Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Có nên phong thánh cho trẻ em không?

Có nên phong thánh cho trẻ em không?Ngày thứ bảy 12 tháng 9, Đức Giám mục Dominique Rey, giáo phận Fréjus-Toulon sẽ chính thức mở hồ sơ địa phận để phong chân phước cho em Anne-Gabrielle Caron, qua đời năm 2010 vì bệnh ung thư khi mới 8 tuổi. Ngoài con đường tử đạo, việc công nhận sự thánh thiện nơi trẻ em là một hiện tượng rất gần đây của Giáo hội.

Em Anne-Gabrielle, qua đời vì bệnh ung thư năm 8 tuổi, em có thể được công nhận là bậc đáng kính, bước đầu tiên hướng đến việc công nhận thánh thiện. Hiệp hội Anne-Gabrielle

Mười năm sau khi em Anne-Gabrielle Caron qua đời, đây là thời khắc sẽ rất long trọng. Ngày thứ bảy 12 tháng 9, tại nhà thờ Saint-François-de-Paule ở Toulon, Đức Giám mục giáo phận Fréjus-Toulon sẽ chủ sự phiên khai mạc án điều tra ở cấp giáo phận về lý do phong chân phước cho em Caron. Với buổi lễ này, Đức Giám mục Dominique Rey sẽ mở tiến trình xác định liệu em Anne-Gabrielle có “các đức tính anh hùng” trong cuộc đời ngắn ngủi của em hay không. Em bị ung thư và qua đời năm 2010 khi em lên 8.

“Một sự trưởng thành thiêng liêng thật ấn tượng”

Sau tiến trình đầu tiên này, em Anne-Gabrielle Caron có thể sẽ được công nhận là bậc đáng kính, bước đầu tiên không thể thiếu trên con đường công nhận sự thánh thiện. Đức Giám mục Dominique Rey đã gặp em hai lần, ngài xúc động cho biết: “Sự trưởng thành thiêng liêng của em thật ấn tượng. Em quyết tâm chịu đau hơn để dâng dâng đau đớn của em cho Chúa Kitô, trong cơn thử thách, em hoàn toàn phó thác vào Chúa… Chúng tôi đã thấy em đã được chiến thắng nhờ Chúa…”, theo Giám mục, một ngày nào đó em Caron sẽ là “hình ảnh thánh thiện cho trẻ em bị bệnh và gia đình của họ”.

Dù kết quả của tiến trình này như thế nào thì án của em Anne-Gabrielle vẫn là một sự kiện không điển hình, vì vấn đề thánh thiện của trẻ em là điều mới trong quá trình lịch sử của Giáo hội. Ngoài các vị tử đạo trẻ tuổi là gương mẫu cho đức tin, các em đầu tiên được Giáo hội công nhận các nhân đức là em Jaxinta và Phanxicô Martô (9 và 10 tuổi), hai trong ba em thấy Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, được Đức Phanxicô phong thánh năm2017.

Jaxinta và Phanxicô Martô (9 và 10 tuổi), hai trong ba em thấy Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, được Đức Phanxicô phong thánh năm 2017.

Cũng đồng thời với các em được thấy Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, có em Anne de Guigné, qua đời vì bệnh viêm màng não khi 11 tuổi và được tuyên bố “bậc đáng kính” năm 1990, đây là dịp để Giáo hội thảo luận về việc công nhận các đức tính anh hùng (đức tin, đức cậy, đức ái…) của trẻ em. Nghiên cứu thần học về vấn đề này đã kết thúc vào năm 1981 tại Vatican với các kết luận khả quan.

