Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Cuộc trở lại chớp nhoáng: Ratisbonne, từ bài kitô giáo đến tu sĩ Dòng Tên


Alphonse Ratisbonne (1814-1884), người vô thần, gốc do thái vào thời hậu bán thế kỷ 19 là một trường hợp điển hình của sự trở lại chớp nhoáng nhờ ơn Đức Mẹ. Năm 1842, năm ông vào Dòng Tên, ông ghi lại cuộc gặp gỡ này trong bức thư rất xúc động ông gởi cho cha Dufriche-Desgenettes.

Không có dấu hiệu gì báo trước cho Alphonse Ratisbonne (1814-1884), một ngày đẹp trời, người con thứ chín và là con út của một gia đình do thái lại quay về với Chúa. Gia đình ông ở Strasbourg, nước Pháp và làm việc trong ngành ngân hàng. Ngược lại là đàng khác, không có ai nổi loạn hơn ông, ông chống tất cả các hình thức tôn giáo. Và đặc biệt là công giáo, sau khi người anh cả Théodore của ông trở lại năm 1825 – ông nói – anh giáng một “cú ghê gớm” lên gia đình. Chính ông kể tiến trình trở lại của mình trong một bức thư ông gởi cho cha Dufriche-Desgenettes năm 1842, năm ông vào Dòng Tên, cha là nhà sáng lập và giám đốc hội đoàn Đức Mẹ Chiến thắng (Notre-Dame-des-Victoires). 

Từ “hận thù” đến các rung động trong tâm hồn

Khi người anh cả Théodore theo đạo công giáo và đi tu thì người em út Alphonse chỉ mới 11 tuổi. Sự “sầu não” do quyết định này gây ra cho gia đình thân thuộc, lại thêm anh lại làm sứ vụ trong cùng thành phố, dưới mắt người em là một chuyện “không thể nào an ủi được cho gia đình”. Từ đó trong lòng ông mang “hận thù” tất cả những gì người anh làm:

“Còn rất nhỏ, thái độ của người anh làm tôi phẫn nộ, tôi hận thù áo dòng và các nét của anh. Được nuôi dạy trong môi trường các thanh niên kitô giáo trẻ, hoàn toàn khác với tôi, cho đến lúc đó, tôi không thiện cảm, cũng không ác cảm gì với kitô giáo; nhưng tôi xem sự trở lại của anh là một chuyện điên rồ không giải thích được, làm tôi nghĩ đến chủ trương cuồng tín của người công giáo, tôi thấy khủng khiếp (…) tôi ghê tởm chiếc áo dòng của anh, sự hiện diện của anh làm tôi ngộp thở; giọng nói trầm và nghiêm của anh làm tôi nổi giận”.

Vài năm sau, cơn giận của ông lên tới điểm làm cho hai anh em từ nhau. Một giai đoạn mà ông sáng suốt kể lại như sau:

“Một em bé đang hấp hối, anh Théodore không ngần ngại công khai xin cha mẹ làm phép rửa tội cho em, và có thể anh sắp làm, khi tôi được biết tiến trình của anh. Tôi nhìn tiến trình này như một sự hèn hạ bất xứng; tôi viết cho linh mục, phải nói chuyện với người lớn, chứ không phải với con nít và kèm theo những lời này, tôi thóa mà và đe dọa, cho đến bây giờ tôi vẫn còn ngạc nhiên, anh tôi không trả lời một tiếng. Anh tiếp tục thăm gia đình; còn phần tôi, tôi không muốn thấy anh, tôi nuôi một lòng hận thù cay đắng với các linh mục, nhà thờ, nhà tu và nhất là các tu sĩ Dòng Tên, chỉ nghe tên là đủ làm cho tôi giận điên người”.

Sau khi học luật ở Paris, Alphonse Ratisbonne vào làm việc cho ngân hàng của gia đình ở Strasbourg bên cạnh người bác, một người rất giàu và cực kỳ rộng lượng, thỏa mãn hết mọi đòi hỏi của ông (ngựa, xe, du lịch và hàng ngàn chuyện như thế…). Đến mức mà chàng thanh niên trẻ chỉ nghĩ đến hưởng thụ:

“Tôi chỉ thích lạc thú: công việc làm cho tôi sốt ruột, không khí văn phòng làm tôi ngộp thở; tôi nghĩ người ta sinh ra đời để hưởng thụ; và, dù có một sự e ngại tự nhiên làm tôi xa các lạc thú và môi trường xã hội ghê tởm, tôi cũng chỉ mơ các buổi lễ tiệc ăn chơi, tôi say sưa tham dự”.

Nhưng trong lòng ông, ông không cảm thấy hạnh phúc trong môi trường thừa mứa này. Ông cảm thấy thiếu một cái gì đó trong lòng. Trong thời gian đó ông tuyên bố hứa hôn với người cháu Flore, tuổi mới 16. Và trong thời gian này, có một cuộc cách mạng nhỏ xảy ra trong lòng ông. Ông, người không tin gì lại thấy nơi người hôn thê của mình hình ảnh của một thiên thần:

“Khi nhìn người vợ chưa cưới, tôi cảm nhận phẩm cách của con người; tôi bắt đầu tin vào sự bất tử của tâm hồn, một cách bản năng, tôi bắt đầu cầu nguyện với Chúa… Tư tưởng của Ngài nâng tâm hồn tôi về với Chúa mà tôi chưa biết, tôi chưa bao giờ cầu”.

