Sidebar

Thứ Bảy
20.04.2024

Đại cương Tông huấn Christus Vivit (ĐKT đang sống) - 1

Chương bốn: “Một sứ điệp vĩ đại cho tất cả người trẻ”

Cùng tất cả giới trẻ, Đức Thánh Cha loan báo ba sự thật quan trọng. “Thiên Chúa là tình yêu”. “Thiên Chúa yêu các con, đừng bao giờ nghi ngờ điều đó” (112). Con có thể “tìm được bình yên trong vòng tay của Cha trên trời” (113). Đức Thánh Cha xác quyết rằng trí nhớ của Chúa Cha “không phải là một ‘đĩa cứng’ ‘lưu” và ‘trữ’ mọi dữ liệu của chúng ta. Trí nhớ của Người là một con tim đầy lòng xót thương, một con tim tìm được niềm vui khi ‘xóa’ sạch khỏi con người chúng ta mọi dấu vết sự dữ … Bởi vì Người yêu thương chúng ta. Cố gắng lắng lòng xuống một chút và hãy để chính mình cảm thấy tình yêu của Người” (115). Tình yêu của Người là một tình yêu “nâng dậy hơn là quật ngã, hòa giải hơn là cấm chế, ban những cơ hội để thay đổi hơn là lên án, nhìn đến tương lai hơn là nhìn lại quá khứ” (116).

Sự thật thứ hai là “Đức Kitô cứu thoát các con”. Đừng bao giờ quên rằng “Người tha thứ cho chúng ta bảy mươi lần bảy. Không biết bao nhiêu lần Người đã vác chúng ta trên vai của Người” (119). Chúa Giêsu yêu các con và cứu các con bởi vì chỉ khi được yêu mới có thể được cứu. Chỉ khi được ấp ủ mới có thể được biến đổi. Tình yêu của Chúa lớn hơn mọi vấn đề, mọi yếu đuối và mọi sai lầm của chúng ta” (120). Và “sự tha thứ và ơn cứu rỗi của Người là những gì chúng ta không thể mua được, hoặc đạt được qua việc làm hay cố gắng riêng của mình. Người tha thứ chúng ta và giải thoát chúng ta một cách nhưng không” (121).

Sự thật thứ ba là “Ngài đang sống!”. Chúng ta hãy luôn nhắc nhở mình về điều đó … bởi lẽ chúng ta có nguy cơ nhìn thấy Chúa Giêsu chỉ là một mẫu gương đẹp xa xôi trong quá khứ, một hoài niệm, một nhân vật đã đến cứu thoát chúng ta cách đây hai ngàn năm. Nhưng điều đó không có ích gì cho  chúng ta: nó không thay đổi gì nơi chúng ta và cũng không đem lại tự do cho chúng ta” (124). Nếu Người sống, “thì chắc chắn cuộc sống chúng ta sẽ tốt đẹp hơn … và rồi chúng ta sẽ ngưng than phiền và hướng đến tương lai, bởi vì với Người điều đó luôn luôn có thể xảy ra” (127)

Trong những sự thật nầy, Chúa Cha và Chúa Giêsu cùng xuất hiện. Và các Ngài ở đâu thì Chúa Thánh Thần cũng ở đó. “Hãy cầu nguyện với Chúa Thánh Thần mỗi ngày … Con không mất gì hết, và Người có thể thay đổi, rọi sáng cuộc đời con và dẫn con trên nẻo đường tốt đẹp hơn. Người không lấy mất một thứ gì của các con, trái lại, giúp các con tìm thấy các con cần gì và trong một cách thế tốt nhất” (131).

