Sidebar

Thứ Bảy
20.04.2024

Chúa Giêsu Có Lời Cuối Cùng

Chịu đựng những gian nan thử thách với đôi mắt hướng lên thiên đàng

Khi ở giữa tuổi 40, Judy đã bị một tai nạn xe hơi nghiêm trọng. Chị sống sót, nhưng những vết thương của chị đã khiến chị phải nằm lại bệnh viện, mất nhiều tháng đau đớn dữ dội và hồi phục. Trong suốt thời gian đó, chị không thể làm việc hoặc chăm sóc cho chính bản thân chị hay gia đình của chị. Chị đã bỏ lỡ những trò giải trí mà chị ưa thích: quần vợt, đi bộ đường dài và đi xe đạp và chị nhận ra rằng thời gian đã trôi qua chị sẽ không bao giờ có thể thưởng thức những hoạt động này nữa.

Khi thấy cuộc sống mới của mình đang diễn ra như thế nào, Judy bắt đầu cảm thấy ngày càng thất vọng. Chị hỏi: “Tại sao Chúa lại để điều này xảy ra với con?” “Chúa không không quan tâm đến con và gia đình của con sao? Nhưng thay vì đẩy Chúa ra khỏi cuộc sống của mình, Judy vẫn tiếp tục cầu nguyện, và khi làm như thế, Judy dần dần xác tín rằng Thiên Chúa vẫn ở với chị trong mọi biến cố, mọi giây phút.

Dần dần, Judy cũng nhận ra rằng chị cần thay đổi cách suy nghĩ. Ở chừng mực nào đó, Judy luôn tin rằng vì chị là một Kitô hữu trung thành, nên cuộc sống của chị sẽ dễ dàng hơn cuộc sống của những người không tin vào Chúa. Nhưng giờ đây chị đã hiểu ra rằng đi theo Chúa Giêsu có nghĩa là đi trên hành trình thập giá với Người. Chị bắt đầu thấy rằng con đường của Chúa Giêsu bao gồm những thời gian thử thách và gian khổ gay go nhưng điều đó cũng dẫn chị đến một trải nghiệm sâu sắc hơn về sự phục sinh của Chúa. Nói khác đi, Judy đã có được một tầm nhìn siêu nhiên (ở trên trời).

Đây chính là tầm nhìn mà chúng ta muốn tìm hiểu trong bài báo này. Chúng ta muốn nhận ra làm cách nào để có được một nhãn giới về thiên đàng hầu có thể nâng đỡ chúng ta vượt qua những thời khắc gay go của cuộc sống.

Chúa Giêsu, Con Người của Những Nỗi Khổ Đau. “Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó” (Ga 16,33). Chúa Giêsu có thể tuyên bố những lời này vì Người đã tường tận với nỗi buồn phiền và khổ đau. Hãy suy nghĩ xem Chúa Giêsu đã sống cuộc sống khó khăn như thế nào. Hãy suy nghĩ về tất cả những dặm đường Chúa Giêsu đã đi, tất cả các bữa ăn Người đã bỏ lỡ và tất cả những nơi bất tiện mà Người đã ngủ. Hãy suy nghĩ về cảm giác hẳn phải thế nào khi chữa lành cho một người nào đó vào ngày Sabát, rồi sau đó bị phê bình, chỉ trích vì đã làm điều đó (x. Mc 2,24). (Hoặc hãy suy nghĩ) để biết rằng những kẻ thù của Chúa Giêsu đang cố gắng tìm cách để giết Chúa.

Bạn cũng hãy suy nghĩ về những người bạn thân nhất của Chúa Giêsu sau cùng đã làm cho Chúa thất vọng. Giuđa, một trong số Mười Hai, đã phản bội Người, và Phêrô, người môn đệ thân thiết, cận kề của Chúa Giêsu, thậm chí đã chối là không biết Người. Và lúc Chúa Giêsu cần sự nâng đỡ của họ nhất – khi Người chịu đựng sự thống khổ của thập giá –  thì hầu như tất cả họ đã bỏ rơi Người.

Chúa Giêsu đã kiên nhẫn như thế nào? Bằng việc sống gần gũi với Cha trên trời của mình. Chúa Giêsu khẳng định với các môn đệ của mình: “Thầy không cô độc đâu, vì Chúa Cha ở với Thầy” (Ga 16,32). Chúa Giêsu đã được truyền sức mạnh từ Cha mình nhờ việc dành thời gian dài, đôi khi cả đêm, trong cầu nguyện. Chúa Giêsu hướng mắt về thiên đàng, nơi Người sẽ trở về, nơi Người sẽ được bao quanh bởi vô số những kẻ mà Người sẽ cứu chuộc bằng cái chết và sự phục sinh của Người.

