Sidebar

Thứ Tư
24.04.2024

Đấng Hằng Hữu

 

Đức Giêsu hé mở nguồn gốc thần linh của Người bằng kiểu nói “Tôi Hằng Hữu”. Hằng hữu là ‘bất diệt’, là ‘muôn năm’ – như trong các khẩu hiệu mà người ta vẫn thường hô. Điểm khác biệt: các khẩu hiệu chỉ là cường điệu, đại ngôn, còn Đức Giê-su là Đấng Hằng Hữu thật: không chỉ là ‘bất diệt’, là ‘muôn năm’, mà còn là ‘vô thủy vô chung’ và là nguồn tác sinh vạn vật. Nói tóm, Ngài thật là Thiên Chúa.

Điều quan trọng là nguồn gốc thần linh của Ngài không chỉ liên hệ đến Ngài mà đến cả sự tồn vong của mọi người chúng ta: có nhìn nhận và tin điều đó, chúng ta mới được cứu độ. Hơn nữa, nguồn gốc thần linh của Đức Giê-su chỉ tỏ hiện rõ ràng nhất nơi biến cố thập giá: “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu”.

Trang Tin Mừng trên đây là đoạn tiếp nối cuộc tranh luận về lời chứng của Chúa Giêsu đối với bản thân Người. Trong đoạn đầu của cuộc tranh luận này, Chúa Giêsu đã nhắc đến Cha mình, nhưng những người pharisiêu không hiểu là Người nói đến Thiên Chúa Cha. Trong đoạn chúng ta nghe đọc hôm nay, Chúa Giêsu lại nói về nguồn gốc thượng giới của Người và lại nhắc đến Cha Người. Chúa Giêsu đứng trên quan điểm của Ðấng Mêssia để rao giảng sứ điệp cứu thế, trong đó Người nói lên nguồn gốc thần linh của mình và giới thiệu chương trình cứu độ mà Chúa Cha đã trao phó cho Người thực hiện ở trần gian.

Tin mừng hôm nay, chúng ta thấy Đức Giê-su lặp đi lặp lại để xác định một điều: “Tôi hằng hữu” và “Nếu các ông không tin tôi các ông sẽ chết trong tội lỗi các ông.” “Đấng hằng hữu” hay “Ta có” là danh xưng của Thiên Chúa đã mặc khải cho dân Israel qua ông Mô-sê (x. Xh 3,14). Các kinh sư và Pha-ri-sêu đều biết rõ điều đó. Đồng thời qua kinh nghiệm lịch sử dân tộc, các ông cũng biết “Thiên Chúa là Đấng giải phóng” (x. Xh 3, 1 – 20). Người giải phóng con người (đặc biệt là Israel) khỏi ách nô lệ, cũng đồng nghĩa với việc người giải phóng họ khỏi tội lỗi - Bởi vì chính tội lỗi đã làm cho họ trở thành nô lệ. 

Khi Đức Giê-su khẳng định Người là “Đấng hằng hữu”, và ‘nếu ai không tin Người sẽ chết trong tội’ thì Người đã khẳng định chính Người là Thiên Chúa. Điều này đã khiến cho người Do-thái, đặc biệt là các kinh sư và Pha-ri-sêu rất tức tối. Đó cũng là lý do mà họ đã lên án Đức Giê-su lộng ngôn phạm thượng và tìm cách giết người. Sự bảo thủ, cố chấp, óc thiên kiến, tự tôn và lòng vị kỷ đã làm cho họ không thể nhận ra được Đức Giê-su là Đấng Messia – là Thiên Chúa, Đấng cứu độ.

Kể từ khi công khai ra đi rao giảng, tất cả những lời nói và việc làm của Chúa Giêsu đều tập trung vào việc phổ biến ý định cứu thế của Thiên Chúa Cha. Từ việc kêu gọi mọi người ăn năn sám hối đến việc thi ân giáng phúc cho những người thành tâm thiện chí và cảnh cáo phê bình những kẻ lầm lạc cố chấp, Chúa Giêsu cho thấy Người luôn luôn làm theo thánh ý Chúa Cha. Những người Pharisiêu thì đứng trên quan điểm phe nhóm họ. Họ cũng nói về vai trò của Ðấng Mêssia, nhưng là một Ðấng Mêssia phù hợp với lối nghĩ lối sống đã bị tục hóa của họ. Bị chi phối mạnh mẽ bởi cách nhìn này, họ đọc nhưng không hiểu được những lời Kinh Thánh tiên báo về sự xuất hiện của Ðấng Kitô. Trong cách hiểu của họ, Ðấng Kitô có lai lịch và diện mạo khác hẳn với con người và tự xưng là Cứu Chúa này. Bởi thế, càng nghe những lời Chúa Giêsu giảng, càng thấy các việc Chúa Giêsu làm, họ càng tìm cách chống đối quyết liệt. Họ muốn chứng minh cho dân chúng thấy rằng Chúa Cha và Nước Thiên Chúa mà Chúa Giêsu rao giảng chỉ là một trò bịp bợm mà thôi.

