Sidebar

Thứ Bảy
20.04.2024

Chính thống, Tội lỗi, và Dị giáo

 

Gần đây, trong lần đi giảng tĩnh tâm, tôi được dịp đến nhà thờ chính tòa ở thành phố đó để dâng thánh lễ Chúa nhật. Tôi sửng sốt trước bài giảng lễ ngày hôm đó. Đoạn Phúc âm hôm đó thuật lại Chúa Giêsu nói Ta là cây nho và các con là cành nho, và cha giảng lễ đã nói với cộng đoàn rằng điều Chúa Giêsu đang muốn nói ở đây là Giáo hội Công giáo La Mã thiết lập nên những nhánh đó và cách chúng ta liên kết với những nhánh đó là qua thánh lễ, và nếu bỏ lễ ngày chúa nhật là ta phạm tội trọng và sẽ chết trong tình trạng phải vào hỏa ngục.

Rồi nhận ra rằng điều mình đang nói có vẻ không được đón nhận cho lắm, nên cha giảng lễ quả quyết rằng sự thật thường không được lòng người, nhưng điều mà cha đang nói chính là giáo huấn Công giáo chính thống và bất kỳ ai bác bỏ điều này đều là dị giáo.

Thật buồn khi kiểu suy nghĩ đó vẫn còn trong giáo hội.

Giáo hội Công giáo thật sự dạy rằng bỏ lễ là tội trọng và nếu chết với tội đó, bạn sẽ vào ngục, thật thế sao? Không, đấy không phải là tính chính thống của Công giáo, dù cho nhiều giáo lý viên và cha giảng lễ thường cho là thế.

Tôi xin đưa ra một ví dụ. Vài năm về trước, tôi đã chủ trì nghi thức an táng cho một thanh niên mới khoảng hai mươi bị thiệt mạng trong một vụ tai nạn giao thông. Nhiều tháng trước khi mất, anh ấy đã chủ ý bỏ hết mọi việc hành đạo của một người Công giáo. Anh không đi lễ nữa, sống chung với bạn gái không hôn thú, và lúc gặp tai nạn thì đang trong tình trạng say xỉn. Tuy nhiên gia đình và cộng đoàn quanh anh trong lễ an táng, họ biết anh, và biết rằng bất chấp những bừa bãi trong đạo đức và hành đạo, anh vẫn có một tâm hồn tốt lành, một người trẻ quảng đại và đem niềm vui đến cho người khác.

Sau lễ an táng, một trong những người dì của anh, một người tin rằng bỏ lễ là tội trọng và có thể phải vào hỏa ngục khi chết, bà đến gặp tôi và nói. “Nó có một tâm hồn cao thượng và đầy sinh lực, nếu tôi giữ cửa thiên đàng thế nào tôi cũng cho nó vào.” Lời của bà đã phản bội một điều thâm sâu trong lòng bà, nhưng đó là một sự phản bội tuyệt vời, khi bà nhận thấy một tâm hồn cao thượng sẽ cao hơn những giáo luật, lúc xét xem ai được vào thiên đàng. Và đó cũng là biểu hiện niềm tin của bà rằng tiêu chuẩn phán xét của Thiên Chúa rộng hơn những luật bên ngoài đã được quy định trong giáo hội. Bà tin rằng bỏ lễ chúa nhật là tội trọng, nhưng vì nhiều lý do đúng đắn, không thể xem hệ quả của việc đó là cháu của bà phải vào hỏa ngục được. Sâu bên trong, bà biết rằng Thiên Chúa hiểu thấu tâm hồn con người, thông hiểu cho sự vô ý của chúng ta. Thiên Chúa chào đón tội nhân vào lòng, và không loại trừ những gì tốt đẹp khỏi thiên đàng.

Nhưng chúng ta vẫn còn một thắc mắc: Giáo huấn Công giáo La Mã chính thống nói rằng bỏ lễ chúa nhật là tội trọng, và một sai phạm như thế sẽ khiến bạn phải vào hỏa ngục. Không đâu, dạy như thế mới là dị giáo.

Nói đơn giản, thần học luân lý Công giáo luôn dạy rằng tội là một sự chủ quan không bao giờ có thể hiểu hết nếu nhìn từ bên ngoài. Chúng ta không bao giờ có thể đứng bên ngoài nhìn vào một hành động và nói: “Đấy là tội!” Chúng ta không bao giờ có thể đứng bên ngoài nhìn vào một hành động và nói: “Thế là sai!” Đấy là một phán xét. Từ bên ngoài, ta có thể phán xét một hành động là sai về khách quan, nhưng không bao giờ có thể ra phán quyết đó là tội. Hơn nữa, đây không phải là một điều mới lạ, mà là một điều có sẵn trong Giáo lý truyền thống. Không một ai có thể đứng bên ngoài nhìn vào một hành động và nói: “Đấy là tội!” Chúng ta có thể và phải khẳng định rằng một số việc nhất định là sai trái, sai về khách quan, nhưng khẳng định về tội lại là một chuyện khác.

Có lẽ câu nói của Đức Giáo hoàng Phanxicô được trích dẫn nhiều nhất là câu trả lời đơn giản của ngài: “Tôi là ai phán xét?” Và không chỉ mình ngài nói thế. Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đã nói: “Các ông phán xét bằng vẻ bên ngoài, tôi chẳng phán xét ai.” Thật sự, nói thế không có nghĩa là không có phán xét nào. Mà thật sự là có phán xét, và có kết án ai phải vào hỏa ngục. Nhưng phán xét đó như thế này: Tình yêu, Sự sống, Sự thật và Ánh sáng của Thiên Chúa đến thế gian, và chúng ta phán xét bản thân theo đó. Thiên Chúa không lên án ai, nhưng chúng ta có thể lên án chính mình. Chúng ta cân đo bản thân mình bằng Tình yêu, Sự sống, Sự thật và Ánh sáng của Thiên Chúa. Và những điều này quyết định ta sẽ đi về đâu, quyết định ngay trong đời này và đời sau.

Trong giáo lý căn bản và những lời dạy phổ biến của chúng ta, cần phải thận trọng khi dùng từ “tội trọng” và khi phán xét ai đó sẽ vào thiên đàng hay hỏa ngục. Chúng ta phải nhận thức trọn vẹn rằng khi Chúa phán xét, Chúa không khắc nghiệt hay dễ dãi hơn với bất kỳ ai.

 

J.B. Thái Hòa chuyển dịch

562    05-04-2017