Sidebar

Thứ Năm
18.04.2024

Con la, con cá và con ếch (4-5)

 

Ngắm đến Montpellier

Giai đoạn đầu tiên trong sứ vụ của Antôn là ở thành phố Montpellier, nơi khi mới đến Antôn được đón tiếp ở đan viện Dòng Phanxicô vừa mới được thành lập. Đây là một lựa chọn tốt cho việc mở đầu sứ mạng của Antôn ở Pháp. Antôn không gặp một phản kháng nào vì các hoàng tử và các mục tử của thành phố luôn ủng hộ đa số người công giáo ở đây. Sự hỗ trợ về mặt chính trị và tôn giáo được kết hợp qua sự quan phòng đặc biệt của Mẹ Maria, Mẹ được tôn kính ở nhà thờ Notre-Dame-des-Tables… Antôn được nổi tiếng là nhà rao giảng tài ba – có thể được củng cố nhờ phép lạ chăng? -, nếu vậy thì đây là một lợi thế đáng kể, để sau đó đưa Antôn đến những nơi bị ô nhiễm như ở Toulouse…

Như đã quy định, Antôn giảng thần học cho các anh em Dòng Phanxicô của mình. Công cụ làm việc của Antôn là quyển thánh vịnh ghi chú đầy đủ có tên: “Chú giải thánh vịnh”. Antôn lấy ý từ đó để dạy học và để giảng. Mỗi ngày Antôn dùng thì giờ rãnh hiếm hoi của mình để ghi chú thêm, làm phong phú thêm bằng các trích dẫn, bằng Sách Thánh, các bài của các Giáo phụ. Antôn cũng thêm vào đó các lập luận để nói chuyện với những người dị giáo về các điểm bất đồng.

Người tập sinh lạ lùng

Ở tu viện có một tập sinh trẻ bị dằn vặt, anh hoài nghi về ơn gọi của mình, anh nản chí vì việc học tập quá khó và với đời sống cộng đoàn. Một ngày nọ, anh có ý tưởng đánh cắp tập bản thảo của Antôn để rút tỉa hai lợi ích từ đó:

– Vinh quang cá nhân khi tuyên bố mình là tác giả;

– Lợi ích tài chánh khi xuất bản dưới tên mình.

Một đêm nọ, thừa lúc Antôn đang bận với các anh em, người tập sinh cởi áo khoác, anh vào phòng Antôn, lấy bản thảo rồi lẻn nhanh ra hành lang, kín đáo mở cổng và biến đi trong màn đêm.

Khi về phòng, Antôn khám phá ngay tập bản thảo đã mất. Antôn khó chấp nhận việc mình bị mất bản thảo vì Antôn đã bao nhiêu công lao tìm tòi nghiên cứu để ghi lại; nhưng Antôn không giận người kẻ trộm, người mà Antôn sẽ không gặp khó khăn gì khi đi tìm. Ngay lập tức Antôn cầu nguyện xin Chúa can thiệp, không những tìm lại được tài liệu mà còn làm cho kẻ trộm hối hận việc mình đã làm. Và Chúa đã can thiệp. Lúc đó người tập sinh đang chuẩn bị băng qua cầu Lattes nối liền với Lez để ra ngoài thành phố. Vừa đi vài bước thì anh thấy trước mặt mình một nhân vật quỷ quái, người đó cầm rìu trên tay vừa đe dọa anh vừa nói: “Quay trở lại ngay và trả quyển sách anh đã ăn cắp; nếu không ta sẽ giết ngươi và quăng xác ngươi xuống sông…”

Người tập sinh sợ điếng người. Và để tránh con quỷ, anh chạy như bay về tu viện. Anh bấm chuông, không nói không rằng gì với người giữ cổng, anh chạy thẳng đến phòng Antôn, quỳ xuống dưới chân ngài xin ngài tha lỗi và trả cho ngài tập bản thảo. Nước mắt ràn tụa, anh xin ngài nói với thầy giữ cổng để anh được ở lại cộng đoàn, và anh đã được.

