Sidebar

Thứ Ba
19.03.2024

Chút cảm nghiệm mùa Covid -19 (2020)

 swhw1

Những ngày “trốn” dịch Covid -19!

Bất chợt, nhìn thấy bức ảnh “chiếc lá cuối cùng” này. Mọi người có nhìn thấy không? Chỉ một chiếc lá  vàng đơn độc treo trên cành cây gầy guộc. Đơn giản chỉ có vậy. Nhưng lập tức, nó hút lấy ánh nhìn của tôi, làm lay động tâm hồn tôi, như thể nó đang đánh thức trong tôi một nỗi niềm xúc cảm sâu xa. Có cái gì đó rất, rất gần với cái cảm xúc mà tôi cảm nhận được từ mấy tháng qua.

 Viết những dòng tản mạn này, tôi muốn được chia sẻ cùng mọi người câu chuyện về “chiếc lá cuối cùng” ấy giữa mùa Covid- 19. Đó là câu chuyện về Niềm tin từ một chiếc lá không rơi, từ cái chết của cụ hoạ sĩ già đến sự hồi sinh của một cô gái mang trong mình căn bệnh quái ác là một hành trình của niềm tin, của tình yêu thương giữa con người với con người. Tôi đã nhìn thấy đằng sau bức ảnh “chiếc lá cuối cùng” kia thấp thoáng một khối tình đời, tình người trong mùa Covid.

Từ lúc còn là học sinh cấp 2, tôi đã nhiều đêm không ngủ được sau khi đọc truyện ngắn “Chiếc lá cuối cùng” của nhà văn Mĩ nổi tiếng O’Hen-ri . Mức độ cảm thụ của một học sinh cấp 2 chỉ đủ làm cho tôi cảm thấy xúc động vậy thôi, vì kết thúc câu chuyện: một người đã chết vì cảm lạnh, còn một người tưởng mình sắp chết lại được hồi sinh. Còn vì sao tôi lại mãi trăn trở? Là vì tôi chưa thoả mãn, trong tôi không chỉ đơn giản chỉ có cảm xúc buồn hay vui. Tôi đã loay hoay mãi với khát khao được thấu hiểu: Cái gì đã làm nên điều kì diệu trong “Chiếc lá cuối cùng”?

Xin tóm tắt ngắn gọn nhất có thể: Câu chuyện kể về cuộc sống chật vật của những người hoạ sĩ nghèo: hai cô hoạ sĩ trẻ Giôn và Xiu, sống cùng căn hộ với người hoạ sĩ già Bơ-men. Những khó khăn về vật chất đã vắt kiệt sức sáng tạo, khiến họ lâm vào cảnh bi đát. Người hoạ sĩ già suốt 40 năm mơ ước vẽ một bức tranh kiệt tác mà không thực hiện được, đành phải ngồi làm mẫu cho các hoạ sĩ trẻ để kiếm chút cơm. Giôn bị bệnh sưng phổi nặng. Bệnh tật với nghèo túng đã lấy nốt của cô hoạ sĩ trẻ niềm tin vào cuộc sống, cô luôn bị ám ảnh bởi cái chết. Mỗi ngày cô nhìn ra bên ngoài và đếm từng chiếc lá rơi để chờ định mệnh phán quyết mạng sống của mình, với niềm tin: khi chiếc lá cuối cùng rụng xuống thì cô sẽ ra đi…! Không gian cuộc sống của những con người khốn khổ ấy lạnh lẽo, u ám như mùa đông, nặng trĩu những buồn lo. Đáng sợ là khi mỗi ngày trôi đi trong gió tuyết và mưa bão dai dẳng, những chiếc lá thường xuân ngoài kia cứ tiếp tục rơi xuống, thưa dần, ít ỏi dần… rồi chỉ còn lại một chiếc, để cô ấy nhìn thấy cái chết đang đến gần.

