Sidebar

Thứ Năm
28.03.2024

Đấng Kito là Chúa

 

          Nơi Thiên Chúa, chiều sâu huyền nhiệm lại càng sâu thẳm đến vô cùng. Chúa vẫn luôn vượt trên những điều ta có thể thấy được, hiểu được hay nói được về Ngài. Như thế, phải có lòng tin mới thấy được Chúa Giêsu vừa là người thật, vừa là Thiên Chúa thật. Mời bạn dùng cặp mắt đức tin nhìn dòng đời biến chuyển mà khám phá Chúa thực sự hiện diện và điều khiển thế giới; qua hình bánh rượu trong Thánh Thể nhận biết được Chúa phục sinh quyền năng đang ở với bạn; qua từng trang Phúc Âm, nhìn thấy Chúa chính là Ngôi Lời vĩnh cửu đang công bố Tin Mừng yêu thương bạn; và qua từng con người bé nhỏ thấp hèn, thấy được chính Chúa đang hiện diện.

Con người là một huyền nhiệm với nhiều điều sâu kín không thể hiểu thấu, thì Đức Ki-tô Con Thiên Chúa làm người lại là một mầu nhiệm cao vời, và thẳm sâu hơn nữa. Mầu nhiệm này vượt trên tất cả những suy tưởng. Để không hoài nghi như những người lãnh đạo Do Thái xưa, chúng ta nhất thiết phải có một “cặp mắt” như Đa-vít, cặp mắt của đức tin được Thánh Thần chiếu rọi để nhận ra sự thật về Đức Kitô. Điều đó luôn là một thách thức lớn lao trong việc tiếp nhận niềm tin Kitô giáo đối với nhiều người và ngay cả với người đang mang danh là Kitô hữu – Bạn của Đức Kitô.

Mắt phàm chỉ có thể thấy những gì phàm trần, chứ không thấy được những gì siêu phàm. Với con mắt phàm, bất quá chỉ có thể nhận biết rằng Chúa Giêsu thuộc dòng tộc Đa-vít và Ngài được gọi là con vua Đa-vít cũng là phải lẽ. Thế nhưng “chính vua Đa-vít lại gọi Đấng Ki-tô là Chúa Thượng” bởi vì vua đã nhìn bằng “đôi mắt khác”, đôi mắt của niềm tin. Chính đôi mắt của niềm tin cho phép chúng ta thấy Đức Giê-su Ki-tô là người thật và đồng thời cũng là “Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật” (Kinh Tin Kính).

Khi có một đám đông dân chúng đi theo Chúa Giêsu nghe giảng dạy, một số người ngạc nhiên và ngưỡng mộ về giáo lý quá tuyệt vời, thế nên họ muốn biết Đức Giêsu là ai, thuộc dòng dõi nào trong nước Israel. Đoán biết được những thắc mắc của dân chúng, Chúa Giêsu liền giải thích về danh xưng “Con Vua Đavít”. Đây là danh xưng theo nguồn gốc loài người. Chúa Giêsu thực là dòng dõi trâm anh, tôn quý, tuy nhiên danh xưng này không đủ diễn tả nguồn gốc uy quyền và sứ mạng to lớn của Ngài.

Chúa Giêsu đề cập đến tước hiệu mà các luật sĩ gán cho Ngài: con vua Đavít. Truyền thống Do Thái xa xưa vẫn cho rằng Đấng Kitô phải thuộc dòng dõi vua Đavít (2V 7,14-17). Người ta cũng thường gọi Chúa Giêsu là “con vua Đavít” (Mc 10,48; 11,10). Nhưng chắc chắn Chúa Giêsu không tự xưng mình bằng tước hiệu này, vì nó quá hàm hồ. Ngài muốn tránh xa quan niệm về Đấng Kitô theo kiểu chính trị. Ngài trưng dẫn Thánh vịnh 110, theo đó Đấng Kitô vừa là con vua Đavít, vừa được Đavít gọi bằng “Chúa tôi”.

Chính thánh Kinh đã gán cho Đấng Kitô một phẩm tính cao cả hơn con vua Đavitt và gọi bằng tước hiệu “Chúa”. Sau biến cố Phục Sinh, các kitô hữu đã sử dụng Thánh vịnh 110 để tìm ra các tước hiệu bao hàm trọn vẹn tính cách của Chúa Giêsu; họ tuyên xưng Ngài thực sự thuộc đẳng cấp thần thánh: Ngài đã sống lại và được Thiên Chúa phong làm “Chúa”. Ngài lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa (Cv 2,34-36).

