ. Đó cũng là bí quyết của nét đẹp và niềm vui Tin Mừng mà Thiên Chúa muốn trao gửi nơi quà tặng giới tính con người, vì Ngài đã dựng nên họ “giống hình ảnh Ngài” là nam, là nữ…

Ước mong các “nhà giáo dục Kitô hữu, dù là những người cha, người mẹ trong gia đình, giáo viên, linh mục, hay bất cứ ai có trách nhiệm trong lãnh vực này […] có những nguyên tắc cơ bản, sự tinh tế, kiên nhẫn, can đảm và dấn thân một cách quảng đại cho học sinh” (EGL 110).

 
Lm. Đaminh Trần Ngọc Đăng
(Bài đăng trên Ra Khơi 19 (2018, III), tr. 50-53, với một vài bổ sung)
 
 
 

[1] X. BBT Ra Khơi, “Khảo sát nhanh về sự hiểu biết và giáo dục giới tính tại Giáo phận Bùi Chu”, trong Ra Khơi 19 (2018, III), tr. 115-127.
937    13-11-2018