Chương 5: Hành trình người trẻ

“Tình yêu của Thiên Chúa và tương quan của chúng ta với Đức Kitô đang sống không ngăn cản chúng ta có những giấc mơ, cũng không đòi hỏi chúng ta thu hẹp tầm nhìn của mình. Trái lại, tình yêu đó thăng hoa chúng ta và đưa chúng ta vươn đến một cuộc sống tốt hơn và tươi đẹp hơn. Phần lớn những ước vọng trong con tim người trẻ có thể thu gọn tronghai chữ ‘thao thức”” (138). Khi nghĩ đến một người trẻ, Đức Thánh Cha đã nhìn thấy anh ấy hoặc cô ấy như là một người “đang ao ước được bay nhảy trên đôi chân, luôn luôn với một chân đưa ra trước, sẵn sàng lao đi, sẵn sàng bật tung lên. Không ngừng chạy nhanh về phía trước” (139). Tuổi trẻ không thể “giậm chân tại chỗ”, bởi vì đó chính là “tuổi của chọn lựa” trong các phạm vi nghề nghiệp, xã hội, chính trị, và cũng trong sự lựa chọn một người bạn đời hoặc sinh những đứa con đầu tiên. “Sự lo âu có thể gây bất lợi cho chúng ta bằng cách khiến chúng ta bỏ cuộc khi không thấy trước những kết quả tức thời. Giấc mơ đẹp nhất của chúng ta chỉ đạt được bằng hy vọng, kiên nhẫn và quyết tâm, chứ không phải trong vội vã. Đồng thời, đừng ngập ngừng, đừng sợ cơ hội hoặc sai lầm” (142).

Đức Thánh Cha cũng kêu gọi người trẻ đừng nhìn cuộc đời từ trên cao, cũng không chỉ sống trước màn ảnh, đừng như những chiếc xe phế thải và không nhìn đời như người du khách: “Hãy cuồng nhiệt! Quẳng xa đi những nỗi sợ hãi làm tê liệt các con … hãy sống!” (143). Ngài cũng mời gọi họ sống “giây phút hiện tại” thưởng thức với lòng tri ân từng món quà nhỏ của cuộc sống nhưng đừng “tham lam” và “ham mê tìm kiếm những thú vui mới lạ” (146). Thật vậy, sống giây phút hiện tại “không phải giống như kiểu sống phóng đãng vô trách nhiệm vốn chỉ đưa đến tâm trạng trống rỗng và luôn bất mãn” (147).

 “Cho dù đã trải qua biết bao kinh nghiệm thời tuổi trẻ, các con sẽ không bao giờ đạt đến sự hiểu biết ý nghĩa toàn vẹn và sâu xa của những năm tháng đó nếu mỗi ngày các con không gặp gỡ người bạn tốt nhất của mình, người bạn đó chính là Chúa Giêsu” (150). Tình bạn với Chúa Giêsu thì bền vững vì Ngài không bao giờ bỏ rơi chúng ta (154). “Với một người bạn, chúng ta có thể nói chuyện và chia sẻ bí mật thầm kín nhất. Với Chúa Giêsu cũng vậy, chúng ta luôn luôn có thể tâm sự”. Khi cầu nguyện, “chúng ta trải lòng hết những việc chúng ta làm” với Ngài, và dành một chỗ cho Ngài “ngõ hầu Ngài có thể hành động, bước vào và chiếm hữu” (155). “Đừng để tuổi trẻ của các con đánh mất tình bạn này. Các con sẽ có thể cảm nhận được Ngài đang ở bên con”. Đó chính là trải nghiệm của các môn đệ ở Emmau (156). Thánh Oscar Romero đã nói: “Kitô giáo không phải là một sưu tập các chân lý phải tin, các luật lệ phải theo hay các cấm chỉ. Nếu xét khía cạnh này thì nó làm chúng ta hụt hẫng. Kitô giáo là một nhân vị đầy tình yêu đối với tôi và đòi tôi đáp lại bằng tình yêu. Kitô giáo chính là Đức Kitô”. 

