Sidebar

Thứ Ba
19.03.2024

Di dân: “Giá trị đúp của hội nhập”


Đọc thư của Đức Phanxicô về vấn đề di dân

Ngày 21 tháng 8, trong một cuộc phỏng vấn với Radio Vatican tiếng Ý, linh mục Fabio Baggio, phó thư ký phân bộ “Người di dân và tị nạn” của Bộ Phát triển Con người Toàn diện nhấn mạnh đến “giá trị đúp của hội nhập”, không những quan tâm đến “người di dân hội nhập, nhưng cũng quan tâm đến người bản xứ hội nhập với người di dân”.

Linh mục giải thích bức thư của Đức Giáo hoàng dành cho Ngày Thế Giới di dân và tị nạn sẽ cử hành vào ngày 14 tháng 1 năm 2018 sắp tới với chủ đề “Đón nhận, bảo vệ, cổ động và hội nhập”.

Linh mục Baggio ghi nhận: “Giáo huấn xã hội của Giáo hội hướng dẫn chúng ta, khởi đi từ giáo dục, một giáo dục về tính khác biệt và về sự nhận biết người khác như một giá trị tăng thêm vào cho cuộc sống chúng ta, chỉ dẫn cho chúng ta con đường để thành tựu hóa con người theo chương trình hoạch định của Chúa”.

Linh mục giải thích: “Đón nhận, là làm thế nào để người di dân có các phương tiện khác nhau, chắc chắn và hợp pháp, hơn là những gì mà ngày nay các tổ chức buôn người, các tổ chức mafia địa phương làm. Đáng tiếc thay, thường thường những người này không thể nào có được các con đường hợp pháp. Đặc biệt ở đây, đó là những người đi trốn các cuộc xung đột, các bách hại, các chiến tranh, trốn các hoàn cảnh bất an, một số người còn đi trốn vì nạn nghèo đói cùng cực, thiếu tất cả mọi sự để có một cuộc sống cơ bản”.

Linh mục Baggio nói tiếp: “Khi nói đến vấn đề nới rộng các đường dây hợp pháp, Đức Giáo hoàng nói đến các kinh nghiệm để có thể giải quyết tình trạng ngày hôm nay:  cấp chiếu khán nhập cảnh nhân đạo hay chiếu khán mà ở Ý gọi là ‘bảo trợ thêm’. Sự mở rộng các chiếu khán này phải được làm trước khi vượt biển hay băng sa mạc. Và cũng phải có một khả thể thực hiện được trong vùng đất khởi phát hay trong vùng đất đầu tiên tạm cư, chẳng hạn trại tị nạn của xứ láng giềng”.

Linh mục Baggio khẳng định, Đức Phanxicô chống các vụ “trục xuất hàng loạt” người di dân vì trong trường hợp này, “người di dân không được trình bày trường hợp cá nhân của mình, những vụ này thường được làm một cách qua loa và thường xuyên được làm theo ý của người làm hồ sơ dựa theo các công thức trục xuất, mà không có xác minh hiệu quả, nhất là không có một khả năng nào để kháng cáo”. Linh mục Baggio nhấn mạnh, các vụ trục xuất này phải được bãi bỏ.

Trong thư của mình, Đức Phanxicô giải thích, “phải nỗ lực có các biện pháp khác nhau về việc giam giữ”. Linh mục Baggio nêu rõ: “Nạn quan liêu giấy tờ và thủ tục hành chính là một trọng tội, sự việc không có chiếu khán, không có được giấy phép, không có giấy thị thực nhập cảnh không được dẫn đến tù tội. Có những biện pháp xen kẻ rất có giá trị, có những cách thực hành đặc biệt cho các trẻ em còn nhỏ, mà chúng tôi luôn yêu cầu không được dùng biện pháp giam giữ để phòng ngừa”.

Khi nhắc đến trường hợp của nước Ý, linh mục Baggio nói đến “có các sự hợp thức hóa rất đặc biệt” đôi khi còn được gọi là “đặc xá”, nhưng luôn luôn là các vụ hợp thức hóa phi thường, cho thấy có thể giải quyết vấn đề giấy tờ này bằng một hình thức giấy tờ khác. Ở đây không có tội phạm, vì thế không cần đến việc giam giữ”.

Linh mục Baggio giải thích, Đức Phanxicô mong muốn có sự tôn trọng quyền để có một quốc tịch: “Đức Phanxicô đề cập một cách đặc biệt đến những người không có quốc tịch và những người chưa được có quốc tịch khi sinh ra. Đối với tất cả các trẻ em khi sinh ra, phải cho các em được có quốc tịch của cha mẹ nếu cha mẹ các em yêu cầu, và nếu họ quyết định một cách khác, thì các em phải có quốc tịch của nước nơi các em sinh”.

Linh mục luôn nhắc đến trường hợp của nước Ý, ngài nhấn mạnh: “Giáo hội Ý, một cách đặc biệt, thuận cho quyền có quốc tịch nơi đất mình sinh ra, quyền này có thể cùng tồn tại với quyền quốc tịch của cha mẹ”.

Để kết luận, linh mục Baggio cho biết, hai Hiệp ước thế giới về người tị nạn và di dân của bộ soạn thảo sắp được Liên Hiệp Quốc chuẩn chi, dự trù vào năm 2018. Linh mục giải thích: “Từ ngày 1 tháng 1, chúng tôi đã có nhiều cuộc gặp với Đức Giáo hoàng, đó là các cuộc gặp hàng tháng, để tìm mô thức cho các tiến trình dẫn đến các Hiệp ước thế giới này. Chúng tôi đã hoàn thành 20 điểm hành động, gồm một loạt chỉ dẫn rất thực tế đến từ kinh nghiệm của chính Giáo hội, các việc mà Giáo hội địa phương đã thực hiện tốt, để được gần sát với các đề nghị chúng tôi đưa ra”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Linh mục Fabio Baggio:

3304    25-08-2017