Người Biệt Phái và nhóm Pharisiêu không tin Đức Giêsu là Đấng Messiah và là Con Thiên Chúa. Họ nghĩ Người chỉ là một nhân vật bình thường thuộc dòng dõi vua Đavít như bất kỳ một người hậu duệ nào khác trong dòng dõi vua mà thôi. Người không thể là Đấng Kitô của Thiên Chúa, vì hiện tại Người đang sống cùng thời với họ. Đứng trước những thắc mắc đó, Đức Giêsu đã dùng chính những lời của vua Đavít đã nói trước về Người để giúp họ nhận ra thân thế thật của Đấng Kitô. Vua Đavít đã gọi Đấng Kitô là “Chúa Thượng” của mình và “Chúa Thượng” này cũng chính là “Con của vua”. Để “thấy và hiểu” được điều ấy, nhất định vua đã được Thánh Thần soi dẫn.

Theo quan niệm Do Thái, danh từ “con” có ba nghĩa: con ruột là người con sinh ra bởi máu huyết như Salômôn là con ruột của Đavit. “Con thuộc dòng dõi” là người ở những thế hệ sau nhưng được ghi trong gia phả chẳng hạn như lời thiên thần nói với Giuse, “con vua Đavit” đừng ngại nhận Maria về nhà làm vợ (Mt 1, 20).

Vì vậy Đức Giêsu cũng được gọi là “con vua Đavit” theo nghĩa này. Và một cách biểu tượng, “con” có thể dùng để chỉ một người có tính cách đặc biệt ví dụ “Barnabas” có nghĩa “con của sự ủi an”, “con của Belial” có nghĩa “người vô dụng.”

Danh xưng “con vua Đavit” được hiểu làChúa Giêsu thuộc dòng dõi Đavit theo khía cạnh con người trần gian. Trong trình thuật hôm nay, Chúa Giêsu dùng Thánh Vịnh 110 để cắt nghĩa rõ hơn về danh xưng “con vua Đavit” :

Theo quyền năng: Chính vua Đavit được Thánh Thần soi sáng đã nói: “Đức Chúa phán cùng Chúa Thượng tôi: bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt dưới chân Con. Chính vua Đavit gọi Đấng Kitô là Chúa Thượng, thì Đấng Kitô lại là con vua ấy thế nào được?"

Theo nguồn gốc: Chúa Giêsu có trước vua Đavit vì Ngài luôn có từ ngàn đời. Gioan Tẩy Giả giải thích về vai trò của Đức Kitô như sau: “Ngài xuất hiện sau tôi nhưng Ngài có trước tôi, và tôi không đáng cởi giây quai giầy cho Ngài” (Ga 1, 15).

Thiên Chúa đã ghi dấu ấn thánh thiện của Người nơi trần gian, từ đó trần gian này mang hơi thở của Thần Linh. Vì yêu thương, Thiên Chúa đã đáp lại “sự mong ngóng rên siết” nơi tạo vật nên đã ban Con Một của Người xuống thực hiện công trình cứu chuộc. Xác tín được sứ mạng của Đức Giêsu, chúng ta hãy tuyên xưng niềm tin của mình bằng cách sống tin tưởng vào Thiên Chúa. Luônthiết tha học hỏi Kinh Thánh như lời mặc khải của yêu thương, Lời ân phúc, Lời giải thoát đem lại cho chúng ta nguồn sống đích thực.

Đức Kitô là Thiên Chúa thật và cũng là người thật. Đó là lòng tin kiên vững của Kitô giáo. Quá nhấn mạnh tới thiên tính mà bỏ quên nhân tính, hoặc ngược lại, đều là những sai lầm tai hại. Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật, như lời thánh Gioan: “Từ khởi thủy đã có Lời, Lời vẫn ở cùng Thiên Chúa, và Lời là Thiên Chúa”. Nhưng Lời đã thành xác phàm và sống giữa nhân loại để cứu độ con người và nâng con người lên địa vị con cái Thiên Chúa. Nói theo thánh Irênê: Thiên Chúa đã làm người để con người được trở thành Thiên Chúa.

Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta một lần nữa xác tín về sứ mạng của Chúa Giêsu. Người là Con Thiên Chúa mà đã hòa mình vào trần gian như một người phàm, có cha có mẹ, có cội nguồn tiên tổ. Người sống dưới một chế độ xã hội cụ thể, tuân theo quy luật tự nhiên cũng như mọi luật lệ trong xã hội. Người đón nhận thực tại xã hội con người với tất cả cái tốt lẫn điều xấu, chấp nhận tất cả những bấp bênh, đổ vỡ, phản bội tội lỗi yếu hèn của con người.

 

 

2410    07-06-2017