Sidebar

Thứ Năm
28.03.2024

Chứng tá Tin Mừng

24        10        Đ         Thứ Ba tuần 34 Mùa TN.

Kh 14,14-19; Lc 21,5-11

Thánh Anrê Dũng Lạc và các bạn tử đạo tại Việt Nam. Lễ nhớ. (Đ)

CHỨNG TÁ TIN MỪNG

          Công cuộc rao giảng Tin Mừng, khởi sự vào đầu thế kỷ thứ 16 tại hai địa phận đầu tiên ở miền Bắc (Đàng Ngoài) và miền Nam (Đàng Trong) được thiết lập vào năm 1659, qua các thế kỷ, đã biểu lộ sức phát triển lạ lùng, nhờ đó ngày nay có được 26 địa phận (10 ở miền Bắc và 15 ở miền Nam). Hàng Giáo Phẩm đã được thành lập (ngày 24 tháng 11 năm 1960), và trong toàn lãnh thổ Việt-Nam hiện nay có tới 6 triệu người Công Giáo.

          Kết quả này có được là nhờ hạt giống đức tin, ngay từ những năm đầu tiên, đã hòa trộn với máu đào lai láng của các vị tử đạo đổ xuống trên mảnh đất Việt-Nam, của các giáo sĩ ngoại quốc, giáo sĩ bản xứ và của giáo dân Việt-Nam. Tất cả đã cùng chấp nhận những lao nhọc do việc tông đồ, đồng thời đã cùng sát cánh đương đầu với cái chết để làm chứng cho chân lý Phúc Âm. Lịch sử Giáo hội Việt-Nam đã ghi nhận 53 sắc lệnh do các Chúa Trịnh và Nguyễn, hay do các Vua hạ bút ký, trong hơn hai thế kỷ, và suốt 261 năm (1625-1886), ra chỉ thị chống lại người Kitô giáo bằng những cuộc bách hại gắt gao cứ mỗi lần thêm dữ dội. Có tới khoảng 130.000 người đã ngã gục khắp nơi trong lãnh thổ Việt-Nam.

          Người ta có thể nói rằng trong các thế kỷ trước đây những vị chết vì Đức tin này đã bị chôn vùi một cách lặng lẻ như là cùng nằm trong một ”Ngôi mộ của chiến sĩ vô danh”; tuy nhiên niềm thương nhớ các Ngài vẫn còn sống động trong lòng người Việt-Nam.

          Từ đầu thế kỷ 20, có 117 vị trong số các anh hùng trên đây, là những người được coi là đã chịu đựng các thử thách lớn lao hơn, đã được chọn và được Tòa Thánh tôn lên bậc Chân Phước:

– Năm 1900 thời Đức Giáo Hoàng Lêô XIII: 64 vị

– Năm 1906 thời thánh Giáo Hoàng Piô X: 8 vị

– Năm 1909 thời thánh Giáo Hoàng Piô X: 20 vị

– Năm 1951 thời Đức Giáo Hoàng Piô XII: 25 vị

Các vị này được xếp theo các quốc gia như sau:

* 11 vị người Tây-Ban-Nha: tất cả thuộc dòng thánh Đaminh. Gồm 6 giám mục và 5 linh mục.

* 10 vị người Pháp: tất cả thuộc Hội Thừa Sai Paris. Gồm 2 Giám Mục và 8 linh mục.

* 96 vị là người Việt-Nam: Gồm 36 linh mục (trong số đó có 11 linh mục dòng thánh Đaminh), và 59 tín hữu (trong đó có một chủng sinh, 16 thầy giảng và một phụ nữ).

Các vị này là ”những người đến từ cơn thử thách lớn lao: họ đã giặt áo của họ và giủ sạch trong trắng trong máu Con Chiên” (Khải Huyền 7,13-14). Cuộc tử đạo của các Ngài được xếp theo niên biểu sau đây:

– 2 vị tử đạo dưới thời Chúa Trịnh-Doanh (1740-1767)

– 2 vị tử đạo dưới thời Chúa Trịnh-Sâm (1767-1782)

– 2 vị tử đạo dưới thời Vua Cảnh-Thịnh (1792-1802)

– 58 vị tử đạo dưới thời Vua Minh-Mạng (1820-1840)

– 3 vị tử đạo dưới thời vua Thiệu-Trị (1840-1847)

– 50 vị tử đạo dưới thời Vua Tự-Đức (1847-1883).