Lời Cuối Cùng. Những người theo Chúa Giêsu đầu tiên cũng không xa lạ gì với đau khổ. Thực vậy, họ biết rằng bằng cách đón nhận Chúa Giêsu, họ cũng đang đón nhận một cuộc sống có thể bao gồm sự bách hại và tử đạo.

Chúa Giêsu đã báo trước cho các môn đệ của Người biết rằng điều này có thể xảy ra và Người nói họ hãy tự coi mình là người có phúc khi gặp gian nan thử thách! “Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em trên trời thật lớn lao” (Mt 5,11-12).

Cũng vậy, tông đồ Phaolô, người không lạ lẫm gì với gian nan thử thách, đã viết: “Một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời” (2 Cr 4,17). Và thánh Giacôbê đã viết: “Phúc thay người biết kiên trì chịu đựng cơn thử thách, vì một khi đã được tôi luyện, họ lãnh phần thưởng là sự sống Chúa đã hứa ban cho những ai yêu mến Người” (Gc 1,12).

Bạn thấy một kiểu mẫu ở đây chứ? Tất cả ba đoạn này đều đặt đau khổ và thử thách gian nan trong một nhãn giới vĩnh cửu. Người ta không thể đánh giá thấp đau khổ theo bất cứ cách nào; họ đang nói rằng họ không có lời cuối cùng. Lời cuối cùng thuộc quyền Thiên Chúa và đó là lời của sự sống vĩnh cửu với Người trên thiên đàng.

Làm Thế Nào để “Chịu Đau Khổ Được”. Như thế, làm cách nào chúng ta có thể phát triển và làm mạnh mẽ nhãn giới vĩnh cửu của chính chúng ta? Làm cách nào chúng ta có thể học để “xem mình được chan chứa niềm vui” khi gian khổ xảy ra cho chúng ta (Gc 1,2)? Dưới đây là một số gợi ý:

1. Cậy Dựa vào Chúa Giêsu. Như chúng ta đã đề cập ở trên, Chúa Giêsu đã có thể chịu đựng đau khổ vì Người đã sống gần gũi với Cha của Người bằng cách trung thành trong cầu nguyện và bằng cách luôn luôn thi hành ý Chúa Cha. Điều tương tự cũng rất đúng cho chúng ta. Mỗi ngày, Chúa Giêsu đang mời chúng ta: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi và tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền lành và khiêm nhường” (Mt 11,28-29). Đặc biệt khi cuộc sống gặp bế tắc khó khăn, chúng ta có thể cậy dựa vào Chúa Giêsu và cầu xin Chúa giúp để linh hồn của chúng ta được nghỉ ngơi. Chỉ cần ngồi thinh lặng trong cầu nguyện và tưởng tượng Chúa Giêsu đang ngồi bên cạnh chúng ta có thể làm cho nỗi sợ hãi và những lo lắng của chúng ta dịu đi. Chính những giây phút này, chúng ta có thể lắng nghe những lời đảm bảo của Chúa Giêsu.

2. Hãy Tin Tưởng rằng Chúa Thánh Thần Đang ở trong Bạn. Đôi khi bạn có thể cảm thấy rằng bạn đang trong cơn khốn quẫn và hết sức chịu đựng nổi. Nhưng hãy nhớ rằng, bạn đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần khi bạn lãnh phép rửa tội. Hãy nhớ rằng Thánh Thần là Đấng trung thành và Người vẫn sống trong bạn. Điều này đơn giản không có nghĩa là một ý nghĩ an ủi. Thực tế Chúa Thánh Thần ở trong bạn có nghĩa là bạn có quyền cậy dựa vào sự khôn ngoan của chính Chúa. Điều đó có nghĩa là bạn có Ai Đó cầu nguyện với bạn, thậm chí là cầu nguyện cho bạn, khi bạn không biết phải dùng lời nào để cầu nguyện (x. Rm 8,26). Điều đó có nghĩa là bạn có quyền cậy dựa vào sức mạnh của chính Chúa để nâng đỡ bạn, làm cho bạn tràn đầy hy vọng và giúp bạn nhìn cuộc sống của bạn bằng nhãn giới của thiên đàng.

