Sidebar

Thứ Năm
28.03.2024

Cuộc gặp thượng đỉnh của hai người sla-vơ đã thay đổi vận mệnh châu Âu

 

Cách đây đúng 30 năm, ngày 1 tháng 12 năm 1989, một người hành hương không giống như bất cứ người hành hương nào đến thăm Đức Gioan-Phaolô II ở Rôma. Một nửa tỷ khán giả trực tiếp xem cuộc gặp sáng hôm đó, khi Tổng thống Mikhaïl Gorbatchev đến sân Thánh Damase và khi ông bước vào “thư viện riêng” của nhà lãnh đạo Giáo hội công giáo. Nhưng đại diện chính của phong trào cộng sản quốc tế làm gì ở Dinh tông tòa ba tuần sau khi Bức tường Bá Linh sụp đổ?

Ngày đó, ngày 1 tháng 12 năm 1989, người sốt ruột nhất trong hai người chắc chắn là Đức Gioan-Phaolô II. Hơn nữa, chính ngài là người nảy ra ý định có cuộc gặp này. Tháng 6 năm 1988, nhân khi Gorbatchev tuyên bố chấm dứt các cuộc đàn áp tôn giáo ở Nga nhân kỷ niệm thiên niên kỷ nước Nga rửa tội, hồng y Quốc Vụ Khanh Agostino Casaroli được mời đến dự buổi lễ này, ngài đã được chủ nhân điện Cẩm Linh tiếp kiến riêng và ngài đã đưa thư mời viết tay của Đức Gioan-Phaolô II. Ai có thể tưởng tượng được sau đó người đứng đầu Đảng cộng sản Liên xô đến Rôma? Thêm nữa, ai hình dung được Bức tường Bá Linh sụp đổ vài ngày trước khi có chuyến đi này?

Nhưng lịch sử đã ghi lại. Người kế vị ba ông già (Brejnev, Andropov, Tchernenko) thể hiện sự bất lực của Liên Xô trong việc thích nghi với thế giới hiện đại, Mikhail Gorbachev, người hoạt bát lanh lợi bắt đầu nới lỏng sự kìm kẹp các dân tộc Đông Âu bằng cách đảm bảo, ông sẽ không bao giờ đưa xe tăng vào đàn áp họ như đã làm ở Đông Bá Linh năm 1953, Budapest năm1956 hay Tiệp năm 1968. Với giáo hoàng Ba Lan, người mang tin tưởng đến các dân tộc này bằng câu nói nổi tiếng “Anh chị em đừng sợ!”, với sự hỗ trợ công khai nghiệp đoàn Solidarnosc và qua ba cuộc viếng thăm chiến thắng ở Ba Lan (1979, 1983, 1987), “tư tưởng mới” của Gorbatchev là một tin mừng khẳng định quyết tâm ngài luôn lặp lại: chế độ cộng sản chỉ là một dấu ngoặc đơn của lịch sử!

“Đức Gioan-Phaolô II muốn thuyết phục người khách vừa tuyên bố tự do tôn giáo, từ lâu đã làm khổ sở tín hữu kitô ở Nga. Có phải ý tưởng này ngài gán cho vị khách, thêm nữa đây là hy vọng điên rồ khi cuối cùng ngài mời vị khách Liên-xô này đến thăm không?”

Vào ngày 1 tháng 12 năm 1989, mỗi người đều theo đuổi mục đích riêng của mình. Gorbatchev đến Vatican mong được Vatican chính thức ủng hộ cải tổ (perestroïka) của mình, chính sách tự do thận trọng từ ba năm nay ông muốn áp đặt trên đất nước và trên toàn bộ khối xã hội không phải là không có nguy cơ. Còn về phần mình, Đức Gioan-Phaolô II muốn thuyết phục vị khách của mình về quyết định tự do tôn giáo, từ lâu đã làm khổ sở tín hữu kitô ở Nga, dĩ nhiên là đặc biệt với mấy triệu người công giáo theo nghi thức byzantin ở Ucraina phương Tây, chịu cảnh tử đạo từ bốn thập niên. Có phải ý tưởng này ngài gán cho vị khách, thêm nữa đây là hy vọng điên rồ khi cuối cùng ngài mời vị khách liên-xô này đến thăm không?

Khi họ kết thúc cuộc gặp tám mươi phút, hai người tươi cười. Rõ ràng rất xúc động, Gorbatchev tuyên bố: “Một sự kiện thực sự phi thường vừa xảy ra.” Về cải tổ, ông đã được những gì ông muốn. Đức Giáo hoàng rõ ràng ủng hộ chính sách của ông, về mặt ngoại giao, ngài ngài sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho hội nghị thượng đỉnh các nước đông và tây trên mô hình của hội nghị Helsinki năm 1975, để thiết lập các nền tảng cho một châu Âu thống nhất nhưng trung lập, không có sự thống trị của người Mỹ mà hành lang Điện Cẩm Linh rất nghi ngờ.

Đức Gioan-Phaolô II cũng vậy, ngài rất hài lòng. Tổng thống Gorbatchev sau khi bảo đảm với ngài, ông sẽ nhanh chóng áp dụng luật mới về tự do lương tâm, đã ngẫu hứng mời ngài đến thăm Liên-xô! Dù vấn đề chính của một lời mời như vậy bị Tòa Thượng phụ Maxcơva không đồng ý, nhưng thiện ý là quan trọng. Quan trọng là đặt nền móng cho một châu Âu thở với “hai buồng phổi” như Đức Gioan-Phaolô II nói, và như Tổng thống Gorbatchev lặp lại, “đây chính là ngôi nhà chung”. Cả hai gặp nhau ở một điểm chung: bằng bất cứ mọi giá, họ không muốn châu Âu ở dưới ảnh hưởng của nước Mỹ, cả về mặt văn hóa, chính trị cũng như quân sự.

Ba mươi năm sau, thật dễ để thấy hy vọng chung này đã bị ngăn trở bởi chủ nghĩa tiêu dùng cuồng loạn, bởi sự toàn cầu hóa không thương tiếc, bởi sự lung lay của tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, bởi sự xuất hiện đây đó các quyền lực dân túy để phòng thủ. Dù vậy, vẫn còn trong lịch sử kỷ niệm của giây phút ngoại thường này, dẫn đến một tiến trình lớn lao mà chỉ trong mười mấy năm đã thay đổi bộ mặt của thế giới. Một vài tuần sau khi từ Rôma về, Tổng thống Gorbatchev tuyên bố trong một diễn văn danh tiếng: “Những gì xảy ra ở Đông Âu đã không thể có được nếu không có sự có mặt của giáo hoàng này…”.

Giáo hoàng đã chiến thắng chủ nghĩa cộng sản, (Le Pape qui a vaincu le communisme, Bernard Lecomte, nxb. Perrin-Tempus, tháng 9 – 2019).

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

589    02-12-2019