Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Dâng hết lòng

Thứ Hai XXXIV TN

Lc 21, 1-4

DÂNG HẾT LÒNG

          Trang Tin Mừng liên quan đến chuyện dâng cúng có thể khiến nhiều độc giả hỉ hả vì hiệu ứng thời sự của Lời Chúa: Đã có những người tự hào vì dâng cúng số lượng lớn tiền của, vì đã bỏ ra khối lượng lớn ngày công, tài sức cho các công trình nhà thờ, nhà xứ, nhà giáo lý, nhà mục vụ, .... Cũng có những người ganh tị vì mình không bì kịp với những đóng góp khổng lồ ấy.

Lại cũng có người âm thầm, an tịnh, hết lòng trong những hy sinh bé nhỏ cho việc chung bằng cả tấm lòng phục vụ và mến yêu của họ. Để rồi, hôm nay đã rõ, chưa chắc tiền đống công khối luôn có thứ hạng cao ; chưa chắc hạt cám giọt nước chỉ xứng đáng ở chót sổ. Bởi thước đo giá trị công đức này không lệ thuộc vào con số, mà tùy vào mức quảng đại của người dâng cúng.

Nhưng lấy gì để đo lòng quảng đại? Làm sao biết được chủ của những khối bạc được dâng cúng ấy lại ít quảng đại hơn bà góa nghèo vừa bỏ hai đồng kẽm vào thùng tiền? – Nếu như hôm ấy chỉ có Chúa Giêsu nhìn thấy lòng quảng đại của bà góa, thì chắc hẳn, ta cần học nhìn đời, nhìn người bằng ánh mắt và bằng tấm lòng của Chúa.

“Ngước mắt lên, Đức Giêsu thấy nhiều người giàu đang bỏ tiền dâng cúng...” (1). Một số người sang trọng, quần là áo lượt, theo nhau xếp hàng bỏ tiền dâng cúng. Chúng ta không biết vì sao họ bị lại cùng thời điểm bỏ tiền vào thùng. Có phải là để “ đua nhau”, hơn nhau một chút, như ngày nay chúng ta vẫn thường thấy trong việc quyên góp xây nhà thờ của những người giáo dân ? Chúa Giêsu thấy những người giàu bỏ thật nhiều tiền vào thùng, nhưng Ngài lại chú ý đến một bà góa nghèo khổ... bỏ vào 2 đồng tiền kẽm ( x. câu 2).

Hai hình ảnh như đối nghịch từng đôi một. Một bên là người giàu, những người giàu. Còn  bên kia là bà góa, mà chỉ có một bà góa. Một bên là bỏ nhiều tiền, bên kia chỉ có hai đồng xu nhỏ. Giàu thì có bạn cùng đi, một nhóm... Còn nghèo và cô đơn thì chỉ đi lẻ loi một mình. Hình ảnh bà góa xuất hiện như một nét chấm phá cho bức tranh bỏ tiền dâng cúng mà họa sĩ muốn bộc lộ tâm trạng. Nét chấm phá ấy lên đến cao độ, khi bà thò tay vào túi, lần mò mãi và cuối cùng rụt rè bỏ vào thùng 2 đồng xu kẽm. Hai đồng kẽm ấy như lọt thỏm và bị mất hút giữa muôn tờ giấy bạc của đám người giàu, chỉ như hạt muối bỏ biển.

Chúng ta thấy tâm trạng của Đức Giêsu thế nào ? Một vị Thầy luôn nhìn thấy những sâu thẳm của lòng người. Ngài quay lại nói với các môn đệ. Thầy bảo thật anh em : bà góa nghèo này đã bỏ vào nhiều hơn ai hết. ( c.3). Vì sao Ngài quả quyết như vậy ? Chắc chắn là bà không thể giải bày hoàn cảnh của mình cho vị Thầy này, và ngay cả phong cách bề ngoài càng không nói lên điều ấy.

Nhưng Chúa Giêsu đã thấu suốt lòng bà. Người hiểu rõ gia cảnh túng thiếu và góa bụa của bà. Thánh Luca tả rất rõ : một bà – góa – túng thiếu. Là phụ nữ trong thời đó được coi là hàng thứ yếu. Bà lại góa chồng, đơn phương độc mã, không chỗ tựa nương, bám víu nên gia cảnh bà trở nên túng thiếu, nghèo nàn... Nhưng bà vẫn đến dâng cúng cái nghèo nàn túng thiếu ấy.

