Sidebar

Thứ Ba
23.04.2024

Có thật sự phải yêu kẻ thù không?

 

Yêu kẻ thù đúng là không thể được. Vậy mà với luật tha thứ, Chúa Giêsu xin chúng ta đừng ăn miếng trả miếng. Nhưng với mục đích nào? Vì sao chúng ta phải yêu kẻ làm cho mình đau khổ?

Tình yêu cho kẻ thù là trọng tâm của Tin Mừng. Tình yêu này là thật sự và đòi hỏi, bởi vì chúng ta không nhận gì trở lại. Chúa Giêsu nói điều này không có gì là lãng mạn, cũng không có tính cách biếm họa: “Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây: hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em” (Lc 6, 27). Và để nói rõ ràng hơn, Ngài làm điều này thành mối Phước thật: “Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa” (Lc 6, 22).

Luật tha thứ thay thế luật ăn miếng trả miếng

Tất nhiên Chúa Giêsu không phải là người thích đau khổ! Ngài phá vỡ vòng vây của trả thù và bạo lực, Ngài đề cao một tình yêu trân trọng và có lòng nhân từ với kẻ thù: “Hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em” (Lc 6, 28). Đời của Ngài minh chứng cho tình yêu-nhưng không này, đặc biệt là trên Thập giá: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34). “Ta nói với các con, các con là những người nghe Ta” : thái độ của người môn đệ trước hết là nghe lời Chúa Giêsu với trái tim dễ bảo để sau đó yêu sự thật.

“Ta nói với các con : Hãy yêu kẻ thù của mình!” Phải đi ra khỏi luật xưa: “mắt đền mắt, răng đền răng” (Lv 24, 20)! Từ nay luật tha thứ thay thế luật ăn miếng trả miếng. Chúa Giêsu sửa luật và đưa luật đến sự toàn hảo. Mọi cuộc đời con người đều là thiêng liêng. Các vụ giết người, các vụ tra tấn, thậm chí cả chiến tranh cũng không đứng vững trước lời kêu gọi yêu kẻ thù này. 

Yêu kẻ thù, chuyện có thể hay không có thể?

Vì sao phải yêu kẻ thù? Vì Chúa đã yêu họ và chúng ta là con của Chúa. Có phải tất cả chúng ta đều có cùng một Người Cha cùng “với cả phường vô ân và quân độc ác” (Lc 6, 35) đó không? Lòng thương xót của Ngài ở trên mọi hận thù. Nhưng làm thế nào để yêu người đã phản bội chúng ta, đã làm cho chúng ta khổ? Đó là một cuộc đấu tranh khó khăn chúng ta không thể đương đầu một mình, và Chúa Giêsu để chúng ta tự do, Ngài chỉ cho chúng ta con đường: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha (Lc 6, 36-38).”

Đây là cả một thử thách! Chúa Kitô làm cho chúng ta được vinh dự khi Ngài xin chúng ta tự nguyện làm, dù chúng ta mang các vết thương và có các giới hạn của mình. Ngài tin tưởng chúng ta. Không phải chuyện không thể được vì chính đã mạc khải cho chúng ta thấy. Ngài biết chúng ta có thể làm được, với điều kiện chúng ta để tình yêu của Ngài ở trong chúng ta. Để làm được điều này, Ngài ban cho chúng ta Thần Khí. Như thế chúng ta đừng nản chí. Con đường đến với Chúa Cha thì dài, nhưng lòng tha thứ làm con đường nhẹ thênh. Mỗi ngày chúng ta trở nên có lòng thương xót hơn. Vì Cha nào con nấy!

Marta An Nguyễn dịch

760    03-02-2020