Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Chiêm niệm như Thánh Nữ Teresa Avila

15 Tháng Mười

Thánh Têrêsa Avila

(1515-1582)

CHIÊM NIỆM VÀ CẢI TỔ ĐỂ XÂY DỰNG HỘI THÁNH NHƯ THÁNH NỮ TÊRÊSA AVILA

          Thánh Têrêsa Avila sống trong thời kỳ nhiều khai phá cũng như nhiều biến động chính trị, xã hội và tôn giáo. Ðó là thế kỷ 16, thời của hỗn loạn và cải tổ. Cuộc đời của thánh nữ bắt đầu với sự cực thịnh của phong trào cải cách Tin Lành, và chấm dứt sau Công Ðồng Triđentinô ít lâu.

          Têrêsa sinh 28 tháng 3 năm 1515, qua đời ngày 4 tháng 10 năm 1582, là một nữ tu sĩ Dòng Cát Minh, một nhà thần học nổi tiếng người Tây Ban Nha của Giáo hội Công giáo Rôma, bà gắn cả đời mình với cuộc sống chiêm niệm và tâm nguyện. Năm 1622, bốn mươi năm sau khi qua đời, bà chính thức được Giáo hoàng Grêgôriô XV phong thánh. Năm 1970, bà được Giáo hoàng Phaolô VI nâng lên hàng Tiến sĩ Hội Thánh.

          Ân sủng mà Thiên Chúa ban cho Têrêsa mà qua đó ngài trở nên thánh thiện, để lại gương sáng cho Giáo Hội và hậu thế gồm có ba điểm: Ngài là một phụ nữ; ngài là người chiêm niệm; ngài là người tích cực sửa đổi.

          Là một phụ nữ, nhưng Têrêsa giữ vững lập trường của mình trong một thế giới “trọng nam khinh nữ” vào thời đó. Ngài là người cương quyết, gia nhập dòng Camêlô bất kể sự chống đối kịch liệt của cha mình. Ngài không phải là một con người chìm trong sự thinh lặng cũng như sự huyền bí. Ðẹp, có tài, giỏi giao tế, dễ thích ứng, trìu mến, can đảm, hăng say, ngài thực sự là một con người. Cũng như Ðức Giêsu, ngài có những mâu thuẫn lạ lùng: khôn ngoan, nhưng thực tế; thông minh, nhưng đi đôi với kinh nghiệm; huyền bí, nhưng là người quyết liệt cải cách. Một phụ nữ thánh thiện, nhưng cũng đầy nữ tính.

          Têrêsa là một phụ nữ “vì Chúa”, một phụ nữ của cầu nguyện, kỷ luật và giầu lòng thương. Tâm hồn ngài thuộc về Chúa. Sự hoán cải của ngài không chỉ là một công việc tức thời, nhưng đó là một tranh đấu gian khổ suốt cả đời, bao gồm sự trường kỳ thanh luyện và đau đớn. Ngài bị hiểu lầm, bị đánh giá sai, bị chống đối khi ngài nỗ lực cải cách. Tuy nhiên ngài vẫn tiếp tục, vẫn can đảm và trung tín; ngài chống trả với chính bản thân, với bệnh tật. Và trong cuộc chiến đấu ấy, ngài luôn bám víu lấy Thiên Chúa trong lời cầu nguyện. Những văn bản của ngài về sự cầu nguyện và chiêm niệm, là chính những kinh nghiệm bản thân của ngài: thật mạnh mẽ, thật thiết thực và thanh cao. Một phụ nữ của cầu nguyện, một phụ nữ vì Chúa.

