Sidebar

Thứ Ba
19.03.2024

Chúa Giêsu - Hiện thân của lòng thương xót

17/01/2020

Thứ Sáu Tuần I Mùa Thường Niên 

1 Sm 8, 4-7. 10-22a; Mc 2, 1-12

 CHÚA GIÊSU - HIỆN THÂN CỦA LÒNG XÓT THƯƠNG

          Trong đời sống con người, điều khó thực hiện nhất là tha thứ, nhất là khi đối tượng xúc phạm là người thân cận, gần gũi của ta. Nhưng đối với Thiên Chúa, không gì mà không thể thực hiện. Lòng tha thứ của Thiên Chúa vô bờ bến, đến độ Chúa Giêsu yêu cầu Phêrô phải tha đến 70 lần 7. Một sự tha thứ mãi mãi, không ngừng.

          Có lẽ Thiên Chúa thấu hiểu sự yếu đuối mỏng giòn của con người, nên Ngài dễ đồng cảm và đã thể hiện lòng đồng cảm ấy qua việc tha thứ không biết mệt mỏi của Ngài. Trang Tin Mừng hôm nay, thánh sử Máccô thuật lại một hành vi chữa bệnh lạ lùng của Chúa Giêsu. Người phục hồi không những phần xác mà cả phần hồn của con người, mặc dù con người chẳng hề mở miệng kêu xin. Chúng ta hãy cùng Thánh Máccô bước vào một ngày của Chúa Giêsu tại thành Caphacnaum.

          Trong xã hội Do thái, quan niệm bệnh tật là hậu quả của tội lỗi đã đẩy số phận những người bệnh phong, bại liệt,… vào hoàn cảnh bi đát. Họ khao khát được chữa lành để giảm cơn đau thể chất và quan trọng hơn là được hòa nhập vào đời sống chung của cộng đồng. Nhờ niềm tin mãnh liệt của mình, người bất toại đã được Chúa Giêsu cứu chữa, không chỉ căn bệnh thể xác mà còn ơn tha thứ tội lỗi phần hồn.

          Trong câu mở đầu của chương hai, tác giả giới thiệu nơi chốn rõ ràng: ở thành Caphacnaum và trong nhà của Người. Caphacnaum là nơi Chúa Giêsu khởi đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Căn nhà mà Người đang ở có thể là nhà Simon, Anrê. Nghĩa là trong chính căn nhà Giáo Hội, Thiên Chúa thực thi lòng thương xót và tha thứ.

          Bao quanh Người là làn sóng dân chúng.  Họ tụ tập đông đến nỗi chỗ nào cũng chật cứng người, để nghe lời Người giảng dạy. Có một kẻ bại liệt muốn được chữa lành phải nhờ đến sự trợ giúp của người khác. Anh ta nằm trên chõng và được đưa tới gần Chúa Giêsu bằng một lối đi hết sức ngoạn mục và đầy sáng kiến.

          Vì dân chúng quá đông, len lỏi vào còn khó huống hồ khiêng một cái chõng nặng. Nhưng khó khăn ấy không làm chùn bước khao khát của họ. Tình yêu đầy sáng kiến. Họ liền dỡ mái nhà và thòng dây đưa cái chõng cùng kẻ bại liệt xuống ngay trước mặt Chúa Giêsu. Chúa Giêsu thấy rõ lòng tin và sự khao khát kiếm tìm Thiên Chúa của họ. Họ mong được Chúa giải thoát cho kẻ bại này khỏi sự trói buộc của bệnh tật.

