Sidebar

Thứ Bảy
20.04.2024

Chiêm ngắm vẻ đẹp vĩnh cửu

Thứ Ba XXXIV TN

Lc 21, 5-11

CHIÊM NGẮM VẺ ĐẸP VĨNH CỬU

Tin Mừng nói về đền thờ Giê-ru-sa-lem hôm nay, Người Do Thái tự hào nói rằng:“Ai chưa nhìn thấy Giêrusalem trong vẻ tráng lệ của nó thì không bao giờ có được niềm vui.” Sử gia Giuse Flavius khen ngợi: “Giê-ru-sa-lem chiếm 90% vẻ đẹp của cả vũ trụ cộng lại”. Vậy mà Đền thờ hùng vĩ ấy sẽ bị binh lính Rôma đốt cháy bình địa năm 70.

Một số người đang mải mê chăm chú nói về một Đền Thờ lộng lẫy nguy nga với những phiến đá đẹp và những đồ dâng cúng. Có vẻ như họ coi những thứ này thật quý giá, mà ai cũng muốn được tiết chạm và sở hữu nó. Họ đang tự hào về công trình do chính con người làm ra và coi đó như là tất cả cuộc sống của họ.

Con người sinh ra không phải để tìm kiếm vật chất, hưởng thụ vật chất, chịu biết bao nỗi khổ và kết thúc cuộc đời ngắn ngủi ở chốn hồng trần; nhưng nó được sinh ra với một mục đích cao cả và tuyệt diệu hơn nhiều – đó là được tham dự cuộc sống vĩnh cửu đời đời. Và mỗi việc làm của con người nơi trần gian này đều có hệ quả và giá trị trong cuộc sống đời đời đó.

Trần gian như một chốn thao trường, một trận chiến mà người ta phải ra sức luyện tập và chiến đấu để dành phần thắng là phần thưởng hạnh phúc cho cuộc sống bất diệt của họ. (1Cr 9, 24 - 26) Thời giờ, sức khỏe, tài năng, vật chất… là những phương tiện mà tạo hóa ban cho con người để họ thực hiện việc xây dựng hạnh phúc đời đời ấy. Khi họ dùng hết khả năng chung tay dựng xây, làm cho cuộc sống trần thế được tốt đẹp chính là họ đang xây dựng cho mình một thành trì, một cuộc sống hạnh phúc vĩnh cửu mai hậu. Vì vậy hãy làm cho đời mình với biết bao lắng lo cơm, áo, gạo, tiền và những bổn phận, trách nhiệm, công việc được thăng hoa bằng một tâm hồn đẹp, bằng con tim yêu thương chân thành được sinh ra từ Đấng là tình yêu bất diệt. 

Chúa Giêsu có một cái nhìn khác đối với những gì là đẹp đẽ xa hoa của trần thế. Ngài nói: "Những gì anh em đang chiêm ngắm đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào" (Lc 21,6).

Như vậy, Đức Giê-su thật sự muốn quy hướng những người này về một cái gì là đẹp đẽ vĩnh cửu, là không thể hư hoại và mất đi. Ngài thật sự không muốn họ quá mải mê về những công trình hùng vĩ do bàn tay khéo léo của con người làm ra, bởi vì, sớm muộn gì, nó cũng sẽ bị lụi tàn theo năm tháng.

Vạn vật đều tuân thủ định luật biến đổi của vũ trụ. Nói như kinh nghiệm của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vạn vật phải trọ, phải sống nhờ một bàn cân khác trong cuộc trần này: “Con chim ở đậu cành tre, con cá ở trọ trong khe nước nguồn, đám mây ở trọ tầng không…”; cũng vậy cây đa sống trọ đất trồng, đền thành sống trọ móng nền thế thôi… Cây cối sông núi cũng đều có cái già cái trẻ. Đất cát cũng có khi lở khi bồi. Đó là cảnh "bãi biển nương dâu", cảnh biển cả biến thành ruộng dâu, ruộng dâu biến thành biển cả. Tục ngữ ta có nhiều câu nói lên được sự vô thường của sự vật một cách rất thâm thúy như: “Vật đổi, sao dời”.