Khi nói về giai đoạn phát triển và trưởng thành, Đức Thánh Cha đã chỉ ra tầm quan trọng của việc đi tìm một sự “phát triển thiêng liêng”, của sự tìm kiếm Thiên Chúa và vâng giữ Lời của Người”, của việc giữ vững mối giây liên kết “với Chúa Giêsu … bởi vì các con sẽ không lớn lên trong hạnh phúc và thánh thiện với sức riêng và trí thông minh của mình” (158). Người lớn cũng phải đạt đến sự trưởng thành mà không đánh mất đi những giá trị của tuổi trẻ: “Trong bất cứ giai đoạn nào của cuộc sống, chúng ta đều có thể phục hồi và làm sung mãn tuổi trẻ của chúng ta. Khi Cha bắt đầu sứ vụ Giáo Hoàng, Chúa đã mở rộng tầm nhận thức của cha và ban tặng cho cha một tinh thần tuổi trẻ mới mẻ. Cảm tính nầy cũng xảy ra cho một cặp vợ chồng lấy nhau đã nhiều năm, hoặc cho một tu sĩ trong tu viện của mình” (160). Càng thêm tuổi có nghĩa là “đang giữ gìn và trân trọng những điều quý giá nhất về tuổi trẻ của mình, nhưng cũng có nghĩa là phải thanh lọc những điều không tốt” (161). “Nhưng cha cũng phải nhắc nhở rằng các con sẽ không nên thánh và phát huy đầy đủ bằng việc sao chép kẻ khác … Các con phải nhận ra các con là ai và phát huy cách thế nên thánh riêng của mình” (162).

Đức Thánh Cha đề nghị “hành trình huynh đệ” để sống niềm tin, luôn nhớ rằng “Chúa Thánh Thần muốn chúng ta ra khỏi con người của mình, để ôm lấy kẻ khác … Đó là lý do tại sao nên sống đức tin cùng với nhau và bày tỏ tình yêu của mình qua cuộc sống cộng đoàn” (164), vượt qua được cám dỗ “chỉ dừng lại ở bản thân và các vấn đề của mình, các vết thương bên trong và nỗi phẫn uất của mình” (166). “Thiên Chúa ưa thích niềm vui của người trẻ. Đặc biệt, Người muốn họ cùng nhau chia sẻ niềm vui trong tình hiệp thông huynh đệ” (167). Rồi Đức Thánh Cha nói đến tinh thần “trẻ và dấn thân”, nhấn mạnh rằng nhiều khi người trẻ bị “cám dỗ rút lui vào những nhóm nhỏ … Họ có thể cảm thấy mình đang trải nghiệm tình huynh đệ và tình yêu, nhưng thật ra, nhóm nhỏ đó có thể chỉ là cái tôi nối dài của mình mà thôi. Điều này trở thành nghiêm trọng hơn khi họ quan niệm ơn gọi giáo dân đơn thuần là một hình thức phục vụ trong Giáo Hội … Họ quên rằng ơn gọi giáo dân trên hết nhắm đến bác ái trong khuôn khổ gia đình và bác ái trong xã hội và chính trị” (168). Đức Thánh Cha khuyên bảo người trẻ nên “vượt qua khỏi những nhóm nhỏ của mình để xây dựng tình huynh đệ xã hội, nơi mọi người hoạt động cho công ích. Đàng khác, lòng thù nghịch trong xã hội mang tính hủy diệt. Nhiều gia đình đang bị phá hủy vì sự thù nghịch. Nhiều quốc gia cũng đang bị tàn phá vì sự thù nghịch. Thế giới đang bị tàn phá vì sự thù nghịch. Và sự thù nghịch lớn nhất chính là chiến tranh. Ngày nay chúng ta chứng kiến thế giới đang tự hủy diệt vì chiến tranh “bởi vì chúng ta không thể ngồi xuống để đối thoại” (169). “Dấn thân xã hội và tiếp xúc trực tiếp với người nghèo vẫn luôn là những phương thế cơ bản để tìm ra hoặc đào sâu đức tin của mình cũng như nhận thức được ơn gọi cá nhân” (170). Đức Thánh Cha cũng kể ra gương sáng của những người trẻ từ các giáo xứ, trường học và các phong trào là những người “thường xuyên sinh hoạt với người già và kẻ liệt hoặc viếng thăm những khu phố nghèo” (171). “Những bạn trẻ khác thì tham gia vào các chương trình xã hội giúp xây nhà cho người vô gia cư, hoặc cải tạo những phần đất ô nhiễm hay là góp phần giúp đỡ những người túng thiếu. Thật là hữu ích nếu những nỗ lực chung tay góp sức này có thể được tập trung và tổ chức một cách ổn định”. Các sinh viên đại học “có thể áp dụng kiến thức của mình theo hình thức liên ngành, cùng với giới trẻ của các giáo xứ hay tôn giáo khác” (172). Đức Thánh Cha khuyến khích người trẻ quyết tâm tham gia công tác này: “Cha đã theo dõi các bài báo nói về những người trẻ trên khắp thế giới đã xuống đường để biểu dương khát khao về một xã hội công bằng và đầy tình huynh đệ hơn … Người trẻ muốn tiên phong trong sự đổi mới. Các con đừng để người khác phải dẫn đầu trong sự đổi mới!” (174).

