Sidebar

Thứ Ba
23.04.2024

Chọn lựa giữa Thiên Chúa và tiền của

10/11/2018

Thứ Bảy Tuần XXXI Mùa tn

Pl 4, 10-19; Lc 16, 9-15

CHỌN LỰA GIỮA THIÊN CHÚA VÀ TIỀN CỦA

Trang Tin Mừng hôm nay chính là lời cảnh tỉnh cho mỗi chúng ta trong việc sử dụng tiền của ở đời này. Ngài mời gọi chúng ta hãy trung tín trong việc sử dụng tiền của. Vì tiền của cũng là một ân huệ Thiên Chúa tặng ban, nên chúng ta phải biết đặt tiền của vào đúng vị trí của nó như Thiên Chúa muốn. Đó là sự khôn ngoan cần thiết khi chúng ta sử dụng tiền của trong cuộc sống thường ngày.

 Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay đưa ra một đòi hỏi: "Hãy chọn lựa giữa Thiên Chúa và tiền của", bởi vì không ai có thể làm tôi hai chủ được. Tiền của tự nó không phải là điều xấu, nó chỉ xấu khi con người tôn thờ nó như cùng đích cuộc sống. Thật ra, không có tiền của xấu, mà chỉ có cách tìm kiếm, sử dụng xấu của con người mà thôi. Cách tìm kiếm, sử dụng trở thành xấu là khi con người bóp nghẹt tiếng nói lương tâm, chối bỏ chính mình, khước từ người anh em, chối bỏ Thiên Chúa. Kẻ tham lam là người ích kỷ, chỉ nghĩ đến mình, nhưng thực ra, họ cũng là kẻ đang tự hủy, chối bỏ cùng đích của cuộc sống.

Chúa muốn dạy rằng: đối với tiền bạc, chúng ta chỉ là những người quản lý, chứ không phải là ông chủ, nên phải sử dụng tiền bạc cách trung tín. “Vậy nếu các con không trung thành trong việc tiền của gian dối, thì ai sẽ giao phó của chân thật cho các con”.

Người ta nói đùa rằng: “Tiền không quan trọng nhưng những vấn đề quan trọng đều giải quyết bằng tiền.” Rõ ràng tiền là một trong những thứ cần thiết nhất trong cuộc sống con người. Tiền tự nó không xấu, không tốt: Tốt hay xấu là tùy ở nhận thức, thái độ và cách sử dụng của con người. Chúa Giê-su không lên án tiền của, cũng chẳng bác bỏ sự giàu sang. Ngài chỉ nhắc nhở chúng ta về cách sử dụng tiền bạc: đừng coi trọng tiền bạc hơn Chúa, đừng ảo tưởng có thể vừa thờ Chúa vừa gắn bó với tiền của. Trái lại, hãy dùng tiền của “mua” lấy tình bằng hữu trong đời sống hôm nay, để rồi mai ngày ta sẽ được đón rước vào nơi hạnh phúc vĩnh cửu.

Chúa Giêsu dạy rằng ta có thể dùng tiền bạc mà giá trị không bền để có được những giá trị vững bền tồn tại đến đời sau. Đó là dùng tiền để làm việc nghĩa, làm việc bác ái, góp vào việc chung của xã hội và Giáo Hội, giúp đỡ người khác v.v.

Khi ta biết dùng tiền của Chúa ban để làm những việc tốt hữu ích cho bản thân và tha nhân là cách thức đẹp lòng Chúa nhất, “dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè” (c.9a). Tiền của chỉ là những phương tiện giúp ta có điều kiện thực thi lòng bác ái đối với tha nhân, và đó là những nén bạc ta đang ký gởi nơi Thiên Chúa, để sau này ta được “đón rước vào nơi ở vĩnh cửu” (x.c.9b).

Tiền của chỉ có giá trị tạm thời mau qua và rất nhỏ so với những ân huệ thiêng liêng lớn lao mà Chúa tặng ban. Nhưng Chúa cũng muốn chúng ta hãy “trung tín trong việc rất nhỏ" ấy (c.11), từ đó có thể trung thành với những ân sủng cao quý Chúa ban cho mỗi người trong từng hoàn cảnh, để làm vinh danh Chúa.