Tại pháp trường án lệnh của nhà vua đặt bên mỗi vị, có ghi rõ hình thức mỗi bản án như sau:

* 75 vị bị xử chém đầu;

* 22 vị bị xử bằng thừng thắt cổ;

* 6 vị bị thiêu sống;

* 5 vị bị phân thây từng mảnh;

* 9 vị bị tra tấn và chết rũ tù.

          Các vị thánh tử đạo này thuộc mọi hoàn cảnh khác nhau, nhưng tất cả đều đã trung thành với thập giá Chúa Ki-tô đến độ chịu đựng những khổ hình ghê sợ nhất: một số bị treo vào cột hành hình và bị cắt lưỡi; số khác bị chém đầu, bị bỏ cho chết đói, bị cưa thân thể hay bị róc thịt; lại còn một số bị nhốt trong hầm tối như loài vật hay bị phơi dưới mặt trời để bị thiêu cháy hay chết khát, hay bị đánh đòn, trói chân tay và bị giam trong ngục hôi thối. Bất kể thế nào, các ngài vẫn mạnh hơn mọi cực hình.

          Trong thời kỳ bách hại đạo Công giáo tại Việt Nam, một trong những thử thách mà các kitô hữu bị bắt bớ phải trải qua là bước qua thập giá. Quan quân thời đó thường đặt một cây thập giá dưới đất rồi bắt các kitô hữu bước qua. Ai không bước qua thì phải chịu đủ mọi cực hình. Còn ai chấp nhận bước qua thì được thoát cảnh ngục tù, được trả lại những tài sản bị tịch thu, được ban thưởng bỗng lộc, được sống đời tự do, được đoàn tụ với gia đình.

          Ta mừng kính 117 thánh tử đạo Việt Nam, là con số tượng trưng cho hơn 130 ngàn vị tiền nhân đã chết trong các đợt cấm đạo tại Việt Nam từ cuối thế kỷ 17 đến cuối thế kỷ 19. Họ đã chết không phải vì chống lại triều đình. Họ đã chết không phải vì lỗi công bình bác ái với tha nhân. Họ đã chết vì không chịu thoả hiệp với thế gian.

          Đứng trước nhu cầu và ham mê tiền bạc, người Công Giáo muốn trung thành với Tin Mừng, muốn sống trọn vẹn đức tin, bắt buộc phải có sự lựa chọn. Thà cam chịu nghèo khổ còn hơn nhận những đồng tiền phi nhân bất nghĩa. Thà cam chịu thiếu thốn còn hơn đánh mất đức tin. Thà lao động cực khổ để kiếm miếng cơm manh áo chân chính hơn là chạy theo những đồng tiền dễ dãi để chối từ Tin Mừng và Luật Chúa.

          Ngày nay, khái niệm về tử đạo hiểu rộng rãi hơn. Người tử đạo là người dám chết cho công lý, cho hòa bình, chết cho quyền sống của con người, nhất là những người nghèo khổ, bị áp bức. Nói chung là chết vì Chính Đạo, chết vì muốn sống theo con đường Tin Mừng của Chúa Giêsu.

          Ta hiểu tử đạo theo một nghĩa rộng, đó là làm chứng cho Chúa. Chúng ta có thể làm chứng cho Chúa bằng hành động, bằng việc làm, bằng chính cuộc sống đạo đức và thánh thiện, bác ái và yêu thương của chúng ta. Đó chính là cái nền tảng vũng chắc để xây dựng tòa nhà đức tin. Chính trong ý nghĩa này mà Mẹ Maria đã được gọi là Nữ vương các thánh tử đạo, mặc dù Mẹ đã không đổ máu để làm chứng cho đức tin của mình.

          Ta phải noi gương bắt chước các ngài, bởi vì con nhà tông không giống lông cũng giống cánh. Đừng vì một con sâu mà làm rầu nồi canh, đừng vì cuộc sống tội lỗi của chúng ta mà làm nhơ bẩn khuôn mặt Giáo Hội Việt Nam. Hãy sống thế nào để xứng đáng là con cháu của những bậc anh hùng tử đạo.


658    21-11-2020