Những người trẻ được gọi là “những nhà truyền giáo can đảm”, làm chứng khắp nơi cho Tin Mừng với cuộc sống của mình, điều này không có nghĩa là “nói về sự thật, nhưng sống chính sự thật” (175). Tuy vậy, lời nói cũng không được chìm vào im lặng: “Hãy học bơi ngược dòng, học cách chia sẻ Chúa Giêsu và đức tin Ngài đã ban cho con” (176). Chúa Giêsu sai chúng ta đi đâu? “Không có biên thùy, không có giới hạn: Ngài sai chúng ta đi khắp mọi nơi. Tin Mừng là để cho mọi người, không chỉ cho một thiểu số. Tin Mừng không chỉ dành cho những người xem ra gần gũi với chúng ta, dễ đón nhận, dễ tiếp cận hơn. Tin Mừng là để cho mọi người” (177). Và chúng ta không thể mong chờ “truyền giáo phải là công việc nhẹ nhàng và dễ dàng” (178).

Chương sáu: “Người trẻ với nguồn cội”

Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng ngài đau lòng khi thấy “những người trẻ đôi khi được khuyến khích xây dựng một tương lai không cội nguồn, như thể thế giới vừa mới được sinh ra” (179). “Nếu ai đó bảo người trẻ phủ nhận lịch sử của mình, từ chối những kinh nghiệm của các bậc tiền bối, xem thường quá khứ và nhìn về một tương lai mà người ấy đang nắm giữ, thì liệu có dễ dàng lôi kéo họ làm theo đúng như người ấy nói không? Kẻ ấy đang muốn biến người trẻ trở nên nông cạn, mất gốc và hoài nghi mọi sự, đến nỗi chỉ tin vào các hứa hẹn của người ấy và làm theo những gì họ vạch ra. Đó là cách thức hành động của nhiều ý thức hệ: chúng phá hủy (hoặc phá tung) tất cả những khác biệt để không có gì đi ngược lại” (181).

Những kẻ thao túng cũng xử dụng việc sùng bái tuổi trẻ: “Thân xác trẻ trung đã trở nên biểu tượng cho việc sùng bái mới này; bất cứ cái gì liên quan đến thân thể này đều được biến thành thần tượng và thèm khát, trong khi đó bất cứ cái gì không trẻ thì bị khinh dễ. Nhưng loại sùng bái tuổi trẻ này chỉ là một thủ đoạn căn bản làm hạ giá người trẻ mà thôi” (182). “Các bạn trẻ thân mến, đừng để cho họ khai thác tuổi trẻ của các con để cổ vũ một lối sống nông cạn đánh lận cái đẹp với dáng vẻ bên ngoài” (183). Có một vẻ đẹp nơi người lao động trở về nhà đầy bụi bặm và nhếch nhác, nơi người vợ già nua đang chăm sóc người chồng bệnh hoạn của mình, nơi sự trung thành của các cặp vợ chồng yêu nhau trong tuổi xế chiều.