          Têrêsa cũng là một phụ nữ “vì tha nhân”. Qua sự chiêm niệm, ngài dành nhiều thời giờ và sức lực để tìm cách thay đổi chính ngài và các nữ tu Camêlô, để đưa họ trở về với những quy tắc ban đầu của nhà dòng. Ngài sáng lập trên sáu tu viện mới. Ngài đi đây đó, viết lách, chiến đấu – luôn luôn để canh tân, để cải tổ. Trong chính bản thân ngài, trong lời cầu nguyện, trong đời sống, trong nỗ lực cải tổ, trong tất cả mọi người ngài gặp, ngài là người phụ nữ vì tha nhân, người phụ nữ làm phấn khởi cuộc đời.

          Vào năm 1970, Giáo Hội ban cho ngài một danh hiệu mà người đời đã nghĩ đến từ lâu: Tiến Sĩ Hội Thánh. Ngài là người phụ nữ đầu tiên được vinh dự này.

          Ta thấy nét đặc biệt của cuộc đời của Têrêsa là một chuỗi những ngày tháng quyết tâm không phạm tội, dù chỉ một tội nhẹ. Têrêsa cũng đã cố tránh mọi dịp tội, vì thấy rằng mọi khó khăn trong việc hiến mình cho Thiên Chúa hệ tại ở chỗ bà đã không cắt đứt tận gốc các dịp tội.

          Và Thánh Têrêsa hiểu rõ giá trị của sự đau khổ liên tục (bệnh tật thể xác, không muốn cải tổ, khó khăn cầu nguyện), nhưng ngài đã luyện tập để có thể chịu đau khổ, ngay cả khao khát đau khổ: “Lạy Chúa, hoặc là đau khổ hoặc là chết”. Cho đến gần cuối đời, ngài đã kêu lên: “Ôi lạy Chúa! Thật đúng là bất cứ ai làm việc cho Ngài đều được trả bằng những khó khăn! Và đó thật đáng giá cho những ai yêu mến Ngài, nếu chúng con hiểu được giá trị của nó”.

          Thánh nữ Têrêsa Avila thương các linh hồn Luyện ngục cách đặc biệt. Bà hay giúp các linh hồn bằng lời cầu nguyện, hi sinh và việc từ thiện. Ðể thưởng công, Thiên Chúa thường cho bà được thấy các linh hồn lúc ra khỏi Luyện ngục về Thiên đàng. Các linh hồn này từ lòng đất đi ra.

          Các nhân đức quan trọng và cần thiết của đời tu là yêu mến nhau, dứt bỏ mọi thụ tạo và nhân đức cuối cùng nhưng vô cùng quan trọng là khiêm nhường đích thật.

          Cầu nguyện đối với bà quan trọng hơn những việc hãm mình vì thế bà không cho phép những việc hãm mình nghiệt ngã đến độ không còn sức cầu nguyện. Bã đã yêu thương mọi người đến độ không nói xấu ai, không chấp nhận gian dối. Quan niệm của bà rất rõ, yêu thương là “giúp đỡ cảm thông nhau, vui vẻ với các chị em trong các giờ giải trí dù không thích chút nào, săn sóc các chị em đau yếu, phục vụ trong những công việc hèn hạ nhất”.

          Theo bà, đã từ bỏ thì phải từ bỏ hết, vì “nếu ta không từ bỏ hết mọi sự thì Thiên Chúa sẽ không trao phó trọn vẹn kho báu của Ngài cho ta”. Bà dứt bỏ hết mọi thụ tạo nên đã được Thiên Chúa chiếm hữu ngay khi còn sống trên trần gian. Hôm nay, bà vẫn còn là mẫu gương chói ngời cho tất cả những ai muốn thuộc trọn về Chúa trong đời thánh hiến.

          Ngày nay chúng ta sống trong một thời đại nhiều xáo trộn, thời đại cải tổ và thời đại giải phóng. Các phụ nữ thời đại có thể nhìn đến Thánh Têrêsa như một thách đố. Thúc giục canh tân, thúc giục cầu nguyện, tất cả đều có trong con người Thánh Têrêsa là người đáng khâm phục và noi gương.

 

 

 

 

895    13-10-2019