Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Dạy con nói không


Tiếp xúc với những người nghiện rượu, thuốc lá, kể cả ma túy đều nghe họ kể nguyên nhân ban đầu thường là những lời nói khích từ người khác.

Tuổi trẻ rất hiếu thắng, một lời nói khích có thể làm hư hỏng cả một đời người. Do vậy, phụ huynh cần dạy con ý thức để “miễn nhiễm” với thói hư tật xấu bằng cách nói không trước những xúi giục của bè bạn.

Để “ra dáng đàn ông”

Anh Nguyễn Thanh Liêm, 30 tuổi (Q3) hiện bị bệnh AIDS. Nhắc về “đêm định mệnh” khiến mình sa vào heroin, anh cay đắng: “Tối hôm đó tụi tôi đang ngồi ca hát trong hẻm. Một người xóm trên đến nhập hội. Đến khuya, anh này mở một gói nhỏ và rủ chúng tôi hít. Anh ấy thách thức. Đứa nào không hít anh chửi đồ hèn, không ra dáng đàn ông. Chúng tôi tự ái và cuối cùng đều vướng vào heroin”.

Nhiều thanh niên bỗng một hôm phì phà điếu thuốc trên tay. Hỏi ra mới biết trong một phút giây bị nói khích, đã “mạnh dạn” nhận điếu thuốc được đưa ra từ trong chiếc hộp đang mở một cách đầy mời gọi. Như trường hợp anh Phạm Văn Bền, 30 tuổi: “Anh họ tôi là một người ghiền thuốc nặng. Một hôm đang hút thuốc, thấy tôi, anh hất hàm hỏi hút không. Rồi thòng ngay một câu, cỡ như tôi làm sao dám hút. Tôi nóng máu bảo anh hãy đưa tôi hộp quẹt và châm ngay vào điếu thuốc vừa lấy từ bao thuốc của anh. Ban đầu tôi ho sặc sụa. Tức khí, tôi điều chỉnh lại hơi thở mình và dần dần quen với khói thuốc. Tôi tin mình khi cần sẽ bỏ thuốc được. Thế nhưng đã 15 năm qua, tôi không thể làm được việc đó”.

Anh làm không nhiều tiền lắm. Tiền thuốc hằng tháng chiếm của anh một phần đáng kể của lương công nhân. Nhiều lúc quá thèm thuốc mà không có tiền, anh phải làm mặt “lì” xin thuốc bạn bè, đồng nghiệp, có khi mót tàn thuốc trong các khay thuốc ở văn phòng từ những người hút dở. Anh nói phải chi ngày xưa có ai giúp vượt qua thứ tự ái “rởm” để vượt qua những câu nói khích của người anh họ.

Mỗi lần về trường dự ngày Nhà Giáo, tôi không khỏi bất mãn khi đồng nghiệp nam kỳ cựu cứ ép các thầy mới ra trường uống bia rượu với những câu như: “Đàn ông không uống rượu vậy ngày mai mặc áo dài đứng lớp nhé”. Tôi để ý chỉ cần các đồng nghiệp khác tiếp thêm vài câu là những giáo viên trẻ tức khí uống ngay ly bia hoặc cốc rượu để sẵn.

Tự ái đúng lúc

Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, 55 tuổi (Q1) kể ngay từ nhỏ bà luôn dạy con chỉ tự ái khi mình lười học hơn bạn. Nhưng có những trường hợp không nên tự ái. Thí dụ như đánh nhau, quay cóp bài trong lớp, chửi thề, nói tục... Con lớn lên chút, bà dạy nên mạnh dạn nhận mình dở trước những lời nói khích uống rượu, hút thuốc, hít heroin.

Nhờ vậy hai người con trai của bà dù đã tốt nghiệp đại học, có công ăn việc làm nhưng không hút thuốc, nhậu nhẹt. Anh Trần Nguyễn Thanh Nam, 30 tuổi, con bà Nhung cho biết: “Từ nhỏ, ba mẹ tôi dạy cứ nhận mình dở mình hèn trong những cuộc vui nhậu nhẹt, hút hít. Ai chê cũng cười. Ai nói mình là phe mặc váy cũng cười... Dở cái gì chứ dở những tệ nạn là điều đáng hãnh diện”.

Cũng với quan điểm giáo dục trên, anh Dương Nguyễn Truyền (Q4) kể anh không hề thấy bị xúc phạm khi nghe bạn bè đồng nghiệp dè bỉu do những lời từ chối chè chén rượu bia sau giờ làm, hoặc đốt thuốc lá lúc làm việc. Với mức lương trên 10 triệu/ tháng mà anh vẫn không hề chịu bỏ 1.000đ cho những thứ có cồn và chất nicotine.

Nhiều phụ huynh cứ chăm chăm sợ con vướng vào các chất gây nghiện mà không hề nghĩ ra cách giúp con một “áo chống đạn” hữu hiệu. Đó là mạnh dạn từ chối khi được mời, cương quyết quay lưng khi bị ép buộc, và mỉm cười khi bị nói khích, thậm chí bị mạt sát là người “cõi trên”. Tất cả phải tùy vào độ “rèn luyện” con cái có sức chống đỡ những khích bác để vượt qua cám dỗ.

Người ta thường dựa vào câu “nam nhi vô tửu như kỳ vô phong” nhưng câu đó hoàn toàn không đúng với những người đàn ông có ý thức trách nhiệm. Trong lần tham gia cầu nguyện tại một giáo xứ thuộc quận 3, tôi gặp Tấn Phong, 42 tuổi. Ông chỉ cười khi bị khích uống rượu: “Ba cái rượu tôi dở lắm. Uống một chút là nói linh tinh lang tang. Tốt hơn muốn giữ tư cách thì không nên uống”.

Người dân các nước phát triển rất ý thức khi uống bia rượu. Tham dự nhiều tiệc sinh nhật, thậm chí đám cưới của người Mỹ, Anh, tôi thật ngạc nhiên khi thấy họ chỉ uống chút rượu nho rồi sau đó chỉ dùng nước ngọt, nước suối. Việt Nam thì thuộc nhóm hàng đầu thế giới về tiêu thụ rượu bia, chưa kể đến thuốc lá và nhiều thứ khác. Phụ huynh cần dạy con cách từ chối và dửng dưng trước những lời nói khích để tránh vướng vào những thứ vừa phí tiền vừa hại nhiều đến sức khỏe.

NGUYỄN NGỌC HÀ

1578    30-11--0001