Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Điều gì có lẽ sẽ xảy đến trong thập niên 2020 này với Giáo Hội Công Giáo?

 

 
Điều gì sẽ xảy ra trong Giáo Hội trong thập kỷ đang đến? Chỉ có Thiên Chúa mới biết rõ, nhưng những điều đáng lưu tâm cũng đã nằm trước mắt. Sau đây là 10 điều rất có thể sẽ xảy ra trong 10 năm tới.

giaohoi.jpg

Bản đồ mật độ thay đổi

 

Nếu chiều hướng như hiện tại vẫn tiếp tục, Giáo Hội tăng trưởng 15 triệu linh hồn mỗi năm, thì số dân Công Giáo sẽ đạt trên 1,4 tỷ vào cuối thập niên 2020 (là con số lớn nhất trong lịch sử tồn tại). Phần lớn lượng gia tăng là ở châu Phi và Mỹ Latinh. Châu Á sẽ tăng 2 triệu tín hữu mỗi năm. Danh sách 10 nước đông dân Công Giáo nhất chắc chắn sẽ thay đổi. Cộng hoà Dân chủ Congo, hiện đứng ở vị trí thứ 10, chắc chắn sẽ tiến lên các thứ tự gần đầu bảng, trong khi đó Italy, Pháp và Tây Ban Nha sẽ đi xuống.

 

Đồng thời, Giáo Hội tại vùng Amazon cũng sẽ có những đổi mới theo sau các đề xuất tại Thượng hội đồng Giám Mục tháng 10/2019 vừa qua. Thượng hội đồng đã đề xuất nhiều giải pháp như phong chức linh mục cho các phó tế đã có gia đình để có nhiều thừa tác viên ban bí tích cho các cộng đồng vùng sâu vùng xa. Thế giới sẽ chứng kiến Công Giáo lấy lại vị thế ở vùng mà mình đã mất nhiều ảnh hưởng như thế nào.

 

Sự đàn áp Kitô giáo gia tăng

 

Theo tổ chức bác ái Open Doors, mỗi năm có trên dưới 4000 Kitô hữu bị giết hại vì đức tin, 2600 người bị kết án và 1200 nhà thờ bị tấn công. Kỳ thực, không có dấu hiệu gì để hy vọng con số này sẽ giảm trong 10 năm kế tiếp. Thay vì thế, nó có lẽ còn gia tăng vì những bất ổn chính trị toàn cầu. Vì không có cấp quyền lực bảo vệ, các cộng đồng Kitô hữu nhỏ bé ở Ai Cập đến Indonesia sẽ tiếp tục chịu đau khổ bách hại, từ hình thức kỳ thị đối xử đến giết chóc bạo lực. Ở Trung Quốc và Ấn Độ, 2 quốc gia đông dân nhất thế giới, tự do tôn giáo sẽ còn giảm nữa.

 

Lòng đạo đức bình dân trỗi dậy

 

Ngày 25/3 tới, lễ Truyền Tin, các Giám Mục sẽ tái dâng hiến nước Anh làm Di sản của Đức Maria. Hành động này là một bùng nổ lòng sùng kính Đức Mẹ kể từ đầu thiên niên kỷ đến nay, như có thể thấy từ sự kiện "Chuỗi Mân Côi quanh bờ biển" được tổ chức trên khắp thế giới.

Theo số liệu của Liên Hiệp Quốc, cứ 3 người đi du lịch thì 1 trong số đó là đi hành hương. Mỗi năm có 20 triệu người hành hương đền Đức Mẹ Guadalupe, 6 triệu người đi Lộ Đức và 300.000 người đến Camino, nơi lưu thánh tích của Thánh Giacôbê Tiền. Con số sẽ còn tăng trong thập niên này.

 

Gia tăng sử dụng Hình Thức Thánh Lễ Ngoại Thường

 

Có thể khó thống kê bằng con số, một bằng chứng sơ bộ cho thấy hình thức Thánh Lễ Ngoại Thường ngày càng được sử dụng nhiều hơn, nhất là giữa những người trung niên, kể từ khi Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI cho phép bằng tự sắc Summorum Pontificum vào năm 2007. Ở Hoa Kỳ, năm 2006 có 220 Thánh Lễ Latinh truyền thống được cử hành. 10 năm sau, con số này là 450. Nhiều dòng tu cũng bắt đầu sử dụng hình thức Thánh Lễ truyền thống, và ngày càng nhiều hơn. Có lẽ những người yêu thích hình thức Thánh Lễ này vẫn chỉ là thiểu số, nhưng sẽ tăng đáng kể vào cuối những năm 20 của thế kỷ 21.

