Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Chuyện người di dân, chuyện cũ, chuyện mới

 

Dòng Anh Em Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm của tôi đã có mối quan hệ lâu dài với các dân tộc người bản địa Bắc Mỹ. Chắc chắn chúng tôi có các thiếu sót nhưng mối quan hệ này luôn được duy trì từ 150 năm nay. Tôi viết chuyện này trong tài liệu lịch sử của câu chuyện này.

Vào giữa những năm 1800, một nhóm Anh em Hiến sĩ trẻ rời nước Pháp để đến làm việc với người dân bản địa ở bang Oregon và bang Washington. Vì phương tiện đi lại vào thời đó, đặc biệt là khi phải đi xuyên nước Mỹ, chủ yếu người dân phải đi ngựa, còn đi từ thành phố Marseille nước Pháp đến bờ biển Oregon thì phải đi cả năm. Trong các nhóm này có Charles Pandosy, một thanh niên truyền giáo trẻ.

Mùa hè năm 1854, Thống đốc Stevens triệu tập một cuộc họp các trưởng tộc bản địa ở Walla Walla để thảo luận về sự căng thẳng giữa chính quyền Mỹ và người bản địa. Một trong các bộ lạc khăng khăng chống đối là bộ lạc của người Yakima do tộc trưởng Kamiakin điều khiển, các Anh em Hiến sĩ và Linh mục Pandosy làm việc với ông. Đến một thời điểm, tộc trưởng Kamiakin xin cha Pandosy lời khuyên.

Trong một bức thư viết ngày 5 tháng 6 – 1854 gởi cho Thánh Eugène de Mazenod, nhà sáng lập Dòng Anh em Hiến sĩ ở Pháp, cha Pandosy tóm tắt buổi nói chuyện với tộc trưởng Yakima. Vì không biết châu Âu như thế nào, có bao nhiêu người sống ở đó và động lực nào đã thúc đẩy người dân đến Bắc Mỹ, người tộc trưởng hỏi cha Pandosy có bao nhiêu người da trắng ở đó và khi nào thì họ hết đến đây, ngây thơ nghĩ rằng họ còn lại chẳng bao nhiêu người để đến đây.

Trong bức thư của mình, cha Pandosy chia sẻ (nguyên văn) một phần buổi nói chuyện với ông Kamiakin: “Đây là điều tôi sợ. Người da Trắng sẽ lấy đất nước của ông như họ đã lấy nhiều đất nước khác của người thổ dân châu Mỹ. Tôi đến từ đất nước của người da Trắng, ở phía đông và rất xa, ở đó dân số của họ dày đặc như cỏ trên đồi. Bây giờ chỉ có vài người ở đây, nhưng hàng năm những người khác sẽ đến cho đến khi đất nước của ông bị họ tràn ngập… đất đai của ông sẽ bị họ lấy và người dân của ông sẽ bị họ đuổi ra khỏi nhà. Nó đã xảy ra như vậy với các bộ lạc khác; và rồi sẽ đến bộ lạc của ông. Các ông có thể chiến đấu và trì hoãn được một thời gian việc xâm lăng này, nhưng các ông không thể ngăn chặn được. Tôi đã sống nhiều mùa hè với ông và đã rửa tội trong đức tin một số lớn người trong dân tộc của ông. Tôi đã học để thương yêu ông. Tôi không thể khuyên ông cũng như giúp ông. Tôi ước tôi có thể.”

Nghe có vẻ quen? Không phải là vô ích để tìm một điểm chung với tình trạng hàng triệu người di dân hiện nay đang tập trung ở các biên giới Mỹ, Canada và một phần lớn châu Âu, họ tìm cách để vào các nước này. Như người tộc trưởng Kamiakin, chúng ta sống ở các nước này và thiết tha nghĩ đất nước này là “của riêng mình”, không phải lúc nào chúng ta cũng biết có bao nhiêu người muốn đến đây sống, áp lực nào đã thúc đẩy họ đến đây và khi nào làn sóng di dân gần như vô tận này sẽ ngừng. Cũng như các bộ lạc bản địa hồi đó, cuộc sống của họ đã hoàn toàn thay đổi khi chúng ta đến đất nước của họ, chúng ta cũng có khuynh hướng cảm thấy cuộc xâm lược này là bất hợp pháp và không công bằng và bây giờ chúng ta từ chối không cho những người này chia sẻ đất đai và thành phố với chúng ta.

Khi những người châu Âu di cư đến Bắc và Nam Mỹ, họ đến đây vì nhiều lý do khác nhau. Một vài người bỏ trốn vì bị đàn áp tôn giáo, một số tìm cách trốn khỏi cảnh nghèo đói, một số đến đây làm việc để gởi tiền về giúp gia đình, một số là bác sĩ, một số tu sĩ đến truyền giáo và còn có cả các tội phạm có khuynh hướng phạm tội ác.

Có vẻ như không có nhiều thay đổi, ngoại trừ đôi giày hiện đang ở chân kia. Chúng ta là những kẻ xâm lược ban đầu, bây giờ chúng ta là các bộ lạc bản địa, chăm chú bảo vệ những gì chúng ta coi là hợp pháp, sợ người xa lạ, đa số là ngây thơ không biết vì sao mình đến đây.

Và đây không phải chỉ là trường hợp xảy ra ở Bắc Mỹ, đa số các nước châu Âu cũng chịu áp lực như vậy, ngoại trừ là trường hợp của họ đã quá lâu, họ quên tổ tiên của họ đã đến từ nơi khác, và đa số đã bứng người bản địa đã sống ở đó.

Dĩ nhiên là không dễ dàng để giải quyết, về mặt chính trị cũng như về mặt đạo đức; không một nước nào đơn thuần mở biên giới của mình một cách bừa bãi cho ai muốn vào thì vào; tuy nhiên Sách Thánh của chúng ta, do thái giáo cũng như kitô giáo đều khẳng định rõ ràng, đất đai thuộc về tất cả mọi người và tất cả mọi người đều cùng có quyền với các tạo dựng của Chúa. Mệnh lệnh đạo đức có vẻ như không công bằng và không thực tế; nhưng làm sao chúng ta có thể biện minh được chúng ta đã di dời người khác để chúng ta xây dựng đời sống ở đây, và bây giờ chúng ta thấy không công bằng khi người khác đang làm điều tương tự như chúng ta đã làm.

Khi nhìn cuộc khủng hoảng người di dân trên thế giới hiện nay, chúng ta nhận ra mình gieo cái gì rồi cuối cùng sẽ gặt cái đó.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

294    09-10-2019