Sidebar

Thứ Ba
16.04.2024

Có nên khen trẻ con không?

 

Quá nhiều lời khen trẻ con sẽ thành phách lối, ái kỷ hoặc kiêu ngạo; nhưng khen không đủ thì trẻ con có thể thiếu tự tin. Vậy thì làm sao cho thăng bằng. Khen hay không khen?
Sự ngưỡng mộ của cha mẹ là một động lực tự nhiên, nhanh chóng và hiệu quả trong việc giáo dục con cái, nhưng nếu khen quá nhiều thì sẽ có thể có hại cho trẻ con. Điều mang lại nhất thời là tạo bầu khí vui vẻ và trẻ con có tự tin, nhưng có thể tạo kết quả có hại khi trẻ con lớn lên. Vì thế cần thiết là phải làm sao quân bình giữa lời khen và lời chỉ trích để nuôi dạy trẻ con thành các em bé đủ sức va chạm.

Các giới hạn của lời khen

Một người cha, một người mẹ che chở con thì được mọi người thích, tạo bầu khí yêu thương trong đời sống trẻ con, được vỗ tay khen ngợi nhiệt liệt. Tuy nhiên trong đời sống thật ngoài chiến thắng, ngoài vỗ tay thì cũng có những khi thất bại, những khi bị chê. Nếu chúng ta muốn dạy con cái sống trong xã hội thì phải dạy chúng chấp nhận các chỉ trích, các thất bại. Khi chúng ta chơi với trẻ con thì cũng phải để chúng thắng để mọi người vui, để có hạnh phúc trong gia đình. Nhưng quan trọng là phải để chúng nếm cả sung sướng lúc thành công và cả ê chề khi thất bại.

Các nghiên cứu tâm lý cho thấy, các cha mẹ quá tập trung vào sự thoải mái cho con cái thì có thể làm cho chúng rất nhạy cảm, mềm yếu về mặt xúc cảm, ích kỷ khi chúng lớn lên. Nguy cơ là những người lớn này sẽ có thể bị thất vọng hoặc bị mặc cảm thấp kém khi họ gặp khó khăn trong tình yêu, trong tình bạn hoặc các khó khăn nghề nghiệp. Họ có thể trở nên lệ thuộc vào các phán xét của người khác: chỉ hài lòng khi được khen hay được công nhận. Trong tác phẩm Anh tìm tôi (Il me cherche, 2014), bà Isabelle Filliozat đưa ra một nghiên cứu cho thấy các lời khen, lời tâng bốc thường có khuynh hướng làm cho đưứa bé lớn lên bị ái kỷ. Thêm nữa, khoa tâm lý thường nhấn mạnh một đứa bé quen được khen sẽ phát triển động lực của nó chung quanh việc “làm vui lòng người khác” thay vì làm cho mình hài lòng. Nó không những thấy mình trong tương quan với chính phán xét của mình mà còn trong tương quan với người lớn đã khen mình. Lối cư xử này có thể kéo theo nỗi sợ thất bại kinh niên, một sự suy yếu sự tự tin.
Như thế nên để cho trẻ con có những phiền phức nho nhỏ và để cho chúng tự xoay xở. Thay vì khuyến khích chúng khi nào cũng phải làm tốt hơn, thì cha mẹ nên khuyến khích con can đảm và dám liều, nhưng dĩ nhiên là cha mẹ luôn phải để mắt tới con. Đôi khi cũng phải để con mình học thất bại.

Lời phê phán sáng suốt cũng làm mạnh cho sự tư tin như lời khen

Chỉ trích, dù nghe không êm tai như lời khen nhưng cũng mang tính cách xây dựng, nếu lời chỉ trích này làm sáng rõ sự việc. Một lời chỉ trích các sai lầm có tính cách mô phạm và được giải thích một cách nhẹ nhàng, sẽ giúp cho đứa bé thấy được một con đường để sửa chữa và đi tới đàng trước. Dạy cho trẻ con “vẫn ở trên sân khấu” dù không nghe tiếng vỗ tay là dạy một cách tích cực, hơn là phủ chúng bằng lời khen. Cuộc đời không phải được làm bởi các tiếng vỗ tay rào rào. Chúng ta phải cho các con thấy, chúng có thể sống giây phút cô đơn khó khăn này trong hy vọng và không đánh mất sức mạnh nội tâm của mình. Và như thế sẽ làm cho chúng mạnh hơn.

Marta An Nguyễn dịch

595    05-09-2018