Sidebar

Thứ Bảy
20.04.2024

Di cư muộn

 

Chúa Giêsu nói rằng nếu chúng ta theo Ngài thì đau khổ và thập giá sẽ chờ chúng ta.

Thông điệp này luôn bị hiểu lầm. Có lẽ chúng ta sẽ hiểu hơn nếu Chúa Giêsu nói: Các con càng nhạy cảm thì nỗi đau sẽ càng thấm vào cuộc sống của con. Như thế thì chúng ta hiểu được mối liên kết giữa hai chuyện. Những người nhạy cảm bị đau khổ sâu đậm hơn, cũng như họ ngấm hơn niềm vui và vẻ đẹp của cuộc sống. Nỗi đau xâm nhập vào họ sâu đậm hơn cũng cùng một nghĩa đó. Họ rộng mở với chuyện này. Như thể họ tránh được sự nhẫn tâm bằng nỗi đau sâu đậm cũng như niềm vui sâu xa.

Trong bối cảnh này, tôi xin giới thiệu với độc giả quyển sách mới của bà Margaret Renkl, Di cư muộn – Lịch sử tự nhiên của tình yêu và của  mất mát (Late Migrations: A Natural History of Love and Loss).

Quyển sách này cho thấy một sự nhạy cảm hiếm có. Một số người có năng khiếu về trí tuệ, người khác về mặt nghệ thuật, người khác nữa về mặt lãng mạn và tình cảm. Renkl có năng khiếu với tất cả những điều này; đặc biệt với trí thông minh cảm xúc bà phối hợp với khiếu thẩm mỹ tinh tế của một nghệ sĩ và sau đó kết hợp cả hai với kỹ năng của một nhà văn tài năng bẩm sinh. Tất cả tạo một tổng hợp tốt đẹp. Nội dung chỉ là một phần của món quà quyển sách này. Ngoài thông điệp của nó, quyển sách còn là một tác phẩm tuyệt vời và cũng là một tác phẩm nghệ thuật hay.

Nhưng đây cũng là một quyển sách về đức tin, mặc dù Renkl không nói lên một cách rõ ràng. Bà viết chủ yếu như một người theo chủ nghĩa tự nhiên, một người hành hương thành thị tại Tinker Creek, một người mê thiên nhiên, dành nhiều thời gian cho nó, hiểu rõ tính cách hào phóng và sự tàn ác bẩm sinh của nó, và cũng hiểu các tàn khốc này (đâu đó trong thiên nhiên có vẻ như dễ tìm và dễ lấy) được kết nối với các lực sâu thẳm nhất ẩn ngầm trong trọn sự sống, kể cả cuộc sống của chính chúng ta. Bà chia sẻ tính cách phức tạp nhất định với nhà cổ sinh vật học thần nghiệm vĩ đại, linh mục Dòng Tên Pierre Teilhard de Chardin, người thích nói mình sinh ra với hai tình yêu không thể chữa được, một tình yêu tự nhiên của thế giới lương dân với tất cả những vẻ đẹp của nó và một tình yêu mạnh mẽ không kém, tình yêu thần nghiệm cho thế giới bên kia, có nghĩa là Chúa đàng sau thế giới này. Tuy nhiên, ngược với Teilhard, người rất rõ ràng về ý thức của mình về Thiên Chúa và trọng tâm của đức tin, đức tin của Renk thì còn phôi thai, dù trong hiểu biết của bà, bà rất hiểu về thiên nhiên và cách bà chạm vào ngón tay của Chúa trong các câu chuyện bà chia sẻ.

Quyển sách này là một tập hợp các bài tiểu luận ngắn, xen kẽ các mô tả thẩm mỹ tuyệt vời về đời sống các con chim bà nuôi và các khu vườn  bà có khuynh hướng mô tả một cách nhạy cảm, cũng như đời sống của chính bà và của gia đình bà, đặc biệt là về sự mất mát và đau buồn đan xen với tình yêu. Một vài ví dụ:

Về các thiếu sót của chúng ta trong cuộc sống: “Con người là những sinh vật được tạo ra cho niềm vui. Hiển nhiên ngược lại, chúng ta cho rằng đau buồn, cô đơn và tuyệt vọng là bi kịch, là biến thể không mong muốn của niềm vui, yên lặng và an toàn mà theo cách đúng đắn, sẽ tạo nền tảng vững chắc cho chúng ta”.

Về các bài học rút ra từ việc quan sát thiên nhiên: “Mỗi ngày thế giới dạy cho tôi những gì tôi cần để biết để có mặt trong thế giới này”.

Về cách tình cảm tạo nên lòng trắc ẩn một chiều: “Câu chuyện của em bé người Syria bị chết đuối trôi dạt trên sóng đã làm cho chúng ta thức giấc nửa đêm với cõi lòng đau buồn. Câu chuyện về bốn triệu người tị nạn trốn khỏi Syria có vẻ như đây chỉ là vấn đề con số”.

Còn về vẻ đẹp và sự tàn khốc của thiên nhiên: “Bên trong tổ chim, các con chim con thoát được nanh vuốt của diều hâu, của mưa gió, được bảo vệ khỏi con mắt sắc nhọn của con quạ và cái lưỡi khủng khiếp của chim gõ kiến bụng đỏ. (Nhưng…) Bên trong tổ chim, các con chim con bất lực, mong manh với cơn giận dữ của mặt trời mùa hè, của mỏ con chim sẻ. Bị chắn lối tứ phía trong tổ chim nhỏ của mình, các con chim con là bữa ăn ngon của con rắn muốn ăn lúc nào thì ăn”.

Về việc chăm sóc người thân yêu lớn tuổi cho đến khi họ chết: “Kết thúc việc chăm sóc là tự do. Kết thúc việc chăm sóc (cũng) là đau buồn.”

Khi trả lời cho một phụ nữ ám chỉ bà là kẻ hèn nhát, Renkl là người rất sợ mất người thân: “Tôi tự hỏi liệu bà ấy đã từng, dù chỉ một lần, yêu ai đủ để sợ một chuyện mất mát như vậy không, nhưng suy nghĩ này cũng xấu như ý của bà ấy, và dù sao thì bà ấy cũng không sai”.

Tu sĩ nhà văn Richard Rohr gợi ý rằng chúng ta mãi mãi phải đối phó với sự thật vừa của nỗi đau nặng nề vừa của tình yêu vĩ đại. Trong quyển sách này, bà Renkl chia sẻ làm thế nào mà mẹ bà, người phụ nữ trong một số lãnh vực cho thấy bà có một năng lực, một lòng nhiệt tình phi thường nhưng đôi khi phải chịu đựng những giai đoạn trầm cảm và bản thân bà cũng không tránh được. Có một lô-gic cho rằng, cũng như Chúa Giêsu, những người nhạy cảm thấm đậm những chuyện rất sâu xa, cả đau khổ cũng như tình yêu, đau khổ có thể làm bạn bị tê liệt cũng như tình yêu có thể cho bạn năng lực và niềm say mê phi thường.

Quyển sách xứng đáng để đọc.

Marta An Nguyễn dịch

579    09-09-2019