 

Những chuyến tông du Giáo Hoàng đến chảo lửa

 

Đức Giáo Hoàng Phanxicô khá hăm hở muốn thăm các quốc gia tan nát trên thế giới. Ngài mở Năm Thánh 2015 tại Trung Phi. Năm 2020, ngài ước muốn đến Nam Suđăng, một quốc gia đa số Công Giáo đã không thấy điều gì khác ngoài chiến tranh kể từ khi được thành lập năm 2011. Đức Giáo Hoàng cũng muốn đến Irắc, một ước muốn từ khá lâu, khi điều kiện cho phép. Các điểm đến khác nữa có lẽ là Venezuela, Pakistan và thậm chí Bắc Triều Tiên. Những điểm đến an toàn khả dĩ nhất trong năm 2020 là đảo Sýp và Montenegro.

 

Bên cạnh đó, một quốc gia mà ngài khá chắc chắn sẽ không đến, đó là: Argentina, quê hương ngài.

 

Quan hệ với Trung Quốc

 

Khả năng một chuyến viếng thăm của Giáo Hoàng đến Trung Quốc là rất mỏng manh. Chắc chắn là Toà Thánh phải lo thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Bắc Kinh trước. Điều này có lẽ tốn mấy năm nữa, dù cho 2 bên đã có thoả thuận lịch sử vào năm 2018. Có rất nhiều ngăn trở, bao gồm cả quan hệ giữa Toà Thánh với Đài Loan, vùng lãnh thổ Toà Thánh vẫn công nhận chủ quyền quốc gia. Dù sao, những khó khăn này có thể sẽ được giải quyết trong vòng 10 năm tới.

 

Một mật nghị bầu Giáo Hoàng mới

 

Với lòng tôn kính Đức Thánh Cha đương kiêm, hầu hết người Công Giáo sẽ không muốn nghĩ đến mật nghị kế tiếp. Nhưng dù sao đi nữa, khá chắc chắn là mật nghị bầu Giáo Hoàng sau sẽ xảy ra trong thập kỷ 20 này. Khó mà đoán được kết quả cuộc bầu cử, nhưng đó sẽ là sự kiện ảnh hưởng sâu rộng trên toàn Giáo Hội.

 

Người nói nhiều hơn về Giáo Hoàng kế vị khi chứng kiến sự kiện Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle được thuyên chuyển từ Philippines sang Vatican.

 

Khủng hoảng tài chính Vatican

 

Vatican đang phải đối mặt với một thách thức lớn về tài chính nội bộ của mình. Năm nay Moneyval, một tổ chức giám sát rửa tiền của Hội đồng châu Âu, sẽ công bố báo cáo của mình về vấn đề tài chính của Toà Thánh. Người ta sợ rằng báo cáo đó sẽ cho thấy sự thất bại của Toà Thánh trong việc làm trong sạch các tai tiếng tài chính của mình, vốn đã dai dẳng suốt 40 năm qua.

 

Nhiều sự việc lạm dụng tình dục bị vạch trần hơn

 

Một tai tiếng khác nữa không may cũng sẽ bùng nổ trong thời gian tới: giáo sĩ lạm dụng tình dục. Vấn nạn này đã tàn phá Giáo Hội ở châu Âu và Bắc Mỹ. Năm thập niên 2020, có lẽ sẽ có nhiều vụ việc được vạch trần hơn ở Mỹ Latinh, Phi châu và Á châu.

 

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ban cho Giáo Hội những công cụ hữu hiệu để đối mặt với các khủng hoảng ngày càng tăng trên khắp thế giới, thông qua tự sắc Vos estis lux mundi, trong đó yêu cầu các Giám Mục phải chịu trách nhiệm về việc che đậy. Nhưng các lãnh đạo khác trong Giáo Hội xem ra không thích các công cụ này và vẫn muốn những phương pháp xưa cũ ít hiệu quả. Điều này sẽ không đổi được nếu không có áp lực từ các tín hữu.

 

Các Thánh mới

 

Mỗi năm đều có những vị mới được phong Thánh. Khó đoán được sắp tới những án phong Thánh nào sẽ được xúc tiến, vì còn phụ thuộc vào phép lạ là điều con người không kiểm soát được. Những án này được trông đợi sẽ diễn ra nhất trong thập niên 2020: Chân phước Charles de Foucauld (mất 1916), Pier Giorgio Frassati (m 1925), Cyprian Tansi (m 1965), Jerzy Popieluszko (m 1984), Chiara Badano (m 1990), các tu sĩ Tibhirine (m 1996), Angustus Tolton (m 1897) và Hồng Y Phanxicô Nguyễn văn Thuận (m 2002).

 

Những vụ khác mà người ta cũng để ý nhiều là Jean Cassaigne (m 1973), John Bradburne (m 1979), Dorothy Day (m 1980), chuyên gia máy tính 15 tuổi Carlo Acutis (m 2006), các Đấng tử đạo Irắc như Ragheed Ghanni và các bạn (m 2007).

 

Sự tiến triển của các án này sẽ đem đến niềm vui trên cả thế giới vì đây là những vị nổi tiếng. Đó cũng là lời nhắc nhở với chúng ta rằng cho dù con đường có như thế nào, vẫn có những vị Thánh giữa chúng ta, và chúng ta thật sự có thể sống thánh thiện.

 

Theo Luke Coppen, Catholic Herald

Gioakim Nguyễn biên dịch

661    03-01-2020