Sidebar

Thứ Tư
17.04.2024

Đàng thánh giá, một lòng tôn kính theo chiều dài lịch sử

 

Theo Vatican News, Giáo hội giữ một “ký ức sống” cho các lời và các trình tự của các ngày cuối cùng của Chúa Kitô là vì Giáo hội hiểu mỗi chặng đường ẩn giấu một huyền nhiệm của ơn sủng, một hành vi yêu thương cho Giáo hội.

Ký ức này là ký ức thánh thiêng, với Mình Máu Chúa Chúa Kitô đã đổ ra trên đồi Gôngôta, nhưng cũng là ký ức lịch sử qua các nơi Ngài đã chịu thương khó.

Chính vì vậy mà Giáo hội Giêrusalem đã sớm quan tâm đến các “Nơi Thánh” của sự Thương Khó Chúa Giêsu. Đã có các dấu vết địa chất xác nhận có sự thờ phượng Chúa Kitô ngay từ thế kỷ thứ 2 ở nơi chôn Ngài.

Vào cuối thế kỷ thứ 4, các tín hữu hành hương đã ghi nhận sự hiện diện của ba tòa nhà được dựng lên ở đồi Gôngôta: Tòa Anastasis, ngôi nhà thờ nhỏ của thập giá – ad crucem – và ngôi nhà thờ lớn – Martyrium. Các người quan sát này cũng ghi nhận, có những ngày có cuộc rước đi từ Anastasis đến Martyrium.

“Đặc ân lớn và cũng buồn” của Giêrusalem

Vào thời đó, người ta không nói đến đàng thánh giá via crucis cũng như đường thống khổ via dolorosa. Nhưng có những bài hát riêng, và đây là một “hình thức phôi thai” cho Đàng thánh giá sau này. Do đó Giêrusalem là thành phố của đàng thánh giá lịch sử. Đây cũng là một “đặc ân lớn và buồn” cho Giêrusalem, thời Trung cổ người dân mến mộ các Nơi Thánh đến mức họ muốn tổ chức lại trên chính miền đất phương Tây của mình. Và đó là những gì mà những người sau khi đi hành hương Giêrusalem trở về đã làm. Địa danh nổi tiếng là vùng bảy nhà thờ Thánh Stêphanô ở Bologne, nước Ý.

Ý nghĩa hiện nay của Đàng thánh giá có từ cuối thời Trung cổ. Nhưng Thánh  Bernard ở thế kỷ 12, rồi Thánh Phanxicô ở thế kỷ 13 cũng như Thánh Bônavăntura đã chuẩn bị cho miếng đất này qua lòng kính mến sự Thương Khó của Chúa Giêsu Kitô của các ngài.

Bầu khí thiêng liêng này giải thích cho sự nhiệt thành của các cuộc Thập tự chinh, họ muốn lấy lại Mộ Thánh từ tay của các người hồi giáo từ khi Saladin lấy lại thành Giêrusalem năm 1187. Nhưng cũng do sự tái sinh các cuộc hành hương khởi từ thế kỷ 12 này, với sự hiện diện ổn định của các tu sĩ Phanxicô ngay từ năm 1233. 

Thánh Leonard của Port-Maurice, người cổ động lớn lao

Lòng kính mến này nảy sinh từ cuộc gặp gỡ của nhiều người có cùng lòng kính mến và được lan rộng từ thế kỷ thứ 15, nhất là ở Hà Lan và ở Đức với sự sùng kính con đường khổ nạn của Chúa Kitô và khi hạ xác Chúa Kitô từ thập giá xuống, họ đã đi hành hương giữa bảy nhà thờ này để nhớ cuộc Thương Khó của Chúa Kitô.

Hình thức truyền thống đi đàng thánh giá 14 chặng có ở Tây Ban Nha từ thế kỷ thứ 17, thường thường trong các nhà Dòng Phanxicô. Sau đó qua vùng Sardaigne, nước Ý, khi đó còn dưới quyền đô hộ của Tây Ban Nha và sau đó là qua toàn nước Ý. Một trong những người sốt sắng cổ động nhất là Thánh Leonard của Port-Maurice (1676-1751) vào thế kỷ 18. Thánh Leonard là tu sĩ Dòng Phanxicô, ngài nổi tiếng đã dựng 572 đàng thánh giá, kể cả Hí trường Côlisê theo lời xin của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XIV năm 1750, để kính nhớ Năm Thánh.

Vào thế kỷ 20, Đức Phaolô VI đã phục hưng truyền thống đàng thánh giá ở Hí trường Côlisê. Kể từ năm 1985, Đức Gioan-Phaolô II xin từng nhân vật soạn lời suy niệm cho từng chặng, trong đó có nhà văn Pháp André Frossard. Trước đó, các bài suy niệm được trích từ Sách Thánh hay do các tiến sĩ Giáo hội viết.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

1201    31-03-2018