Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Có yêu mới hiểu

Tuần Thánh là tuần lễ quan trọng nhất trong năm phụng vụ, tuần lễ tưởng niệm các biến cố cuối cùng trong cuộc đời Chúa Giê su ở trần gian. Đây không phải là tuần lễ buồn sầu, rầu rỉ, than van, khóc lóc mà là tuần lễ mời goi mọi người kitô hữu phải biết im lặng sâu xa trong tâm hồn để cảm nghiệm tình yêu Chúa chịu chết để cứu chuộc chúng ta, để lắng nghe tiếng Chúa, hiểu ý Chúa, kết hợp mật thiết với Chúa và sống đẹp lòng Ngài”. Đây là lời mời gọi yêu thương mà chỉ có những“con tim” có cùng chung “nhịp đập” với Chúa mới hiểu được phần nào tâm trạng của Chúa lúc này

Trang Tin Mừng hôm nay, Thánh Gioan cho chúng ta thấy Chúa Giêsu đã bắt đầu nghĩ đến giờ của Ngài. Giờ mà Ngài phải bỏ thế gian đến cùng Chúa Cha (x. Ga 16,28) khi cô Maria, chị của Ladarô đem bình dầu thơm cam tùng hảo hạng, nguyên chất và quý giá tiến đến quỳ bên chân Chúa, đổ cả bình dầu lên chân Ngài, khiến cả nhà nực mùi thơm, rồi lấy tóc lau chân Ngài (Ga 12,1-8;Mt 26, 6-13; Mc 14,1-9) 

Việc đổ dầu thơm lên chân Chúa Giê-su là dấu nói đến việc táng xác, như Chúa Giê-su nói: “Hãy để yên cho cô ấy làm. Cô làm vậy có ý dành cho ngày táng xác Thầy.” (c 7)

Có 2 điều chúng ta cần tìm hiểu.

Thứ nhất, cô Ma-ri-a xức dầu thơm cho Chúa Giê-su là ai?

Cô này là chị của La-da-rô, người được Chúa Giê-su cho sống lại.

Cô Ma-ri-a nầy quê ở Bê-ta-ni-a, tức khác với cô Ma-ri-a Ma-đa-lê-na quê ở Ga-li-lê.

Thứ hai, ý nghĩa của việc xức dầu thơm:

"Cô Ma-ri-a lấy một cân dầu cam tùng nguyên chất và quí giá xức chân Chúa Giê-su, rồi lấy tóc mình mà lau." (c 3)

Việc đổ dầu thơm lên chân Chúa Giê-su cho thấy lòng mến cao độ của Ma-ri-a. Cô ta đã dùng thứ nước hoa hảo hạng rút từ cây tùng hương: Đáng lý cô ta chỉ nhỏ vài giọt là đủ. Nhưng ở đây, cô ta đổ cả bình lên chân Chúa Giê-su.

Ta không hiểu tại sao cô xức chân Thầy thay vì đổ dầu thơm trên đầu. Người ta không xức dầu thơm lên chân một người còn sống, nhưng người ta có thể xức lên chân một người đã qua đời để chuẩn bị cho việc mai táng người ấy.

Cô Maria không ngờ mình đã làm một hành vi có tính tiên tri về cái chết của Thầy, như trước đây thượng tế Caipha đã vô tình nói tiên tri về cái chết ấy (Ga 11, 51). Cô không ngờ việc xức dầu tối nay của mình là cử chỉ tượng trưng cho việc liệm xác Thầy Giêsu sau này của ông Nicôđêmô với một trăm cân mộc dược trộn với trầm hương (Ga 19, 39).

          Nhìn cô Maria xức dầu, ta thấy cử chỉ trân trọng của cô đối với vị Thầy khả kính. Cô chấp nhận sự phí phạm này, vì tình yêu của cô đối với Thầy, hay đúng hơn, vì tình yêu quá lớn của Thầy đối với gia đình cô. Cô xức dầu mà không so đo tính toán. Lượng dầu quý giá được đổ ra chẳng là gì so với ân nghĩa của Thầy. Nhưng có người thấy khó chịu, đó là Giuđa Ítcariốt, một môn đệ của Thầy. Anh thấy tiếc vì lượng dầu thơm ấy thật đắt tiền, có giá bằng lương gần một năm của một công nhân. "Tại sao lại không bán dầu thơm ấy mà cho người nghèo ?"

Có lẽ, Maria đã làm với một tấm lòng yêu mến, đáp trả lại tình yêu thương của Chúa “Tình yêu, đáp đền tình yêu”. Bởi gia đình cô thật diễm phúc được Chúa viếng thăm, em cô vừa được Ngài cho sống lại từ cõi chết (Ga 11,1-44) và chính cô được Chúa đưa ra khỏi cái quá khứ đen tối, đầy tội lỗi. Chứ Maria cũng không hiểu thấu tâm trạng Chúa lúc này, Ngài đang xao xuyến trong tâm hồn biết chừng nào? 

Trước hành động của Maria, Giuđa người môn đệ cùng ở với Chúa. Hàng ngày đồng bàn với Ngài. Nhưng không đồng lòng với Ngài, không đón nhận lời yêu thương từ nơi Ngài. nên chẳng những ông không nhìn thấy nỗi lo lắng thẳm sâu trong lòng Chúa để đồng cảm, yêu thương. Trái lại, ông chỉ thấy tiếc xót bình dầu và trách cứ Maria đã phung phí (Ga 12,5). Tiền bạc đã làm ông mù quáng, đã dẫn ông đến chỗ phản bội Thầy sau này (Ga 12,4)

Giuđa có vẻ không hiểu được thế nào là tình yêu. Anh là người giữ tiền của cả nhóm, nhưng lại thường ăn cắp để dùng riêng. (c. 6). Có thể đồng tiền đối với anh là quá lớn, lớn hơn cả tình yêu. Anh phản bội Thầy mình cũng vì đồng tiền (Mt 26, 15). Mong chúng ta biết dùng tiền bạc để diễn tả tình yêu như cô Maria.

Thầy Giêsu bênh vực cho cô Maria khi nói lên ý nghĩa việc làm của cô. Hành vi chuẩn bị mai táng phải được đặt trên hành vi bố thí giúp người nghèo. Hơn nữa, "người nghèo thì lúc nào cũng có, còn Thầy, anh em không có mãi đâu." Đức Giêsu ám chỉ cái chết sắp đến của mình.

          Phần Chúa Giê su, Ngài đang nghĩ đến cái chết gần kề. và việc xức dầu của cô Maria là dấu chỉ việc ướp xác Ngài. Ngài liên tưởng đến cái chết vì yêu, yêu đến cùng, một tình yêu vâng lời tuyệt đối để đáp trả “lời mời gọi yêu thương” từ nơi Chúa Cha, và để thi hành trọn vẹn Thánh ý Cha hầu cứu chuộc nhân loại.

Hơn bao giờ hết, những ngày này Chúa cần các môn đệ lắng nghe tiếng nói yêu thương từ con tim của Ngài. Chúa cần sự cảm thông, yêu mến nơi mỗi tâm hồn chúng ta. Vậy là môn đệ Chúa, những người mang danh Kitô hữu, chúng ta cần có tâm tình, thái độ thế nào khi lắng nghe và thực hành lời Chúa trong tuần Thánh này?

TCV TT VL 

 

 

1152    08-04-2017