3. Đừng Thực Hiện Cuộc Hành Trình Một Mình. Chúa Giêsu không bao giờ có ý định để các môn đệ của Người đi một mình và điều này đặc biệt đúng khi chúng ta đối diện với những thời khắc phải chiến đấu. Rất có thể bị cám dỗ để cố gắng cô lập bản thân khi cuộc sống bế tắc. Chúng ta cảm thấy chúng ta không nên nói về vấn đề của mình, hoặc chúng ta không muốn làm phiền những người khác. Nhưng nhiều khi, thực tế lại hoàn toàn trái ngược. Chúng ta thấy rằng có những người muốn giúp chúng ta, ngay cả nếu điều đó có nghĩa là họ chỉ lắng nghe chúng ta và cho chúng ta những lời động viên. Đừng đi một mình! Hãy đến với một thành viên trong gia đình của bạn, với một người bạn trong giáo xứ của bạn, hoặc vị cha xứ của bạn. Hãy xin người đó cầu nguyện cho bạn và ngay cả có thể cầu nguyện với bạn. Nếu bạn không thể nghĩ ra bất cứ ai có thể giúp đỡ bạn, hãy cầu xin Chúa sai ai đó vào cuộc đời của bạn. Chúa Giêsu đã không bước đi một mình, vì thế chắc chắn Chúa sẽ không muốn bạn đi một mình.

4. Giữ Vững Niềm Hy Vọng về Thiên Đường. Thiên đàng là tất cả bao quanh chúng ta bởi vì Thiên Chúa là tất cả khắp nơi xung quanh chúng ta. Không phải luôn luôn dễ nhìn, nhưng Chúa Giêsu đã hứa với chúng ta rằng nước trời đang ở giữa chúng ta. Chúng ta có thể chỉ thấy thiên đàng theo cách còn bị che giấu và ẩn kín, nhưng điều đó cần đến niềm tin. Chúng ta có thể tin, ngay cả khi chúng ta không nhìn thấy. Và nếu chúng ta có thể kiên vững trong đức tin của mình, thì hôm nay chúng ta sẽ trải nghiệm một hương vị của thiên đàng trong Bí tích Thánh Thể, trong một hoàng hôn tuyệt đẹp, hoặc trong cái ôm của một người thân yêu. Tất cả những “sự hưởng nếm” này đều chỉ cho chúng ta nhìn về tương lai. Chúng nói với chúng ta về niềm vui đang chờ đợi chúng ta khi cuối cùng chúng ta trải nghiệm thiên đàng trong vinh quang trọn vẹn của nó.

Tất Cả Mọi Sự Đều Sinh Ích Lợi. Thiên Chúa muốn chúng ta để lời hứa về thiên đàng luôn luôn ở trước mặt chúng ta, cho dẫu tình huống của chúng ta có như thế nào. Nếu bạn cảm thấy khó lòng tin điều này, bạn hãy nhớ lại tất cả những cách thức mà Thiên Chúa đã ban chúc lành cho bạn. Hãy nghĩ về các vị thánh mà bạn yêu thích và sự kiên định của họ. Hay bạn hãy nghĩ về Chúa Giêsu, Đấng đã trải nghiệm nỗi buồn phiền trong Vườn Giếtsêmanê và niềm vui của sự phục sinh vài ngày sau đó. Nếu không có gì khác giúp ích cho bạn, bạn chỉ cần kiên trì lặp đi lặp lại lời hứa này trong Thánh Kinh: “Tất cả những ai kêu cầu danh Đức Chúa sẽ được cứu thoát” (Rm10,13). Thiên Chúa là Đấng trung tín và Người sẽ nhìn thấy bạn cách tường tận. Vì là công dân nước trời, cuối cùng, ngay cả những khổ đau của chúng ta cũng sẽ mang lại vinh quang thiên quốc.

Thánh Kinh hứa rằng: “(Thiên Chúa làm cho) tất cả mọi sự đều sinh ích lợi cho những ai yêu mến Người” (Rm 8,28). Đôi khi khó có thể tin điều đó, nhưng đó thực sự là một lời hứa bạn có thể cậy dựa. Hãy tin vào lời của Chúa hơn là tin vào những cảm xúc của bạn. Hãy tin tưởng vào những lời hứa của Người. Có thể bạn không tưởng tượng được bất cứ điều tốt lành nào có thể nảy sinh từ một tình huống khó khăn; thậm chí có thể bạn không nhìn thấy tất cả các lời hứa của Thiên Chúa được hoàn thành theo thời gian. Tuy nhiên cuối cùng, bạn – cùng với tất cả các công dân nước trời khác sẽ khám phá ra rằng tất cả mọi sự đều có giá trị. Hãy kiên vững và một ngày nào đó bạn sẽ được Cha trên trời chào đón và chấp nhận. Và vào ngày đó, tất cả thiên đàng sẽ vui mừng hoan hỷ với bạn!

Theo The Word Among Us [wau.org]
November 2019 Issue
Chuyển ngữ:  Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương

618    22-11-2019