Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Cuộc chiến đấu đạo đức đích thật của chúng ta.

 

 

Tại sao tôi lại giận mà đáng lẽ tôi phải thương?” “Tại sao tôi quá căng thẳng trong buổi họp này?” “Tại sao tôi lại ghen tương, lạnh lùng, cay đắng, hay ám ảnh như thế này?

 

“Quả tim có những lý lẽ riêng của nó!”

Triết gia Pascal đã viết như vậy, câu này giải thích lý do tại sao cảm xúc và hành vi của chúng ta thường là huyền bí ngay cả với chúng ta: “Tại sao tôi lại cảm nhận theo chiều hướng này?” “Tại sao lúc này đây tôi quá bồn chồn?” “Tại sao tôi lại giận mà đáng lẽ tôi phải thương?” “Tại sao tôi quá căng thẳng trong buổi họp này?” “Tại sao tôi lại ghen tương, lạnh lùng, cay đắng, hay ám ảnh như thế này?

Quả tim có những lý lẽ riêng của nó và không phải lúc nào chúng ta cũng biết được các lý lẽ này. Phần nào đó quả tim lại kiêu hãnh vì tính phức tạp day dứt của nó. Chúng ta có quả tim kiêu hãnh (vì những lý do tốt). Cũng vì tính tính kiêu hãnh này, mà chúng ta rất gần với các thái độ tự biện minh, bàng quan, lạnh lùng, phản bác, ngờ vực, và cuồng hoảng. Một khinh suất rất nhỏ cũng đủ gây phản ứng rất mạnh, khiến các cánh cửa trong lòng chúng ta nhanh chóng khép kín lại.

Ai cũng dễ dàng thấy chuyện này diễn ra như sau: Chỉ cần bị đe dọa một chút, ngay lập tức các cánh cửa từng mở ra liền đóng kín lại, chúng ta cảm thấy có nhu cầu tự vệ, cảnh giác với ai đó, trở nên dửng dưng, bàng quan, thờ ơ, và làm như chú ý đến những việc khác quan trọng hơn. Đâu rồi mới đây thôi chúng ta còn nồng ấm, mềm mỏng, dịu dàng, tin tưởng, muốn được chia sẻ, còn giờ đây thì lạnh lùng, chai cứng, ngờ vực, miễn cưỡng chia sẻ bất cứ gì chỉ ở bề mặt.

Kinh Thánh gọi tên sự việc này là, “cứng lòng.”

Đi đâu Đức Giê-su cũng cảnh báo điều này. Ví dụ:

Người lý tưởng hóa trẻ con, cảnh cáo nguy cơ của việc không tiếp đón trẻ con, kêu gọi người lớn trở nên giống trẻ con, và Người đặt tay lên chúng. Các học giả Kinh Thánh cho biết hành động đặt tay lên trẻ con của Đức Giê-su mang nhiều ý nghĩa, chứ không phải chỉ là tình cảm đơn thuần. Đặt tay là thụ phong, là giao sứ mệnh. Đối với Đức Giê-su, trẻ con là “những nhà truyền giáo,” chúng vén mở cho mọi người thấy ơn gọi tông đồ cốt ở việc có quả tim chưa bị chai cứng, quả tim vẫn còn tin tưởng, mềm yếu, và nồng ấm. Tất cả chúng ta đều khởi đi từ đó, nhưng các tổn thương đã làm chúng ta chai cứng. Đức Giê-su mời gọi chúng ta trở về lại với điểm ban đầu, lúc quả tim chưa chai cứng.

Đức Giê-su cũng giảng dạy điều này khi Người nói về ly dị. Có một tình tiết trong Phúc Âm chưa được hiểu thấu đáo, đoạn những người biệt phái và kỳ mục hỏi Đức Giê-su: “Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ không ? (Có nghĩa: Thiên Chúa nhìn vấn đề ly dị như thế nào?”)