Đêm ấy, mưa bão mịt mùng, cô đã rơi vào trạng thái buông xuôi, lịm dần đi, vì  tin rằng: chiếc lá cuối cùng đã sớm lìa cành! Những người khác cũng vậy, họ có thể đoán trước được điều gì khi Giôn tỉnh dậy vào sáng hôm sau và nhìn ra ngoài cửa sổ. Họ lo sợ và thương cho Giôn!

 Sáng hôm sau.

Mưa bão đã ngớt.

Cửa sổ mở ra, tấm rèm được kéo lên trong miễn cưỡng…

Không ai dám vội nhìn ra cây thường xuân.

Tình huống bất ngờ làm đảo lộn mọi dự đoán.

Vẫn còn một chiếc lá thường xuân bám trên bức tường gạch.

Đó là chiếc lá cuối cùng, gần cuống lá vẫn còn giữ màu xanh sẫm, nhưng bìa lá đã nhuốm màu vàng úa. Chiếc lá vẫn dũng cảm treo bám vào cành cách mặt đất chừng hai mét.

Giôn cũng đã nhìn thấy rõ: vẫn còn một chiếc lá cuối cùng! Thế nhưng, đáng thương và cũng đáng trách thay, cô lại thừa nhận sự thật một cách miễn cưỡng và tiếp tục suy nghĩ tiêu cực: Hôm nay nó sẽ rụng thôi, và cô sẽ chết.( Cô ấy thật cố chấp!)

Cuối cùng, sự sống trong Giôn đã hồi sinh, khát vọng sống tiềm ẩn trong cô đã thức tỉnh để cô nhận ra rằng: Có một cái gì đó đã làm cho chiếc lá cuối cùng vẫn còn đó, để cô thấy mình tệ như thế nào. Muốn chết là một tội lớn. Phép màu đã xảy ra. Chúa giàu lòng thương xót.

Giôn mong chờ ông hoạ sĩ già Bơ men đến để chia sẻ niềm vui. Nhưng ông đã không bao giờ đến nữa…

Đêm mịt mùng gió thốc đó, chính ông đã bàng hoàng chứng kiến chiếc lá lìa cành. Ông đã không dám và không thể nói ra. Ông lặng lẽ quay về phòng.

…Một chiếc đèn bão, một hộp gỗ trên tay, một bóng người nhỏ bé miệt mài hàng giờ bên gờ tường. Không biết trong đêm ấy, bao nhiêu tinh hoa đã phát tiết ra, bao nhiêu tình yêu và ước nguyện cao cả đã dồn chảy vào đôi bàn tay ông? Để sáng ra, Giôn đã không nhận ra được “chiếc lá cuối cùng” còn bám chặt trên cành kia chính là một kiệt tác trong đời của người hoạ sĩ già mà cả đời ông khao khát.

Vậy, cái gì đã làm nên điều kì diệu trong “chiếc lá cuối cùng”? Không phải chiếc lá cuối cùng , mà chính là trái tim nhân hậu, lòng trắc ẩn, đức hi sinh quên mình, tình yêu của ông lão đã làm nên điều kì diệu đó! Ngày xưa, tôi chưa hiểu hết, còn sau này và bây giờ, tôi đã nhận ra bài học về tình đời, tình người từ trong chiếc lá. Bài học đó vẫn thường xuyên có ý nghĩa trong cuộc sống của chúng ta.

Tôi đã cảm nhận được sự có mặt của hàng trăm  nghìn ông Bơ-men khắp nơi trên thế giới, đặc biệt trong những ngày tháng nạn đại dịch Covid-19  hoành hành. Có rất nhiều ông Bơ-men đã luôn đồng hành và sẵn sàng vẽ những bức tranh kiệt tác như vậy bằng chính đời sống tận tuỵ hi sinh dấn thân phục vụ của họ.