          Chúa Giêsu – hiện thân của lòng thương xót Thiên Chúa – đã không những chữa lành căn bệnh bại liệt thể xác nơi bệnh nhân, mà còn chữa lành tâm linh cho anh nữa “Con đã được tha tội rồi”. Có lẽ độc giả khá ngạc nhiên trước sự “lẩm cẩm” của Chúa Giêsu. Người ta đến xin chữa bệnh chứ đâu xin ơn sám hối. Nhưng ở đây, Chúa Giêsu tỏ hiện quyền năng của một Đấng Mêsia, một Vị Thiên Chúa với uy quyền  tối cao. Các ông kinh sư rất nhạy bén về giáo lý này. Các ông nghĩ ngay rằng: “ Sao ông này dám nói phạm thượng, xúc phạm đến Thiên Chúa. Vì không ai có quyền tha tội, duy một mình Thiên Chúa?”.

          Chúa Giêsu thấu hiểu lòng họ đang nghĩ gì, Người bảo họ: “Trong 2 điều, “con đã được tha tội rồi” và “đứng dậy, vác chõng mà về”, điều nào dễ hơn?”. Ở đây, Chúa đưa các kinh sư vào hai thái cực: một hành vi chữa lành tâm linh và một hành vi chữa trị thể xác của Người. Bất cứ ở thái cực nào, Người cũng có đủ quyền năng để thực hiện. Điều này chứng tỏ Người có uy quyền trên mạng sống và cả linh hồn con người nữa. Chúa Giêsu khẳng định: Vậy để các ông biết: ở dưới đất, Con Người có quyền tha tội.

          Đến đây, ta thấy Chúa Giêsu mạc khải cho các kinh sư biết chính Người là Đấng Mêsia, Đấng phải đến để cứu dân thoát xiềng xích của ma quỷ và tội lỗi. Đấng đến để đưa con người vào hưởng hạnh phúc Thiên Chúa. Như vậy, thánh sử muốn chúng ta biết lòng thương xót của Thiên Chúa đối với con người toàn vẹn nơi anh bại liệt, mặc dù anh đến chữa bệnh không một lời hay cử chỉ van xin, mà chỉ do sự nhiệt tình của những người khiêng.

          Nhưng điều kỳ diệu hơn nữa của ơn tha thứ là: trước khi tha thứ cho anh, Chúa Giêsu đã khai mở ơn cứu độ cho các kinh sư, khi các ông nhận ra: chỉ có Thiên Chúa mới có quyền tha tội. Nhưng rất tiếc là sự hiểu biết ấy chỉ trên lý thuyết, các ông vẫn không mở lòng mở trí đón nhận ơn cứu độ, mặc dù họ biết: Chúa Giêsu đang thi hành sứ vụ của Đấng Mêsia. Người chính là Đấng Cứu Thế mà dân Do Thái đang mong chờ.

          Ngược với thái độ cứng lòng, cố chấp của các kinh sư là tâm tình tôn vinh quyền năng và tình yêu Thiên Chúa mà dân chúng cảm nhận được “ chúng ta chưa thấy vậy bao giờ” (12). Họ trầm trồ thán phục, ngạc nhiên ngỡ ngàng trước tình yêu nhân hậu của Thiên Chúa được thể hiện qua con người Giêsu Nagiarét.

          Nhìn thái độ của các kinh sư và gẫm lại đời sống của mỗi người chúng ta: chúng ta có nhận ra tình yêu Thiên Chúa bàng bạc trong cuộc đời ta, trong lịch sử nhân loại, trong các biến cố xảy ra trên thế giới hàng ngày không? Hay cũng như họ, khi chúng ta được ơn khôn ngoan nhận xét diện mạo thay đổi của trời đất, mà vẫn “bưng tai, bịt mắt” mà không sám hối trở về ?

          Khi suy niệm về thân phận, tâm tình và niềm xác tín mạnh mẽ của người bất toại, chúng ta cũng tập nhìn lại bản thân để nhận biết thân phận yếu đuối, giới hạn và đầy tội lỗi của mình. Cho dù tâm hồn còn mang những lầm lỗi, thiếu sót nhưng chúng ta luôn tin vào tình thương diệu vợi mà Chúa dành cho chúng ta, để trong mọi khoảnh khắc, chúng ta luôn sống trong tâm tình tri ân, cảm tạ của những người đã được chữa lành.


740    16-01-2020