Khi tự xưng mình là Ðấng Hằng Hữu, Chúa Giêsu có ý nhắc cho họ nhớ lại lời Giavê Thiên Chúa đã tỏ danh tánh Ngài ra cho ông Môisen trước khi giao cho ông sứ mạng giải phóng dân Israel khỏi ách nô lệ của người Ai Cập. Kể từ đó, danh xưng Giavê Thiên Chúa là Ðấng Hiện Hữu trở thành một danh xưng tối thượng đối với người Do Thái. Nhắc đến danh xưng này là nhắc đến chính Ðấng Tối Cao.

Trong lịch sử Israel chưa hề có một ngôn sứ nào dám dùng danh xưng này để nói về chính bản thân mình, vậy mà Chúa Giêsu dùng đến danh xưng tối thượng ấy, ắt hẳn Người phải có một lý do cực kỳ trọng đại. Những người pharisiêu không hiểu và cũng chẳng muốn hiểu lời Chúa Giêsu nói.

Lắm lúc chúng ta cũng sống theo cách nghĩ của những người pharisiêu trên đây. Trong lúc Chúa Giêsu phục sinh đang nỗ lực tác động trên mọi lãnh vực của thế giới hôm nay để kéo con người lên cùng Thiên Chúa, Người tác động qua Giáo Hội, qua Lời Chúa, qua các bí tích, các công việc phục vụ của người Kitô. Người cũng tác động các tập thể thành tâm thiện chí của nhân loại, các hệ thống tư tưởng quảng bá chân thiện mỹ, các mối quan hệ xây dựng hòa bình và hạnh phúc cho con người, các công cuộc giúp thăng tiến đời sống đích thực và toàn diện của con người.

Trong khi Chúa Giêsu làm như vậy, thì chúng ta, chúng ta lại làm theo hướng ngược lại, chúng ta dần dần phàm tục hóa đời sống của chính mình và của những người chung quanh bằng những suy nghĩ và hành động chỉ dựa trên những loài thú vật mà thôi. Con người và vũ trụ có nguồn gốc từ Thiên Chúa Hằng Hữu và sẽ trở về với cội nguồn Hằng Hữu ấy. Nhưng đôi khi chúng ta cứ muốn giữ tất cả nằm lại trong thế giới thụ tạo hữu hạn này mà thôi.

Thập giá của Đức Giê-su mãi mãi vẫn còn thách đố cách suy nghĩ và cách chọn lựa của chúng ta trong cuộc sống. Sắp cử hành cuộc khổ nạn, cái chết và sự sống lại của Chúa Giê-su, chúng ta được mời gọi nhìn thấy Đấng bị treo trên thập giá ấy là Thiên Chúa, để xác tín hơn về con đường cứu độ mà Người đã chọn. Con đường thập giá ấy cũng phải là con đường của chúng ta. Sự chọn lựa này càng không dễ trong thế giới hưởng thụ, buông thả ngày nay. Liên kết với Đấng Thiên Chúa bị đóng đinh, những thập giá hằng ngày của chúng ta sẽ nở hoa sự sống bất diệt!

Đức Giê-su đã hiến mình để giải thoát con người khỏi tội lỗi và sự chết. Không tin vào Đức Giê-su, từ chối sự sống Người mang lại, con người ôm lấy tội lỗi của mình mà chết. Đây cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh người Ki-tô hữu. Trong cuộc sống có thể chúng ta đã để cho óc bảo thủ, cố chấp, thiên kiến và lòng vị bóp chết đời sống đức tin. Có thể niềm tin của chúng ta chỉ còn là cái vỏ bên ngoài. Chúng ta không tuyên bố, đả kích Đức Giê-su, nhưng cuộc sống của chúng ta đi ngược lại những điều Ngài dạy. Mùa chay, mùa chúng ta duyệt xét lại lòng mình để làm một cuộc sám hối tận căn.

 

Lời mời gọi “Hãy sám hối và tin vào Tin mừng” của Đức Giê-su vẫn còn đó – và Tin mừng ở đây chính là Đức Giê-su Ki-tô Đấng cứu độ duy nhất. Xin tình yêu hy hiến của Đức Giê-su cuốn hút, lôi kéo chúng ta hướng lòng lên cao, nên mẫu gương giúp chúng ta sẵn sàng hy sinh sát tế mỗi ngày để gieo rắc yêu thương. Và chớ gì như Đức Giê-su, thánh ý Cha luôn là kim chỉ nam dẫn lối cuộc đời chúng ta

CTVTT VL 

2614    03-04-2017