Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Dấu chân truyền giáo

Dấu chân truyền giáo
                     
           
Cuộc đời con người đều phải trải qua những bước thăng trầm vui, buồn, giận hờn, ghen ghét, yêu thương. Cuộc sống đều để lại cho con người biết bao nhiêu là kỉ niệm, dấu ấn cho đời. Tôi  cũng vậy, cuộc đời nó cũng đã trải qua những bước ngoặc trong đời sống dâng hiến với những dấu ấn khó phai.

           
Bước vào đời tu khi tôi đã trải qua cuộc sống mưu sinh bon chen giữa đời. Trong phút chốc dường như cuộc sống không làm tôi thoả mãn. Một niềm khao khát nào đó trong tôi “Hãy theo Thầy” (Ga 21,19). Tôi chọn con đường tu là lẽ sống đích thực. Đời sống dâng hiến cứ lặng lẽ trôi và giờ đây tôi đã chính thức thuộc trọn về Hội Dòng qua ba lời khuyên Phúc âm: khó nghèo, vâng phục và khiết tịnh. Khi nhìn lại về hành trình ơn gọi, tôi thầm cảm ơn Chúa đã thương chọn gọi và đồng hành với tôi trên mọi bước đường. Khi nhìn lại quãng đường ơn gọi, tôi nhớ nhất là khi được đặt chân lên vùng đất truyền giáo. Một kỉ niệm khó quên và sẽ tiếp tục trên hành trình ơn gọi của tôi.

           
Ở nơi đây, tôi như được sống lại với xã hội không bon chen, đố kỵ hay hận thù nhau. Tôi cảm nghiệm lời Kinh Thánh được thể hiện rõ nơi những con người chân chất, mộc mạc, đúng như lời Chúa dạy: “Mến Chúa và yêu người thân cận như chính mình” (Mt 22,37.39). Ở đây, tôi cảm nghiệm rằng mình được nhận nhiều hơn là cho.

           
Với hoàn cảnh khó khăn và ít nhà thờ so với vùng đất bao la rộng lớn này thì việc biết đến Chúa quả là điều khó khăn khi truyền giáo cho anh em dân tộc. Như Chúa Giêsu cũng đã nói: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”(Lc 10,2). Khi được bước chân lên đây, tôi được nghe kể rất nhiều về cha Tín và đã đươc gặp trong một lần Cha dâng lễ. Được trò chuyện với Cha về những bước đầu đặt chân lên vùng đất này, tôi rất cảm kích Cha đã hy sinh cả cuộc đời để đem Chúa đến cho các anh em dân tộc. Trong tôi bừng lên ngọn lửa yêu mến và quyết tâm dùng hết những gì Chúa trao ban để phục vụ việc truyền giáo. Và về sau, tuy đã có một số cha lên phục vụ và truyền giáo nhưng vẫn không đủ, và cũng đã có nhiều cha không đủ sức sống ở vùng đất này bởi thời tiết khắc nghiệt, với những ai nếu không có lòng yêu mến thì sẽ không đủ khả năng dấn thân cho công việc đầy khó khăn này.

           
Tôi lên đây sống cũng vậy, với thời tiết giá buốt và cả những lần đi vào làng xa xôi, gập ghềnh nhưng với lòng yêu mến anh em dân tộc, tôi cố gắng và loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực để tiếp tục đến với họ, tuy vất vả nhưng tôi cảm nhận được niềm vui.

