Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Con người không dễ dàng gãy đổ

 

Dan Berrigan bình luận rằng nếu Đức Giê-su trở lại thế gian, Người sẽ dùng roi da đuổi tất cả bệnh nhân và bác sĩ ra khỏi các văn phòng tư vấn và tâm lý, Người sẽ nói: “Hãy chỗi dậy vác giường mà đi! Anh em có những lớp da để sinh tồn trên mặt đất này!”

Có một minh triết và thách đố trong câu nói trên.

Thiên Chúa bao bọc thần kinh chúng ta bằng một lớp da, chúng ta không đến mức quá nhạy cảm. Ngài cũng ban cho chúng ta khả năng hồi phục đặc biệt và khả năng chữa lành lạ thường. Chúng ta dẻo dai và mềm dẻo hơn chúng ta tưởng.

Tôi còn nhớ nỗi ngạc nhiên đầu tiên của tôi khi nhắc đến chuyện này. Lúc còn nhỏ, khi chơi hockey – môn thể thao trượt băng để giành banh – tôi bị một anh to con đụng phải. Tôi bị té, tôi khóc thét lên, cố làm cho mọi người tin là tôi đang bị chấn thương trầm trọng. Tôi chờ mọi người ngừng lại đến xem xét tôi, vô ích. Họ vẫn tiếp tục chơi, tôi nằm dài trên sân băng, không ai để ý cho đến khi có một bạn đến thách thức tôi, nói rằng tôi chẳng đau gì hết, chẳng qua tôi tủi thân, nếu muốn, tôi cứ việc chơi tiếp. Tôi ngạc nhiên thấy, hóa ra mình chẳng yếu đuối gì. Tôi có thể lướt thắng. Tôi bị bẽ mặt, chắc chắn rồi, nhưng tôi khả có khả năng đứng dậy trở lại.

Khi lớn tuổi hơn, sự va chạm và tổn thương ít có tính cách thể lý, mà có tính cách tâm lý hơn, phức tạp hơn. Nhưng thường thường, chúng ta không thật sự tổn thương như chúng ta nghĩ. Lúc nào chúng ta cũng tủi thân hơn là tổn thương thật sự.

Là người, chúng ta được trao ban một khả năng hồi phục đặc biệt. Khi bị tác động, da xương, tinh thần, quả tim chúng ta có một sức bật lạ thường. Chúng không dễ dàng bị bẻ gãy, và ngay cả khi bị bẻ gãy, chúng cũng có khả năng lành lại.

Chúng ta có thể bị rơi ngã, tổn thương, đứt gãy, lìa bỏ. Nhưng nó không giết chúng ta được, chúng ta lành lại, ít khi chúng ta bị tê liệt và thất vọng. Chúng ta dẻo dai hơn chúng ta nghĩ.

Khi quên điều này, chúng ta bị bối rối và thấy mình xa cách tiệc tùng, hạnh phúc và lễ hội mà Thiên Chúa đã dành sẵn cho chúng ta ngay ở trọng tâm cuộc sống.

Điều lạ thường và có tính thách đố nhất của tất cả lời giảng dạy của Đức Ki-tô là thật sự, chúng ta có thể hạnh phúc, có thể dâng mừng và vui hưởng cuộc sống, cho dù chúng ta và thế giới chúng ta đang sống chưa hoàn hảo hoàn toàn. Đa số chúng ta không tin điều này.

Phần đông chúng ta đi trên đường đời để chống lại quyền được thất vọng, bị tê liệt một phần vì tủi thân, đi khập khiễng khi không có lý do để đi khập khiễng. Thinh lặng hay nói to, chúng ta nói với Thiên Chúa và người khác: “Nếu biết tôi bị thương tổn như thế nào thì, mọi người sẽ không nói tôi hạnh phúc! Giá mà họ biết tôi mong manh thế nào! Giá mà họ biết tôi nhạy cảm và dễ bị tổn thương thế nào! Giá mà họ biết tôi bị bất công như thế nào. Giá mà họ biết tôi bị bỏ rơi như thế nào! Giá mà…! Đã quá trễ cho tôi. Tôi đã bị tổn thương quá!”

Tuy nhiên thế đi và thái độ đó, cuối cùng, chỉ là một hình thức của sự tủi thân, một kiểu thủ dâm nho nhỏ bán rẻ chúng ta. Điều đó cũng bán rẻ Thiên Chúa vì Ngài phú cho chúng ta nhiều hơn thế. Ngài cho chúng ta khả năng, sức bật, dẻo dai, khả năng chữa lành nhiều hơn thế và, Ngài biết, có nhiều lý do để hy vọng hơn là tự cho phép mình quá nhạy cảm.

Nhạy cảm là chuyện tốt, nhưng thường thường chúng ta quá nhạy cảm. Chúng ta nghĩ mình gãy xương khi nó chưa gãy, nghĩ mình bị liệt mà chưa liệt, nghĩ tinh thần và quả tim mình không có sức bật mà nó có, vết thương không lành được khi nó đang lành.

Vì thế chúng ta đi khập khiễng hoặc nằm bẹp xuống và biện minh vì thế chúng ta không thể nào có hạnh phúc được.

Một thách đố là cần thiết: Chỗi dậy, vác giường mà đi, anh em có lớp da để sinh tồn trên mặt đất này. Chúng ta dẻo dai hơn chúng ta nghĩ.

Biết rõ điều này sẽ giúp chúng ta hướng về phía dâng mừng, vượt lên các tổn thương của mình. Với sự dẻo dai của thân thể, tinh thần và quả tim mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta, chúng ta không cho phép mình thất vọng. Rốt cùng chúng ta có thể tiếp nhận mọi chuyện và có thể bật dậy trở lại.

Vì thế, chúng ta được phép mắc một số lỗi lầm và thất bại. Chúng ta có thể bị tổn thương, nhưng không bao giờ được phép nói “Tôi bị tổn thương quá nên không thể quay về được. Tôi không lành lại được!” Chúng ta không bao giờ vượt lên được chữa lành.

Thách đố của Đức Ki-tô không nhân nhượng. Nó thách đố khả năng chúng ta, sự mềm dẻo của chúng ta, tình yêu vượt lên tổn thương. Nó còn thách đố chúng ta mạo hiểm với tổn thương lớn.

Nikos Kazantzakis bắt đầu cuốn tự truyện của mình bằng những lời như sau: “Ba kiểu tâm hồn, ba lời cầu nguyện: 1) Lạy Chúa, con là cái cung trong tay Ngài, xin Chúa kéo cung, để con không thất bại. 2) Lạy Chúa, xin Chúa đừng kéo căng quá, con sẽ bị gãy. 3) Lạy Chúa, kéo căng quá con bị gãy, ai lo cho con!”

Khi chúng ta biết chúng ta có khả năng hồi phục mà Thiên Chúa đã ban cho, chúng ta dám mạo hiểm với lời cầu nguyện thứ ba.

Nguyễn Kim An dịch

327    23-05-2019