Sidebar

Thứ Tư
24.04.2024

Cô đơn, nỗi ám ảnh tuổi xế chiều

Cô đơn, nỗi ám ảnh tuổi xế chiều

Trong tất cả các mối đe dọa đến sức khỏe mà chúng ta nghe hằng ngày như hút thuốc, béo phì, ô nhiễm…, có một mầm mống rất đáng ngại mà chỉ mới bắt đầu được chú ý một cách nghiêm túc trong những năm gần đây: sự cô đơn.

Các nghiên cứu cho thấy sự cô đơn và cô lập với xã hội có thể còn nguy hiểm hơn cả chứng béo phì. Tình trạng này đặc biệt ảnh hưởng đến người cao tuổi. Không chỉ với các cụ ông, cụ bà phải sống một mình, ngay cả những người sống cùng con cháu cũng dễ cảm thấy lẻ loi vì nhiều lý do: khác biệt thế hệ, không bắt kịp những thay đổi, nhất là về công nghệ của xã hội hiện đại... “Bệnh cô đơn” thường khó được nhận biết vì đa phần “bệnh nhân” im lặng chịu đựng. Nhưng hiện tình trạng này lan rộng đến nỗi các chuyên gia phải sử dụng cụm từ “dịch cô đơn”.

Hiệp hội tâm lý Mỹ đã công bố một nghiên cứu vào tháng 8.2017 dựa trên hai phân tích tổng hợp. Đầu tiên khảo sát 148 nghiên cứu liên quan đến 300.000 người tham gia và nhận thấy rằng gia tăng sự kết nối xã hội sẽ làm giảm 50% nguy cơ tử vong sớm. Kế tiếp, khảo sát trên 3,4 triệu người thông qua 70 nghiên cứu khác nhau, cho thấy sự cô lập với xã hội, cô đơn hay sống một mình có mối liên quan lớn dẫn đến việc tử vong sớm, ngang với chứng béo phì hay các nguy cơ khác. Đã đến lúc phải nói về vấn đề này một cách nghiêm túc.

Theo nghiên cứu về sự cô đơn của Hiệp hội Hưu trí Mỹ (AARP), khoảng 42,6 triệu người trên 45 tuổi tại nước này đang phải chịu sự cô đơn lâu dài. Và con số này vẫn đang tiếp tục tăng. Kể từ thập niên 1980, tỷ lệ phần trăm người trưởng thành Mỹ tự công nhận là “cô đơn” đã tăng gấp đôi, từ 20% lên 40%. Một số thống kê hiện tại giúp chúng ta hiểu rõ hơn về lý do tại sao lại xảy ra tình trạng này. Tỷ lệ kết hôn ở Mỹ đã giảm trong nhiều năm, và không trông mong sẽ được cải thiện sớm. Tỷ lệ sinh sản cũng giảm mạnh, theo thống kê, năm 2016, tỷ lệ trẻ sơ sinh chào đời ở mức thấp nhất trong lịch sử nước này.

Trong số những người cao niên, khoảng 1/3 số người trên 65 tuổi, và khoảng phân nửa số người trên 85 tuổi sống một mình, phụ nữ sống độc thân nhiều hơn nam. Vì nhiều lý do, mà người già thường sống một mình và không liên lạc với nhau trong quãng thời gian dài. Điều này đã được nhiều tổ chức công nhận là một vấn đề xã hội, do đó, Viện người cao tuổi của San Francisco đã mở ra một đường dây “Liên lạc tình bạn”, túc trực 24/24, tư vấn cho các cuộc gọi từ những người cô đơn, đường dây này hoạt động như một đường dây nóng phòng chống tự tử.

Với những người con sống riêng khi trưởng thành, việc thường xuyên gọi điện và về thăm thật sự giúp cải thiện sức khỏe cho cha mẹ già, cả về thể chất lẫn tinh thần. Theo một nghiên cứu của Hà Lan được đăng trên tạp chí khoa học về thần kinh, những người lớn tuổi phải sống cô đơn có tỷ lệ giảm sút trí tuệ cao hơn những người được kết nối tốt với xã hội. Nhiều gia đình thiếu sự nối kết chặt chẽ giữa các thế hệ, điều này tuy không dễ khắc phục vào thời đại ngày nay nhưng vẫn có thể cải thiện được. Điều chính yếu là con cháu có chịu dành nhiều thời gian hơn cho ông bà, cha mẹ của mình hay không.

MINH HÙNG 

2476    04-10-2017