Sidebar

Thứ Bảy
20.04.2024

Đảo ngược giá trị

Thứ Ba Tuần V Mùa Thường Niên Năm lẻ

 ĐẢO NGƯỢC GIÁ TRỊ

St 1, 20 - 2, 4a; Mc 7, 1-13

Nhiều tôn giáo lấy việc tẩy rửa làm một trong những nghi thức linh thiêng của Ðạo. Chẳng hạn người Ấn giáo tắm ở sông Hằng trước khi vào tế tự ở đền thờ, hoặc các thành viên Cộng đoàn Qumrân thời Chúa Giêsu lấy việc tắm rửa hằng ngày để diễn tả thái độ sẵn sàng của mình cho ngày Ðấng Mêsia đến; ngay cả Gioan Tẩy giả cũng coi việc dìm người xuống dòng sông Giođan rồi trồi lên khỏi nước như cử chỉ nói lên sự hoán cải tâm hồn, sẵn sàng gia nhập đoàn dân mới của Thiên Chúa khi Ngài ngự đến.

Người Do thái còn đi xa hơn đến mức đưa nghi thức tẩy rửa ấy vào từng chi tiết đời sống thường ngày, như rửa tay trước khi ăn, rửa chén đĩa, bình lọ...  Với người Do thái, việc rửa tay trước khi ăn, rửa chén bát, đồ dùng,… không chỉ nhằm giữ vệ sinh nhưng trên hết là giữ truyền thống của tiền nhân. Đó là những giáo lý, quy định do các bậc thầy Do Thái đề ra[1]. Những nghi thức thanh tẩy này là phương thế giúp dân tiến gần đến Thiên Chúa và phụng sự Ngài cách xứng hợp hơn. Thế nhưng, các lãnh đạo Do thái lại coi chúng là luật buộc và đặt ngang hàng với điều răn Thiên Chúa. Khi tuân giữ cẩn thận những qui tắc này, họ cho rằng đã chu toàn bổn phận thờ phượng Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã chống lại thứ tôn giáo méo mó chỉ lo tuân giữ một loạt lề luật do con người đặt ra. Việc thờ phượng Thiên Chúa như thế trở nên vô ích vì: "Nó sùng kính Ta cách giả dối, bởi vì nó dạy những giáo lý và những luật lệ loài người" (Mc 7,7). Từ đó, Đức Giêsu mời gọi ta thờ phượng Thiên Chúa cách đích thực.

Cái sai lầm lớn nhất của bọn Biệt phái và luật sĩ, theo tôi nghĩ, đó là họ đã đảo lộn bậc thang giá trị. Lấy cái phụ làm chính và lấy cái chính làm phụ. Họ tuân giữ những tập tục của cha ông mà quên đi giới luật của Thiên Chúa. Họ bám víu vào những nghi thức bên ngoài mà quên đi tình mến bên trong.

Tin Mừng hôm nay kể lại cuộc đối chất giữa Chúa Giêsu và những người Biệt phái về vấn đề tập tục của tiền nhân. Ðối với người Do thái, việc rửa tay, rửa chén đĩa, rửa thực phẩm, không chỉ là một biện pháp vệ sinh nhằm phòng bệnh, mà còn là một nghi thức tôn giáo nói lên ước nguyện trở nên thanh sạch để có thể hiệp thông với Thiên Chúa là Ðấng Thánh.

Ðây là điều tốt, nhưng người Biệt phái đã quá vụ hình thức mà bỏ quên điều thiết yếu, họ phán đoán một người tốt hay xấu dựa trên những hình thức bên ngoài. Chúa Giêsu đã trả lời cho thái độ vụ hình thức ấy như sau: "Các ông gạt bỏ giới răn của Thiên Chúa qua một bên, mà duy trì truyền thống của người phàm". Chúa Giêsu muốn cho thấy các việc làm bên ngoài ấy, dù có tính cách tôn giáo đến đâu, cũng không thể thay thế cho một việc khác quan trọng hơn. Ðiều quan trọng là sự thanh sạch của tâm hồn, chứ không phải việc rửa tay, rửa vật dụng bên ngoài; đừng lẫn lộn tập tục của truyền thống phàm nhân với lề luật do chính Thiên Chúa ban bố.

Những người Biệt phái và Luật sĩ trong đạo Do Thái cũng giữ đạo theo hình thức như thế. Họ rất trọng những lề luật theo hình thức bề ngoài. Họ cho rằng giữ những hình thức bề ngoài là đủ. Theo họ, đạo là lề luật. Giữ trọn lề luật là giữ đạo. Đặc biệt là luật thanh sạch. Người Do Thái có nhiều cấm kỵ ô uế. Bị coi là ô uế những người mắc bệnh phong, những người phụ nữ sau khi sinh con, người ngoại đạo. Ai tiếp xúc với những người ô uế sẽ bị lây nhiễm ô uế. Ngay cả những đồ vật bị người ô uế động đến cũng trở thành ô uế. Ai động đến những đồ vật đã bị ô uế cũng sẽ bị lây nhiễm ô uế. Ô uế là tội lỗi. Những người bị ô uế sẽ không được dâng lễ vật cho Chúa. Để tránh ô uế, người Do thái luôn rửa tay, rửa bát bên ngoài cho sạch.