Chúa Giê-su hiểu thấu xu hướng biến động và bản chất không thật của mọi vật thể và biến cố, nên Chúa muốn hướng con người ta đến cái vĩnh cửu hơn, cái cốt lõi của vạn vật, chứ không phải là cái hiện hữu- cái ta giả của con người hay của vạn vật. Nhìn những vạn vật luôn đổi thay chuyển dời xem ra như là lời nhắc nhớ cho mọi người biết rằng, trái đất này không phải là nơi cư ngụ vĩnh viễn của vạn vật. Nó chỉ là chốn trọ của con người trong cuộc lữ hành trần thế, cuộc lữ hành đức tin. Mỗi người sống “trọ” trong chốn trần gian này tạm đến, tạm ghé, tạm dừng trên hành trình tiến hóa. Tất cả hiện tại này thật bấp bênh và thật mỏng manh.

Con người ngày hôm nay cũng đang đắm chìm nơi vật chất trần gian. Rất nhiều phát minh khoa học được khám phá, rất nhiều công trình vĩ đại được dựng nên,... những thành công đó đã vô tình khiến con người quá tự hòa về những kỳ công nơi họ. Tiền tài, danh vọng, quyền lực được tôn phong như một vị thần trong tâm thức của không ít người trên thế giới này. Nhiều người trong số họ vẫn biết vật chất chỉ đem lại niềm hạnh phúc chóng qua, thế nhưng, trước sức hút mãnh liệt của nó, họ đã không thể cưỡng lại được.

Và rồi, ngày qua ngày, họ càng lấn sâu vào nơi những gì của trần thế mà quên hướng mắt mình về trời cao.

Lời Chúa ngày hôm nay là lời cảnh tỉnh cho họ và cũng là cho mỗi người chúng ta. Chúng ta ca ngợi vẻ đẹp của trần thế, nhưng không phải thán phục bản chất của nó nhưng là thán phục chính quyền năng cao cả của Thiên Chúa. Đồng thời, chúng ta sẽ biết mình phải sống thế nào, biết tin tưởng vào ai và biết chờ đợi gì nơi cuộc sống dương thế này. Có như thế, chúng ta mới sẵn sàng cho ngày cánh chung, ngày mà Thiên Chúa sẽ cho ta biết mình là "kẻ lành hay kẻ dữ."

Mong sao Lời Chúa hôm nay thêm một lần nữa giúp mỗi người thêm kinh nghiệm sâu sắc hơn rằng: mỗi người chỉ ở trọ trong cõi trần gian này duy nhất một lần, và thời gian trọ mỗi người dài ngắn khác nhau. Vì thế, khi đối diện với những vô thường và “ảo” của vạn vật, có lẽ mỗi người sẽ hóa giải được tất cả lo âu để có được tâm sáng suốt, nhẹ nhành, thanh thản, an bình và từ tâm trong cuộc lữ hành.

Mỗi người chúng ta hãy xây dựng thành trì của mình trên nền đá tảng là Lời Chúa, đồng thời trang trí bằng những nhân đức và việc lành. Tất cả những biến cố như chiến tranh, loạn lạc, động đất, bão lụt, ôn dịch, đói kém sẽ không là mối đe dọa khiến ta sợ hãi, nhưng là một lời mời gọi sống tích cực hơn, quan tâm, yêu thương chia sẻ và phục vụ nhiều hơn, để ‘ngày chung cục’ đến với chúng ta như một biến cố đầy hỉ hoan – biến cố ta được gặp và sống hạnh phúc cùng với Đấng hằng yêu mến chúng ta từ đời đời.

 

 

2232    26-11-2017