Đức Giêsu khẳng định : Những người giàu đều bỏ những đồng bạc dư thừa trong két bạc của họ, để dâng cúng. Còn bà góa thì bỏ vào tất cả những gì có thể nuôi sống bà ( x. câu 4). Một nhận xét nói lên sự thấu hiểu tâm can con người. Đúng vậy, số lượng bạc lớn từ tay người giàu đổ trút vào thùng tiền, chỉ là những đồng bạc dư thừa của họ. Họ có bỏ số tiền ấy vào thùng, thì họ lại kiếm được những món bạc khác nhiều hơn, lớn hơn để bỏ vào két sắt của họ. Còn bà góa 2 đồng xu hôm nay đã khiến cho bữa ăn của bà thiếu bánh, thiếu cá hoặc chỉ là bữa ăn lót lòng. Bữa ăn chay. Chúa Giêsu không khen những ông nhà giàu đổ thật nhiều tiền vào thùng, để sửa sang trùng tu nhà chúa, nơi dành riêng cho việc thờ phượng; nhưng Ngài khen tấm lòng bà góa với trọn vẹn vốn sống của mình, đã dâng cho Chúa những gì liên quan đến sinh mệnh, sự sống của bà, để góp phần xây dựng cho ngôi thánh đường thêm trang nghiêm hơn, thêm tình người.

Về ánh mắt: Chúa không dựa vào con số và kích cỡ để đánh giá một sự vật hoặc một hành vi của con người. Chúa dựa vào tấm lòng, Chúa thăm dò mức độ yêu thương, Chúa tìm hiểu cảnh sống, Chúa phân biệt ngọn nguồn từng việc người ta làm để đưa ra một nhận xét, một kết luận. Đối lại, tôi, bạn và anh chị, ta thường khá vội vàng khi quan sát, khá chủ quan khi đưa ra những nhận xét và kết luận. Con mắt và lý trí ta dễ bị “dán” vào những con số và kích cỡ, vào những trang trí hấp dẫn bề ngoài, vào những ngôn từ có trọng lượng tỷ lệ thuận với tính phô trương và khoe khoang.

Về tấm lòng: có ai quảng đại và rộng rãi hơn Thiên Chúa? Ngoại trừ tội lỗi ra, ta có gì là của chính mình? Sức khỏe, tài năng, thì giờ, của cải, người thân, ... tất cả đều nhờ bởi ơn Chúa. Nước, không khí, ánh sáng, vũ trụ, trái đất, ... tất cả do Chúa dựng dẵn cho ta hưởng dùng.... Vậy mà ta thường khóa chặt lòng quảng đại mình bằng những ổ khóa lớn bé mang nhãn hiệu thiếu thốn: thiếu thời gian, thiếu sức khỏe, thiếu tiền bạc, thiếu khả năng, thiếu người đồng cảm, ... thiếu đủ thứ. Để rồi cuối cùng, Chúa và tha nhân, giáo hội và những người nghèo khổ, bần cùng ... cứ mãi ở ngoài vòng quan sát, ở ngoài khả năng mà ta hay biện hộ rằng mình thật là lực bất tòng tâm !!!

Dâng cúng cho Đền thờ, cho nhà Chúa, luôn là một việc làm đẹp và đầy ý nghĩa. Nó không chỉ là một việc làm mang tính xã hội, mà quan trọng hơn hết, đó là thể hiện chính lòng yêu mến Thiên Chúa. Vì thế, trong tất cả mọi hành động dâng cúng, tâm tình mến Chúa phải là động lực chính yếu và tấm lòng hiến dâng phải là điểm nhắm căn bản. Thiếu những điều này, mọi của dâng cúng nếu không là việc “cống nộp” vụ lợi thì cũng chỉ như một việc từ thiện xã hội, chứ không còn là một hành vi thờ phượng đúng nghĩa. Và như thế, dù có dâng cúng nhiều mấy đi nữa, thì đối với Chúa cũng chỉ là con số “không” rỗng tuếch. Chúa muốn tấm lòng của con người. Chúa muốn con người dâng cho Ngài trọn vẹn con tim, trọn vẹn tình yêu. Chính trong tình yêu mà bà góa nghèo dù chỉ bỏ vào thùng có hai đồng tiền kẽm, đã được Chúa đánh giá là người dâng cúng nhiều nhất.

Thật lòng mà nói, coi như hôm nay tôi, bạn và anh chị, ta được soi để biết mắt mình sáng đến đâu, được mở để thấy lòng mình rộng đến đâu, nhờ đó ta biết mình đang có khoảng cách bao xa với Chúa và tha nhân. Đây là lúc thuận tiện để ta nhìn lại lòng quảng đại nơi mình: Ta đã làm gì trước những lần Chúa hoặc Giáo Hội mời gọi, trước những lần tha nhân cầu khẩn lượng hải hà, trước những than thở kêu gào trong đau khổ của họ ? Ta đã có thái độ nào trước những gì đã đóng góp cho Giáo hội, hoặc đã chia sẻ cho tha nhân ?

Đã có khi nào ta cả gan “thương mại hóa” lòng quảng đại của mình theo kiểu cục đất ném đi, hòn chì ném lại, rằng con làm nọ làm kia, dâng nọ dâng kia cho Chúa, cho Giáo Hội, cho tha nhân, ... thì Chúa cũng phải dành cho con những gì con đang mong ước, đặc biệt trong những thương vụ, những kế hoạch của riêng con?

Ta cùng khiêm cung để Chúa chất vấn và sẵn sàng để Chúa uốn nắn, ngõ hầu ta có được lòng quảng đại như Chúa, có được ánh nhìn của Chúa.

 

 

1107    26-11-2017