Đại dịch Covid-19 cho đến nay đã tạm lắng xuống, nhưng nỗi ám ảnh kinh hoàng mà nó để lại cho nhân loại vẫn như còn nguyên vẹn. Từ khi mới bắt đầu thì nó đã bùng phát dữ dội. Mỗi sáng ngày ra, con số mạng người vĩnh viễn ra đi tăng không thể tưởng. Truyền thông tất tả, phát thanh viên nghẹn ngào, người nghe rụng rời, thổn thức… Phận người mong manh, nhỏ bé bị cuốn phăng đi phũ phàng trong khoảnh khắc. Trong vùng tâm dịch: đa số người ta tuyệt vọng, tiêu cực, mất đi ý chí và cả ý thức nữa, như cô Giôn trong câu chuyện, đã đếm từng chiếc lá thường xuân rơi rụng trong mưa bão mà chờ chết vậy! Nhưng, cũng có biết bao người như ông hoạ sĩ già Bơ-men kia đã lặng thầm tình nguyện dấn thân vào đêm tối để thắp lên ánh sáng hi vọng cho bao người. Nó được thôi thúc từ lương tri, lương tâm con người, và hơn cả, chính là từ Trái tim tình yêu!

- Những chuyến xe, những chuyến bay không phải chạy trốn, chạy thoát mà lại chạy ngược lại nơi đang diễn ra cảnh chết chóc, đau thương, thậm chí “ bắt bớ” nữa.

- Những cuộc chia tay vội vã, không đủ thời gian để suy tính, chần chừ: người mẹ gạt nước mắt hôn vội đứa con bé bỏng để đi vào vùng dịch, rồi có người mãi mãi không trở về. Trong túi áo, từ chiếc điện thoại vẫn còn trong trẻo tiếng trẻ thơ: Bao giờ mẹ về chơi với con được? Con nhớ mẹ!

- Những chiếc áo blouse ướt đầm mồ hôi và nước mắt, những gương mặt bơ phờ mệt mỏi in hằn vết khuyết của khẩu trang.

- Một bác sĩ trẻ người Nhật tài năng ngày đêm ròng rã giành giật sự sống cho bao bệnh nhân, một lần hiếm hoi đi ngang qua ngõ nhà mình, chỉ biết đứng ngoài cổng rào nhìn đứa con trong sân nhà mà không hề nghĩ đó là lần cuối.

- Đôi trai gái yêu nhau cùng nhau xếp áo cưới lại (đã chuẩn bị cho một tuần nữa cưới) để thay bằng áo blouse trắng. Và áo cưới mãi xếp lại để dành.

- Hai triệu đồng của bà lão mua bán ve chai; Những điểm phát cơm miễn phí; Sinh viên, bộ đội nhường những căn phòng ấm áp cho người bị cách li, để sẵn sàng làm việc cật lực ngoài trời gió sương, mưa nắng.

- Hàng bao trái tim Mục tử đem hơi ấm tình yêu lan toả khắp cộng đồng. Các Ngài đã sẵn sàng “vác thập giá quay trở lại thành Giêrusalem”… Có vị  đã từ chối máy oxy nhường hơi thở cuối cùng cho một người được sống…v…v

Đấy, tất cả họ, bình thường nhưng không tầm thường. Họ vĩ đại nhưng không hề xa lạ. Họ đang ở quanh ta. Chính hoàn cảnh khốc liệt và nghiệt ngã đó mà ta nhận ra được: những Trái tim ấy ĐẸP biết bao! Dù chưa phải thực sự hoàn hảo, nhưng với người Công giáo chúng ta, những Trái tim ấy có  nhịp đập đồng điệu cùng Trái Tim Tình Yêu của Chúa Giê-su Ki tô trên cây Thánh giá!

Nói chung, cảm hứng đến từ trang sách nhưng đã kết nối đến cuộc đời. Tôi nhận ra bài học Tình đời- Tình người trong “chiếc lá” hay trong mùa Covid-19 đều được kết tinh từ Trái tim Tình yêu như thế!

Caritas Vĩnh Long

 

 

 

                                                     

 

 

 

 

1252    28-06-2020