Những bước đầu tiên trên “con đường Đa-mát”

Nhưng Flore còn quá trẻ để lập gia đình, gia đình đưa người thanh niên trẻ xa Strasbourg một thời gian. Khi đó ông đi Ý và tại Rôma, có hai sự kiện đã đưa ông đến con đường trở lại: ông gặp Théodore de Bussières, anh của một trong các người bạn thơ ấu của ông và cũng là bạn thân của người anh cả của mình, ông này cũng trở lại đạo công giáo sau khi bỏ tin lành, mà ông thấy có “ác cảm sâu đậm” và sau chuyến thăm khu vực Ghét-tô của người do thái, chuyến thăm này làm cho ông thấy “tội nghiệp” và “phẫn nộ” :

“Sao! Có phải đó là bác ái mà Rôma rêu rao không! Tôi rùng mình khủng khiếp (…) Chưa bao giờ tôi tức giận chống kitô giáo như khi tôi thấy khu nhà Ghét-tô. Tôi không ngừng chế giễu và phạm thượng… (…)”.

Nhưng các chuyện bất ngờ và trùng hợp nối tiếp nhau. Và trong khi nói chuyện với bá tước Bussières, cha của người bạn thơ ấu, ông bá tước ca tụng hết lời các điều cao cả của đạo công giáo, Alphonse châm biếm bất cứ một thách thức ông này đưa ra, trong đó có một thách thức lớn, ông phải đeo tượng Đức Mẹ, một bức tượng ông đặc biệt tôn kính. Ông bá tước nói mãi cho đến khi Alphonse phải hứa là sẽ đọc Kinh Hãy Nhớ, một lời cầu nguyện rất ngắn mà Thánh Bernard dâng lên Đức Mẹ, ông tự nhủ: “Dù sao nếu Đức Mẹ không làm điều tốt cho mình thì ít nhất Mẹ cũng không làm điều xấu!”.

“Lạy Thánh Nữ Đồng Trinh Maria là Mẹ rất nhân từ xin hãy nhớ xưa nay chưa từng nghe có người nào chạy đến cùng Đức Mẹ xin bầu chữa cứu giúp mà Đức Mẹ từ bỏ chẳng nhậm lời. Nhân vì sự ấy, con hết lòng trông cậy than van chạy đến sấp mình xuống dưới chân Đức Mẹ là Nữ Đồng Trinh trên hết các kẻ đồng trinh, xin Đức Mẹ đoái đến con là kẻ tội lỗi. Lạy Mẹ là Mẹ Chúa Cứu thế, xin chớ bỏ lời con kêu xin,    một dủ lòng thương và nhậm lời con cùng”.

Ngạc nhiên làm sao, Kinh Hãy Nhớ ăn sâu trong đầu ông, nó không đi ra nữa, “như các điệu nhạc đi theo bạn và làm cho bạn sốt ruột, bạn cứ ngâm nga hoài dù không muốn”, ông thú nhận sau này.

“Cú sét”

Rồi một ngày đẹp trời, ngày 20 tháng 1 năm 1842, khi ông quay về Rôma, Alphonse gặp Marie-Théodore de Bussières, người trở lại, bạn của anh mình, ông này mời Alphonse đi dạo. Ông nói Alphonse đi cùng với ông một lát đến nhà thờ Thánh Anrê delle Fratte. Mười phút sau, ông thấy Alphonse quỳ trước nhà nguyện Thánh Michel trong tình trạng ngây ngất, mặt ràn rụa nước mắt, hai tay chắp lại. Khuôn mặt anh diễn tả một cái gì không nói lên được.

“Tôi ở một lát trong nhà thờ, bỗng nhiên, tôi cảm thấy xao xuyến không tả được, tôi ngước mắt lên, cả tòa nhà như biến mất trước mắt tôi. Chỉ duy nhất một nhà nguyện có thể nói là còn tập trung ánh sáng và giữa ánh sáng này, đứng trên bàn thờ là Mẹ Maria, cao lớn, sáng chói, đầy uy quyền và dịu dàng như hình của Mẹ trên mề-đai của tôi; Mẹ lấy tay ra dấu cho tôi quỳ xuống, một sức mạnh không cưỡng lại được đẩy tôi về hướng Mẹ…

Tôi cầm chiếc mề-đai tôi đeo trên ngực; tôi âu yếm hôn hình ảnh Đức Mẹ đầy ân phước… Ồ, đúng là Mẹ! Tôi không biết tôi ở đâu; tôi không biết tôi có phải là Alphonse hay một người khác; tôi cảm thấy có một sự thay đổi hoàn toàn mà tôi nghĩ tôi là một người khác… Tôi tìm lại tôi và tôi không thấy tôi… Một niềm vui nóng bỏng nhất bật lên tận đáy lòng tôi; tôi không thể nói được; tôi không muốn nói ra gì hết; tôi cảm nhận trong tôi có một cái gì long trọng và thiêng liêng… Băng-đô che mắt rớt xuống; không phải chỉ một băng-đô mà một loạt băng-đô bao phủ tôi lần lượt biến mất một cách nhanh chóng như tuyết, như bùn, như đá tan dưới ánh mặt trời đỏ lửa”.

Ngày 31 tháng 1 – 1842, Marie-Alphonse Ratisbonne được rửa tội, rước lễ lần đầu và nhận phép thêm sức. Năm 1848, ông chịu chức linh mục và đến Palestina ở, từ đó ông cống hiến đời mình để dạy giáo lý cho những người trở lại gốc do thái ở Dòng Đức Bà Sion mà anh của ông, linh mục Théodore đã ở đó và điều khiển nhà Dòng hơn năm mươi năm.

Marta An Nguyễn dịch 

Alphonse và người anh cả Théodore

777    17-08-2017