Chúng ta không biết danh tính của nhân vật đáng lo này. Các nhà viết tiểu sử đầu tiên đồng hóa anh với quỷ…  Điều đó chứng minh sự phục tùng của quỷ với một Chúa duy nhất đã can thiệp để kéo người tập sinh khốn khổ bị quỷ lừa.

Điều chắc chắn, câu chuyện này là nguồn gốc của thói quen đã có trên toàn cầu, đó là cầu nguyện xin Thánh Antôn tìm vật bị mất. 

Các con ếch bị khóa miệng

Một việc không kém phần cảm động đã đánh dấu việc Antôn đến Montpellier.

Gần tu viện có một hồ đầy ếch. Tiếng ếch kêu ộp oạp vào bất cứ lúc nào đã phá vỡ bầu khí thinh lặng của các tu sĩ, cũng như đã làm cho họ khó nghe bài giảng của Antôn. Antôn còn nhớ một ngày nọ ở Rimini, Antôn đã thu hút bầy cá đến nghe mình giảng. Antôn cũng có nghe chuyện Thánh Phanxicô đã làm cho đàn chim én im lặng vì tiếng đập cánh và tiếng hót của nó ngăn không cho ngài giảng. Vì thế Antôn nghĩ vì sao mình không ra lệnh cho mấy con ếch này im lặng? Nghĩ xong là làm. Antôn đến hồ, cầu nguyện và bắt mấy con ếch im lặng. Ngay lúc đó các con ếch im lặng. Để đánh dấu sự kiện này, hồ có tên là: “Hồ Thánh Antôn”.

Antôn ở hai nơi

Chúng ta biết Antôn không bao giờ xem thường sứ mệnh rao giảng của mình trong các thành phố ngài đi qua. Ở Montpellier cũng như ở các nơi khác, Antôn đều giảng ở các nhà thờ cũng như ở các tu viện ngài trọ lại.

Một ngày chúa nhật Phục Sinh năm 1225, Antôn được mời đến giảng ở một nhà thờ. Tất cả các giáo sĩ đều ở đó và giáo dân thì rất đông. Họ đến nghe nhà rao giảng học thuyết danh tiếng, nhưng cũng đến để làm nhụt chí người dị giáo cathar. Hồi đó mọi người đã gọi Antôn là “cái búa của người dị giáo!”, thêm nữa Antôn lại làm phép lạ! Chính xác, về phép lạ, chúng ta tiếp tục nghe các tác giả viết tiểu sử kể chuyện!…

Vừa bắt đầu bài giảng thì Antôn phải ngưng. Antôn nhớ lại mình đã được bề trên giao việc xướng bài hát Alléluia và đã quên nhờ một anh em thay thế mình. Vì không thể rời bục giảng để khắc phục sự lãng quên của mình. Nhưng đã quá trễ, Antôn cũng không muốn ngưng bài giảng. Tình huống nan giải này không thể giải quyết được mà không có sự can thiệp của Chúa! Antôn cầu nguyện xin Chúa giúp. Bỗng mọi người ngạc nhiên thấy Antôn cúi xuống, lấy mũ trùm qua đầu như để che cái đầu. Trong khoảnh khắc, mọi người nghĩ Antôn bị chóng mặt hoặc xuất thần, nhưng họ sớm nhận ra họ đang chứng kiến trực tiếp ơn Chúa ban cho Antôn… Lúc đó – lúc hát Alléluia -, họ thấy Antôn ở giữa các bạn trong ca đoàn… Một lát sau, Antôn tiếp tục giảng không chút lúng túng. Chữ “phép lạ” được nói lên khi các nhân chứng bằng mắt thấy Antôn ở hai nơi cùng một lúc, “khả năng hiện diện hai nơi cùng một lúc” mà chỉ có một số thánh mới có.

Marta An Nguyễn dịch

541    18-08-2019