Sidebar

Thứ Ba
19.03.2024

Công bố Sứ điệp Đức Thánh cha nhân Ngày Quốc tế di dân 107

Công bố Sứ điệp Đức Thánh cha nhân Ngày Quốc tế di dân 107

Pope Francis with some young migrants & refugees | Vatican News

Đức Thánh cha Phanxicô tái kêu gọi các tín hữu Công giáo và toàn thể nhân loại nỗ lực thực hiện giấc mơ và xác tín, theo đó mọi người cùng thuộc một gia đình duy nhất, là anh chị em với nhau, được Thiên Chúa dựng nên, và vượt lên trên mọi bức tường chia cách.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong Sứ điệp được công bố hôm 6/5/2021, nhân ngày Thế giới di dân và tị nạn lần thứ 107, sẽ được cử hành vào ngày 26/9 năm nay, với chủ đề là: “Tiến tới “một chúng ta” ngày càng rộng lớn hơn” (Verso un “noi” sempre più grande).

Sứ điệp đã được Đức Hồng y Michael Czerny, Phó Tổng thư ký đặc trách Phân Bộ di dân và tị nạn, thuộc Bộ phát triển nhân bản toàn diện và các vị liên hệ khác công bố trong cuộc họp báo tại Phòng báo chí Tòa Thánh.

Đức Thánh cha nhắc đến mối quan tâm và mong ước ngài đã bày tỏ trong Thông điệp “Fratelli tutti”, theo đó “sau cuộc khủng hoảng y tế hiện nay, phản ứng tệ hại nhất là rơi vào thái độ duy tiêu thụ mạnh mẽ hơn và những hình thức mới tự bảo vệ một cách ích kỷ. Ước gì sau cùng sẽ không còn phân biệt giữa chúng ta và những kẻ khác nữa, nhưng tất cả là một đại cộng đồng “chúng ta duy nhất”. (n.35).

Đức Thánh cha nhận xét rằng thời nay cho chúng ta thấy cộng đồng nhân loại duy nhất mà Thiên Chúa mong muốn đã bị tan vỡ và phân tán, bị tổn thương và biến dạng. Tình trạng này càng thấy rõ, nhất là trong những lúc khủng hoảng trầm trọng như đại dịch hiện nay. Chủ nghĩa quốc gia khép kín và gây hấn (Ft 11), cá nhân chủ nghĩa cực đoan (ibid. 105), làm sứt mẻ và chia rẽ cộng đoàn chúng ta, trên thế giới cũng như trong Giáo hội. Phải trả giá nặng nhất do tình trạng này, chính là những người dễ trở thành “những kẻ khác”: những người ngoại quốc, người di dân, những người bị gạt ra ngoài lề, ở ngoại ô của cuộc sống”.

Một Giáo hội Công giáo hơn

Trước tình trạng trên đây, Đức Thánh cha tái bày tỏ mong ước một Giáo hội Công giáo ngày càng có tính chất Công giáo, đại đồng hơn nữa, trở thành một “thân thể và một tinh thần duy nhất” (Ep 4,4-5). “Các tín hữu Công giáo được kêu gọi dấn thân, mỗi người từ cộng đoàn mình đang sống, để Giáo hội ngày càng trở nên bao gồm hơn, tiếp nối sứ mạng đã được Chúa Giêsu Kitô ủy thác cho các tông đồ (Xc Mt 10,7-8).”

Đức Thánh cha viết: “Ngày nay, Giáo hội được kêu gọi ra ngoài đường phố, ở các khu ngoại ô của cuộc sống để chữa lành, săn sóc người bị thương và tìm kiến người lạc hướng, không thành kiến và sợ hãi, không chiêu dụ tín đồ, nhưng sẵn sàng nới rộng căn lều của mình để đón tiếp mọi người. Trong số những người ở các khu ngoại ô ấy, chúng ta sẽ thấy bao nhiêu người di dân và tị nạn, người di tản và các nạn nhân nạn buôn người, những người mà Chúa muốn biểu lộ tình thương của Ngài cho họ và loan báo ơn cứu độ...”

Một thế giới ngày càng bao gồm hơn

Với cùng chiều hướng trên đây, trong sứ điệp, Đức Thánh cha kêu gọi tái hợp nhất gia đình nhân loại, để cùng nhau xây dựng một tương lai công lý và hòa bình, làm sao để không ai bị loại trừ. Đó là lý tưởng một thành Jerusalem mới (Xc IS 60; Kh 21,3), trong đó mọi dân tộc đều hiệp nhất, trong an bình và hòa hợp, chúc tụng lòng nhân từ của Thiên Chúa và những kỳ công được tạo dựng”.

Đức Thánh cha viết: “Để đạt tới lý tưởng đó, tất cả chúng ta phải dấn thân phá đổ những bức tường chia cách chúng ta và xây dựng những cây cầu tạo điều kiện cho nền văn hóa gặp gỡ, với ý thức về sự liên hệ hỗ tương chặt chẽ giữa chúng ta. Trong viễn tượng đó, những cuộc di cư hiện nay cống hiến cho chúng ta cơ may vượt lên trên những sợ hãi và để cho mình được phong phú hóa nhờ những năng khiếu khác nhau của mỗi người. Khi ấy, nếu muốn, chúng ta có thể biến các biên cương thành những nơi ưu tiên để gặp gỡ, nơi tươi nở phép lạ một đại gia đình nhân loại ngày càng rộng lớn hơn”.

G. Trần Đức Anh, O.P.

338    09-05-2021