Chúa Giêsu chê trách họ là giả hình. Vì họ chỉ lo giữ sự trong sạch bề ngoài mà không lo giữ sự trong sạch bề trong. Họ lo rửa tay chân mà không lo rửa lương tâm. Họ sợ tiếp xúc với người bệnh nhưng họ vẫn ấp ủ những ý đồ xấu xa trong tâm hồn. Có lần Đức Giêsu đã sánh ví họ với những mồ mả, bên ngoài thì tô vôi, sơn phết đẹp đẽ, nhưng bên trong thì đầy xương cốt hôi hám xấu xa. Vì quá chú trọng đến những luật lệ tỉ mỉ bên ngoài, họ biến đạo thành một mớ những nghi thức trống rỗng vô hồn. Đọc kinh cho đủ bổn phận mà không cầu nguyện. Ăn chay để giữ đúng luật hơn là để hạn chế tính mê tật xấu. Làm việc bác ái để phô trương hơn là để chia sẻ với người anh em cơ nhỡ. Tệ hại nhất là họ giữ đạo mà không thật lòng yêu mến Chúa. Nên hôm nay, Đức Giêsu đã nặng lời chỉ trích họ: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta”.

Chúa Giêsu nhắc đến trường hợp những người Do thái nhân danh tập tục dâng cúng một số của cải vào Ðền thờ, gọi là copan, nghĩa là lễ phẩm đã dâng cho Chúa, để rồi biện minh cho sự thiếu sót bổn phận đối với cha mẹ. Tập tục dâng cúng là do con người, thảo kính cha mẹ là lệnh truyền của Thiên Chúa, thế nhưng trong trường hợp vừa kể, vì tinh thần sống vụ hình thức, những người Biệt phái đã bỏ luật của Thiên Chúa để tuân giữ tập tục loài người.

Ngày hôm nay, người Kitô hữu cũng đang bị cám dỗ tôn thờ Thiên Chúa cách hình thức, giả tạo còn lòng trí thì ở xa Ngài; bị cám dỗ bằng lòng với việc giữ đạo cách tối thiểu chỉ để lương tâm yên ổn… Do đó, lời khiển trách của tiên tri Isaia năm xưa: "Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta" (Mc 7,6; x. Is 29,13) vẫn còn giá trị. Đức Giêsu mời gọi ta tôn thờ Thiên Chúa cách chân thực, tận đáy lòng. Sự thờ phượng đích thực đòi buộc ta chọn giáo huấn của Đức Kitô làm kim chỉ nam hướng dẫn cuộc sống mình. Dù nhiều khi, việc chọn lựa này đòi hỏi bản thân phải chịu hy sinh và lội ngược dòng. Nhưng khi nỗ lực yêu mến và sống Lời Chúa, ta đang trở nên người môn đệ chân chính của Ngài. Đồng thời, ta cần đón tiếp Chúa Giêsu vào trong cuộc đời mình. Ngài sẽ thanh tẩy cõi lòng, tâm tư và tình cảm của chúng ta nên thánh thiện, tinh tuyền, xứng đáng thờ phượng Thiên Chúa (x. Rm 12,1).

Lời Chúa hôm nay mặc khải cho thấy Danh và Sự Hiện Diện của Thiên Chúa có thể được “sử dụng” tốt hay xấu là tùy vào ý đồ của con người, như được phản ảnh,trước tiên, trong Mc 7, 1-13 : ở đây, cho thấy việc các người Biệt Phái và Kinh sư, vì tham lam tiền của, đã “sử dụng” sai Danh của Thiên Chúa trong tập tục “korban” (của cúng) [“Còn các ông, các ông lại bảo : ‘Người nào nói với cha mẹ rằng : những gì con có để giúp cha mẹ đều là “korban”, nghĩa là lễ phẩm đã dâng cho Chúa rồi, và các ông không để cho người ấy làm gì để giúp cha mẹ nữa.” (7, 11-12)]…

Hôm nay, lời Chúa mời gọi mỗi người chúng ta trở về với điểm căn bản: hãy đặt Chúa vào chỗ thứ nhất và tuân giữ giới răn của Ngài. Chúa không chủ trương phá bỏ hình thức lễ nghi cơ cấu, nhưng chỉ muốn đặt chúng vào đúng vị trí. Xin cho chúng ta biết trân trọng và thực hiện điều chính yếu mà Chúa đang chờ đợi chúng ta, thay vì cứ loay hoay với những điều phụ thuộc do loài người đặt ra.

CTV Truyền thông Vĩnh Long 

 

 

 

 

1286    06-02-2017 19:59:00