Thay vì trả lời, Đức Giê-su hỏi lại: “Thế ông Mô-sê đã truyền dạy các ông điều gì?” Họ trả lời ông Môsê cho phép người đàn ông có thể ly dị vợ. Đức Giê-su dùng ngay câu trả lời của họ như cái đà để dạy họ một điều sâu đậm hơn. Người nói chính vì “lòng dạ chai đá” của họ nên ông Môsê mới cho phép như vậy, nhưng khởi thủy, trước khi phạm tội, kế hoạch tạo dựng của Chúa về mặt thể lý, con người bằng xương bằng thịt; tình dục nối kết người đàn ông đàn bà phản ảnh một kết hợp về tinh thần giữa hai người, trong đó khái niệm ly dị là xa lạ. Kết hợp bằng xương thịt phản ảnh những gì xảy ra trong lòng Thiên Chúa, một kết hợp trọn vẹn của người đàn ông đàn bà, một quan hệ hổ tương trọn vẹn được phép. Loại kết hợp này không bao giờ được bẻ gãy.

Ly dị, Đức Giê-su cho chúng ta biết, là một thực tế, không dính đến công trình tạo dựng của Thiên Chúa, nhưng nằm trong thực tế cay đắng của thế giới và các thực tế này làm chai cứng quả tim chúng ta, nhiều lúc nó làm cho chúng ta không thể nào không có các quan hệ không rắc rối.

Những gì Đức Giê-su muốn nói trong giáo huấn này là mời gọi chúng ta quay trở về, về lại nguyên thủy, lúc chưa sa ngã, lúc quả tim chưa bị chai cứng, lúc còn trẻ con, và, từ điểm xuất phát đó, cố gắng giải đáp cho mình câu hỏi Thiên Chúa cảm nhận như thế nào về ly dị và sự đứt gãy các mối quan hệ. Đây không phải là một việc dễ dàng.

Trong đời tôi, tôi dự nhiều buổi gặp gỡ. Tôi luôn luôn gặp những người tốt, thành thật, tận tâm. Tôi luôn luôn gặp một bầu khí chia sẻ đức tin, cầu nguyện, và quan tâm lẫn nhau. Tuy nhiên thỉnh thoảng ở những buổi gặp gỡ này, tính tình và giọng điệu của mọi người bỗng đột ngột thay đổi. Một khinh suất rất nhỏ, một chọc giận vô tình, một hiểu lầm nho nhỏ, một lòng biết ơn không biểu lộ ra, một bình phẩm không đúng, hay chỉ là vì ai đó đang khó ở, cũng có thể gây ra bầu khí lạnh lùng, mất lòng tin, gay gắt, và mọi người đột nhiên thấy cần phải tự vệ, bầu khí trở nên dè chừng và chia tách, không còn nồng ấm và chia sẻ thành thật nữa.

Và nó liên hệ với một trong những cuộc chiến đấu đạo đức lớn nhất của chúng ta: Giữ một quả tim dịu dàng, ấm áp, tin tưởng, giống như Pascal nói, quả tim có những lý lẽ riêng của nó khi muốn lạnh lùng và tách biệt để tự vệ. Tuy nhiên khả năng để cự lại thôi thúc này, để không thành lạnh lùng, không khép mình, thì, tôi tin, đó là dấu hiệu đích thực của một trình độ trưởng thành và ngay cả trưởng thành về mặt đức tin. Chính điều này là đặc nét của người yêu thương cao cả.

Như chúng ta biết, đa số chúng ta không ở đó, không một ai trong chúng ta. Chúng ta vẫn quá thường xuyên dè chừng, dửng dưng, tự vệ, thiên về khía cạnh tiêu cực của nó gây ra. Tuy nhiên, cũng là điều tốt khi nhận đó là nơi chốn đổ vỡ, một chỗ khiêm tốn. Nơi đó mỗi ngày chúng ta được mời gọi, làm lại một bước khởi đầu mới.

Ronald Rolheiser

J.B. Thái Hòa dịch

805    23-10-2017