           
Cái cảm giác hạnh phúc trào dâng khi sống cùng với anh em dân tộc. Điều làm tôi thích thú và ấn tượng là khi được tham dự thánh lễ với bộ lễ của người Gia Jai, cảm nghiệm một niềm khao khát Chúa mãnh liệt nơi anh em dân tộc, làm cho tôi thấy được niềm vui khi tham dự thánh lễ mà bấy lâu rồi cho chưa có cảm giác gần Chúa như vậy. Đó cũng là nét văn hoá độc đáo của họ, được hát và nhảy múa mọi lúc, mọi nơi. Ngay cả trong thánh lễ họ cũng dâng lên Chúa tâm tình của họ qua việc múa xoan trong khi hát bộ lễ. Xen lẫn niềm vui ấy, tôi cảm nghiệm nơi họ một lòng yêu mến Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, hết trí khôn, như là một cuộc gặp gỡ Đấng là nguồn bình an, hạnh phúc và luôn yêu mến, chở che họ.

             
Nơi anh em dân tộc còn thể hiện lòng tín thác vào Chúa, tin tưởng vào Chúa không chút nghi ngại, lo lắng. Người lớn là thế thì ngay cả trẻ con cũng như vậy, các em thường thể hiện lòng tín thác qua việc các em yêu mến các ảnh tượng, tràng chuỗi mân côi và luôn mang theo bên mình. Qua những hình ảnh đó, tôi tự vấn lương tâm mình thử hỏi chính tôi có được một phần như họ. Nhìn họ, tôi học được về bài học mến Chúa và tôi mong sao khi sống  với họ, tôi sẽ kín múc được lòng yêu mến Chúa để có thể trao ban lòng mến Chúa cho mọi người xung quanh.

           
Không chỉ thấy nơi họ lòng mến Chúa, mà cả chính con người họ thể hiện lòng mến Chúa qua những người mà họ gặp gỡ. Không phải chỉ thân quen hay đã từng giúp đỡ mà họ mới trả ơn và giúp đỡ mà ngay cả những người xa lạ, họ cũng cư xử cách thân thiện, gần gũi. Họ thể hiện bằng cách sẽ để dành một phần thức ăn nhỏ cất đi để cho những ai lỡ đường ghé vào và khi đêm về, dù là người xa lạ, họ vẫn để một chỗ trong nhà cho người khách lạ đó. Chỉ nghe đến đây, tôi đã cảm nhận tình yêu thương đồng loại nơi anh em dân tộc. Họ tuy nghèo nhưng lòng lại bao la. Họ không văn minh, sạch sẽ nhưng lòng họ lại rất ngay thẳng, chân chất: có sao nói vậy.

           
Thân thương nhất nơi họ là cử chỉ bắt tay khi khách đến thăm và ra về. Cái bắt tay làm xóa đi sự ngăn cách giữa người với người, xóa đi sự ngại ngùng khi chưa quen nhau và xoá đi cả những bất đồng về ngôn ngữ. Nhưng để thân thiện và hiểu hơn về họ thì tôi cũng phải học cách giao tiếp qua việc học ngôn ngữ của họ. Để không chỉ đến với họ chỉ là những cái bắt tay, những nụ cười mà còn là những cuộc trò chuyện hỏi thăm nhau.

          
  Không những thế, ấn tượng và thích thú nhất khi tôi được chơi đùa với các em dân tộc. Nhìn các em với nụ cười hồn nhiên, đơn sơ lòng tôi cảm thấy niềm vui. Khi nghe các em kể chuyện về xóm làng, về gia đình và cả những nỗi niềm của các em, tôi như là người chị ruột trong nhà vậy. Tuy không biết nhiều về tiếng Việt nhưng các em cũng hào hứng kể theo những gì các em biết. Tôi cố gắng nói chuyện với các em nhiều hơn để các em có nhiều vốn từ tiếng kinh để hỗ trợ trong việc học văn sau này. Tôi  cũng cố gắng học tiếng của các em để tạo sự gần gũi và các em cũng thích khi nó nói với các em bằng tiếng của các em.

        
Bằng cả con người và tinh thần, tôi đã sống hoà nhập và sống cùng với họ. Để rồi khi ra đi, tôi sẽ mang đi những ước mơ và cả những nỗi trăn trở của họ. 
Têrêsa Hoàng Anh         
1291    22-07-2018