Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Đi thang máy

 

Tôi nhớ không nhầm thì Hà Nội bắt đầu phổ biến thang máy trong các toà nhà cao tầng được khoảng 20 năm có lẻ. Gần đây, khi hệ thống các chung cư giá rẻ của anh điếu cày mọc lên như nấm thì số lần đi thang máy của các anh chị trong một ngày đã nhiều hơn tổng số từ vợ chồng nói chuyện với nhau trong cùng khoảng 24 tiếng. Thế nên đừng ai nói với tôi là chưa quen đi thang máy nhé.

Nhưng theo sự quan sát của tôi thì đến bây giờ, người Việt vẫn gần như méo biết cách đi thang máy, hay nói đúng hơn là hoàn toàn mù tịt trong những quy tắc cơ bản mà rất cần thiết khi đi thang máy.

Vốn dĩ là một người đẹp zai nhất bbc, lại thêm tình thương mến bao la với thế giới đại đồng nên Gạch tôi sẽ phổ biến cho các anh chị một số kiến thức vỡ lòng.

Quy tắc số 1: Vào - ra thông thoáng

Để tránh việc húc đầu vào nhau hay gây tắc nghẽn ở cửa thang máy một cách rất củ chuối thì đề nghị các anh chị tuân thủ quy tắc: Ra đi thẳng, vào đi xiên.

 Người từ thang máy đi ra thì cần đi thẳng ra đến giữa hành lang rồi muốn rẽ sang phải hay sang trái tuỳ nhu cầu. Việc các anh chị đi ra đã vội vã rẽ để tiết kiệm 1-2 bước chân là điều hết sức sai lầm.

 Người từ ngoài chuẩn bị vào thang máy thì nên đứng xếp hàng hơi chéo về phía bên tay phải (hoặc 2 bên cửa thang nếu đông người - xem ảnh). Mục đích là để toàn bộ phần phía trước cửa thang máy cho người đi ra giải phóng nhanh.

 Một điều cũng rất quan trọng nữa là hãy đợi cho người ở trong thang máy ra hết rồi người ở ngoài mới được vào. Đừng aloxo đồ ngu ạ.

Áp dụng quy tắc ngày, luồng di chuyển của người vào và người ra không bao giờ đối đầu nhau và không bao giờ cản trở nhau, từ đó giúp cho việc đi thang máy của các anh chị nhanh chóng và thuận tiện hơn rất nhiều.

 Nên nhớ, chúng ta không phải là dê đen và dê trắng nên đừng tìm cách húc vào đầu nhau.

 Trong một vài năm tới, TP.HCM sẽ có tàu điện ngầm còn HN sẽ có tàu điện trên cao. Quy tắc ra thẳng vào xiên này cũng sẽ được áp dụng cho việc lên - xuống tàu điện.

Quy tắc số 2: Quay mặt về phía cửa

Cho dù vào thang máy trước hay sau thì hãy nhớ, sau khi đã bước vào, tất cả mọi người đều phải quay mặt về phía cửa thang.

 Sẽ chẳng dễ chịu tí nào nếu thằng mặt lá tre nào đó cứ chăm chăm soi vào mặt bạn hoặc càng điên máu hơn nếu có ánh mắt nào đó cứ quét lên, quét xuống vành tai của anh chị.

Việc tất cả cùng quay về phía ngoài cửa còn giúp chúng ta tránh được việc phải hứng trọn luồng hơi thở nồng nàn mùi tỏi hoặc mùi mắm tôm của ai đó thốc thẳng vào mũi.

 Không nghe tôi, các anh chị nôn ngay tại thang hoặc bị tẩn toé máu mũi thì cũng đừng trách người khác.

Quy tắc số 3: Ngừng nói chuyện hoặc giảm volume

 

Quy tắc này đặc biệt dành riêng cho các mẹ. Trong một không gian hẹp như cái thang máy thì câu chuyện của các mẹ không còn tí hấp dẫn nào mà nó sẽ là những mũi khoan xoáy thẳng vào màng nhĩ của người khác. Nếu không muốn đón nhận những ánh mắt mang hình viên đạn hay cái nhìn âu yếm toàn lòng trắng thì đề nghị các mẹ tạm dừng câu chuyện khi đã bước vào cửa thang máy.

 Nếu cần trao đổi nhanh để tiết kiệm thời gian, thì xin hãy hạ volume xuống mức thấp nhất có thể.

Quy tắc số 4: Đừng giữ cửa thang

Có một số người được dạy là khi đi thang máy thì cần giữ cửa thang mở rộng cho người vào sau đỡ bị cửa đập vào người. Điều này đúng nhưng chỉ đúng khi có ai đó đang mấp mé ngoài cửa mà thôi.

 Các bố, các mẹ ở VN hay có thói quen đi theo đàn và vô tư giữ thang máy thậm chí lên đến vài phút để đợi người trong nhóm mình "đi cùng cho nó vui" cứ như thể thang máy là của nhà các anh chị hay nó sinh ra chỉ để phục vụ anh chị.

Hãy nhớ, ở các tầng khác có những người khác cũng đứng mọc rễ để đợi cái thang máy đó. Chỉ vì 1 người chậm chạp mà bắt cả chục người khác cũng phải đợi theo thì bất lịch sự lắm lắm.

 Trong một số trường hợp đặc biệt, thậm chí các anh chị phải bấm cho cửa thang đóng càng nhanh càng tốt. Ví dụ: Thấy ai đó đang vội hoặc thấy ông/bà nào đó đang có biểu hiện bị Tào tháo đuổi, bị căng bàng quang quá mức... Cố giữ cửa thang máy trong những trường hợp này dễ bị ăn đấm lắm.

 

Quy tắc số 5: Để đồ xuống dưới chân

 Khi bước vào thang máy, nếu đang đeo balo hoặc cầm theo những đồ vật kích thước lớn, cồng kềnh thì làm ơn hãy để nó xuống dưới và kẹp giữa 2 chân.

 Tất nhiên, nếu chỉ cầm cái cặp tài liệu mỏng thì không cần phải kẹp vào chân mà ôm trước ngực là được rồi.

st 

 

 

725    08-03-2017