Thật là nguy hiểm cho đời môn đệ! Nếu vì tiền, hẳn người môn đệ sẽ không chu toàn bổn phận trong lòng mến; sẽ thượng tôn điều bất chính và tận dụng mọi cơ hội để khai thác nguồn lợi cho mình… sẽ bất nhân với anh chị em; ích kỷ, kiêu ngạo và chối bỏ cùng đích của chính mình, thay vì tìm Nước Thiên Chúa và loan báo Tin Mừng cho người khác. Đồng tiền nó cũng rất dễ làm cho Lương Tâm bị chết nghẹt và đôi khi uốn nắn Thánh ý của Thiên Chúa theo chủ đích của chính mình.

Có một câu danh ngôn rất ý nghĩa: “Tiền của là một đầy tớ tốt và là một ông chủ xấu”. Chúng ta suy nghĩ gì về nhận định trên?

Còn Chúa Giêsu thì nói: “Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ” (c.13a). Lời Chúa hôm nay thật cụ thể sống động cho thời đại chúng ta. Bởi lẽ nhiều người đã xem tiền của như ông chủ của đời mình, để rồi sẵn sàng để tiền của điều khiển cuộc đời mình, và cũng vì tiền của mà đánh mất phẩm giá và mất đi các mối tương quan tốt đẹp trong cuộc sống.

Vì thế, Chúa Giêsu đã khẳng định thật rõ ràng: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được” (c.13b). Thiên Chúa chính là Đấng Tạo Hóa đã dựng nên con người cùng với muôn tạo vật trong vũ trụ mênh mông này. Ngài còn là Người Cha giàu tình yêu thương nhân ái, luôn quan tâm chăm sóc từng người chúng ta bằng muôn vàn ân sủng của trời cao. Thế nên, chỉ mình Thiên Chúa là Ông Chủ duy nhất của đời ta, Ngài điều khiển và nắm giữ vận mạng của từng người chúng ta. Bổn phận của chúng ta là tôn thờ, yêu mến và vâng phục thánh ý Ngài trong từng biến cố của đời ta.

Khi muốn nói đến sức mạnh của đồng tiền người ta thường nói: đồng tiền là tiên là phật… Đức Giêsu còn nói mạnh hơn nữa: đồng tiền còn có thể là chúa của con người, bắt con người làm tôi. Ngay cả các Kitô hữu, những người đã thuộc về Thiên Chúa, và chỉ muốn phụng sự một mình Ngài, cũng bị cám dỗ để đi hàng hai, bắt cá hai tay. Họ nghĩ mình có thể làm tôi đồng thời cả Thiên Chúa lẫn Tiền Của, nhờ đó được cả đời sau lẫn đời này. Đức Giêsu cho thấy điều đó chỉ là một ảo tưởng (c. 13). Phải chọn một trong hai, vì không thể yêu và gắn bó với cả hai. 

 Tất cả tiền bạc chúng ta đang nắm giữ đều là của người khác giao cho ta. Người khác đây là cha mẹ, ân nhân, hay do công việc làm ăn và xét cho cùng là Thiên Chúa giao. Ta chỉ là người quản lý mà thôi. Mà người ta chỉ đòi hỏi ở người quản lý một điều là phải chứng tỏ lòng trung thành. Khi đã trung thành trong việc quản lý của cải gian dối thì Chúa sẽ giao cho chúng ta của cải lớn hơn, đó là sự sống đời đời.

Ta hãy ý thức để tự mình điều khiển tiền của theo cách Chúa muốn và mang lại hiệu quả tốt đẹp cho bản thân và tha nhân. Đừng bao giờ để tiền của vượt quá giới hạn của nó, nhưng chúng ta hãy làm chủ tiền của và sử dụng chúng theo ý muốn của chúng ta cách chính đáng.

 

3439    07-11-2018