Sự tiến triển của các quy tắc

Rất nhiều chủ đề đã được bàn đến trong cuộc thảo luận: trẻ em có đủ trưởng thành về mặt thiêng liêng, trí tuệ và tâm lý để tự do đáp lại tiếng Chúa gọi không? Liệu đời sống ngắn ngủi của các em có thực sự nhất quán trong việc thực hiện các nhân đức anh hùng cần có không? Cho đến nay, một quy tắc bất thành văn vẫn còn phổ biến trong Giáo hội: phải mất ít nhất mười năm thực hành các nhân đức, từ tuổi có lý trí (7 tuổi), để tìm ra lý do cho việc nghiên cứu.

Vào cuối thế kỷ 20, Bộ Phong thánh Vatican đã tiến triển, cho rằng phải tìm nhân đức anh hùng cần có trong sự hoàn tựu trung thành và kiên trì trong các bổn phận của mình, tỷ lệ với tuổi và đời sống của một người.

Trong trường hợp của em Anne-Gabrielle Caron, ông Pascal Barthélemy, cáo thỉnh viên của em tin rằng em Anne-Gabrielle đáng được xem là tấm gương: “Sự trưởng thành của em bé bị bệnh thì mạnh hơn là một em bé bình thường. Trường hợp của em là nổi bật.”

Các thủ tục phong chân phước và phong thánh rất nghiêm ngặt

Ông Pascal Barthélemy là người cha gia đình của bảy người con, ông là người gom các  bằng chứng hữu ích để mọi người hiểu được danh tiếng về sự thánh thiện của em Anne-Gabrielle. Sau khi em qua đời, ông biết đời sống của em và ông có “linh tính ngay lập tức, em Anne-Gabrielle tinh tuyền và được thấm nhuần ân sủng”, từ đó ông nhớ lại lời Chúa Giêsu trong Tin Mừng Thánh Mátthêu: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những ai giống như chúng.”

Nhận thức được sự nghiêm ngặt tột độ của thủ tục, ông Pascal Barthélemy hiểu, tốc độ của án phong thánh được nghiên cứu ở Vatican tùy thuộc vào ý của Giáo hội muốn gởi đến giáo dân của mình một tín hiệu về các gương mẫu mà Giáo hội muốn quảng bá vào một thời điểm. Đức Hồng y người Ý Giovannio Angelo Becciu, bộ trưởng Bộ Phong thánh đã lên tiếng về vấn đề này, ngài cho biết các người trẻ tuổi, cùng với các linh mục, sẽ được ưu tiên trong các án phong chân phước và phong thánh.

Ông Pascal Barthélemy kể: “Ở Rôma, một hồng y nói với tôi, qua đời sống của các thánh, họ mang một thông điệp mạnh cho người đương thời. Theo tôi, đời sống của em Anne-Gabrielle là một minh chứng rất đẹp cho xã hội của chúng ta, một xã hội không còn chấp nhận các giới hạn và mọi mong muốn đều phải được thực hiện ngay. Em Anne-Gabrielle minh chứng em không thể không làm chứng cho tình yêu và lòng tin tưởng tuyệt đối vào Chúa”.

Tiến trình phong thánh, một con đường dài

Tiến trình dẫn đến việc công nhận sự thánh thiện trong Giáo hội gồm ba giai đoạn chính.

Giai đoạn đầu là công nhận anh hùng tính của một người, khi đó họ được gọi là “bậc đáng kính.” Đó là kết quả của một công việc điều tra lâu dài, trước tiên ở tại giáo phận của người qua đời, sau đó Bộ Phong Thánh ở Vatican sẽ đánh giá và xác minh kỹ lưỡng.

Giai đoạn thứ hai là phong chân phước, “bậc đáng kính” sẽ là “chân phước”, khi đó cần một  phép lạ do sự cầu bầu của chân phước này.

Giai đoạn thứ ba là phong thánh, giai đoạn này cần một phép lạ thứ hai. Nếu được Bộ Phong thánh công nhận, Đức Giáo hoàng có thể quyết định ký sắc lệnh phong thánh. Chân phước sẽ thành “thánh” và được công bố để mọi người xem đó là gương mẫu để noi theo.

Marta An Nguyễn dịch

707    14-09-2020