Ngày nay, thay vào đó, chúng ta lại cổ súy “một linh đạo không có Thiên Chúa, một cảm tính không có tinh thần cộng đồng hay sự quan tâm đến người đau khổ, một thái độ sợ hãi người nghèo, được xem là nguy hiểm và một loạt các chủ trương đưa ra một thiên đường tương lai mà thật ra hình như càng ngày càng xa vời” (184). Đức Thánh Cha mời gọi các bạn trẻ đừng để bị thống trị bởi loại ý thức hệ dẫn đến tình trạng “thực dân hóa văn hóa” (185) là hiện tượng bứng người trẻ ra khỏi những quan hệ văn hóa và tôn giáo vốn là cội nguồn của họ và  mưu đồ đồng nhất hóa họ bằng việc biến họ thành “một loạt sản phẩm dễ uốn nắn” (186).

Đức Thánh Cha nói thêm: “Điều cơ bản là tương quan của các con với những người già, giúp cho các con khám phá ra sự phong phú sống động của quá khứ. “Lời Chúa khuyến khích chúng ta luôn gần gũi với người già, hầu hưởng được những lợi ích từ kinh nghiệm sống của họ” (188). “Điều này không có nghĩa là phải đồng tình với tất cả những gì người lớn nói hay tán thành mọi  hành động của họ”. “Thật sự đó là một hình thức sẵn sàng đón nhận sự khôn ngoan  được truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác” (190). “Thế giới chưa bao giờ và sẽ không bao giờ được hưởng lợi từ việc bẻ gãy sự liên kết giữa các thế hệ … Đúng là dối trá khi làm cho các con tin rằng chỉ có cái gì mới mới là tốt và đẹp” (191). Nói đến “giấc mơ và tầm nhìn”, Đức Thánh Cha đã nhận xét: “Khi cả người trẻ lẫn người già mở lòng ra cho Chúa Thánh Thần thì họ sẽ tạo nên được một sự phối hợp tuyệt vời. Người già mơ những giấc mộng, người trẻ thấy tầm nhìn” (192). “Nếu người trẻ cắm rễ sâu vào trong những giấc mơ đó thì họ sẽ có khả năng bật lên trong tương lai” (193). Đó là lý do tại sao chúng ta cần “mạo hiểm với nhau”, cùng nhau bước đi, già cũng như trẻ. “Gốc rễ không phải là những cái neo giữ chân chúng ta” mà là “một điểm cố định để từ đó chúng ta lớn lên và đối diện với thách đố mới” (200).

Chương bảy: “Mục vụ giới trẻ”

Đức Thánh Cha giải thích rằng mục vụ giới trẻ đã bị ảnh hưởng bởi những thay đổi xã hội và văn hóa và “người trẻ thường không tìm ra trong các chương trình thường lệ của chúng ta một giải đáp cho những bận tâm, nhu cầu, nan đề và vấn đề của họ” (202). Chính người trẻ là “những tác nhân” của mục vụ giới trẻ.

 

Chắc chắn, họ cần được giúp đỡ và hướng dẫn, nhưng đồng thời cũng phải được tự do khai triển những phương thế mới, với sự sáng tạo và một chút liều lĩnh”. Chúng ta cần giúp người trẻ “dùng sự sáng suốt, khéo léo và hiểu biết của mình để xử lý những vấn đề và quan ngại của những bạn trẻ khác bằng ngôn ngữ riêng của họ” (203).

362    24-08-2019