Sidebar

Thứ Ba
23.04.2024

Có nên suy nghĩ lại về việc phong thánh cho các giáo hoàng không?

Có nên suy nghĩ lại về việc phong thánh cho các giáo hoàng không?

 

Báo cáo gần đây của Vatican về việc cựu Hồng y Theodore McCarrick bị kết tội lạm dụng tình dục đã làm hoen ố hình ảnh của Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II. Nhà sử học Giáo hội Klaus Unterburger, giáo sư Thần học công giáo của Đại học Regensburg (Đức), kêu gọi nên suy nghĩ lại việc phong thánh cho các giáo hoàng.


Đức Gioan-Phaolô II nhận được sự tôn kính sâu đậm ở nhiều nơi trên thế giới | © David Berkowitz / Flickr / CC BY 2.0

 

Ngày 14 tháng 11, trên đài domradio.de của giáo phận Cologne, Đức, Giáo sư Klaus Unterburger nhắc lại, trên trang của Giáo phận có đăng các tiêu chuẩn và quy tắc được xác định rõ ràng cho việc phong thánh các giáo hoàng. Nhà sử học người Đức cho biết, Vatican đã nhường bước trước áp lực của đông đảo giáo dân để việc phong thánh cho Đức Gioan-Phaolô II được tiến hành nhanh chóng, ngài qua đời năm 2005 và được phong thánh năm 2014. Theo giáo sư, cảm xúc về cái chết của ngài sau một thời gian dài đau khổ, có thể giải thích vì sao Vatican không dành thời gian thích hợp cho quá trình này.

 

Các nghi ngờ về cựu hồng y McCarrick

 

Báo cáo Theodore McCarrick được Tòa thánh công bố ngày 10 tháng 11 năm 2020, nhấn mạnh việc Đức Gioan-Phaolô II đã không hành động trước các tin đồn dai dẳng về lạm dụng tình dục  xung quanh cựu hồng y Mỹ, người đã bị lấy chức vụ giáo sĩ năm 2019. Trên đài domradio.de, giáo sư Klaus Unterburger lên tiếng, cần phải nghiêm túc xem xét liệu Đức Gioan-Phaolô II có “nhìn sang chỗ khác” hay chỉ nhận định sai tình hình.

 

Ngài có thể đã bị lừa do kinh nghiệm của ngài với chiến dịch bôi nhọ trong các chế độ cộng sản trước đây của Khối Đông Âu để chống lại các chức sắc trong Giáo hội.

 

“Các thánh luôn là đứa con của thời đại”

 

Tuy nhiên giáo sư Klaus Unterburger tương đối hóa các đòi hỏi liên quan đến việc phong chân phước và phong thánh. Các tiến trình này không khẳng định rằng đối tượng phải có một “quá trình hoàn hảo và hoàn toàn không thể chê trách”, nhưng người đó đã hoàn toàn cống hiến đời mình cho Chúa.

 


Klaus Unterburger, Giáo sư Lịch sử Giáo hội tại Khoa
Thần học Công giáo tại Đại học Regensburg |
Universität Regensburg

Giáo sư nhắc lại, các vị thánh vẫn là “các đứa con của thời đại của họ” và được định hình bởi bối cảnh thời đại họ sống.

 

Nhưng một cách nào đó, chúng ta cũng có thể hoài nghi về việc các giáo hoàng phong thánh cho các vị tiền nhiệm của mình với một số lượng lớn như vậy, vì xét cho cùng đây cũng là hình thức tự thánh hóa, và chúng ta có thể đặt vấn đề về tính công minh, khi mình mang nợ người tiền nhiệm cho sự thăng tiến của chính mình.

 

Nhưng nhà sử học cũng thừa nhận, lòng cảm mến của nhiều người công giáo có liên quan trực tiếp đến hình ảnh các giáo hoàng. Một thực trạng luôn đúng trong xã hội truyền thông hiện nay của chúng ta.

 

Khuynh hướng xem các vị thánh như các nhân vật thần thánh không phải là mới. Trong suốt quá trình lịch sử, việc tôn kính các thánh đã nhiều lần bị đe dọa biến thành sự tôn thờ. Các thánh và các chân phước là những người đã đến với Tin Mừng và sống với Tin Mừng một cách đặc biệt. Họ là gương mẫu cho giáo dân và giáo dân xin họ cầu bàu cùng Chúa cho mình. Vì thế chúng ta phải giữ trong đầu, các thánh không thể và sẽ không tự mình hoàn thành được bất cứ điều gì.

 

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

634    20-11-2020