Cảm hứng từ 1Sm 3,9

Lạy Chúa, đời hiến dâng là hành trình một chuyến đò. Đường chuyển động của con đò là con đường vô định. Bến của con đò xa tít mù khơi mắt chúng con không trông thấy. Người lái đò là một Đấng mà chúng con không thể thấy bằng mắt phàm trần, phải nhìn bằng con mắt đức tin để thấy được Đấng bẻ bánh lái cho đò xuôi dòng. Đành rằng mỗi chuyến đò đều có mục đích ra khơi, nhưng thật vô định.

Ta không thể lường trước được những khó khăn hay may mắn sẽ gặp trong hành trình. Sự kiện diễn ra lớn hay nhỏ ta chẳng hay. Nhưng chúng ta phải chuẩn bị tâm thế rằng: Hành trình của chuyến đò vô định ấy chắc hẳn sẽ không thiếu những lần gặp lũ, hay mắc cạn hoặc bị những cơn giông tố thét gào, và có lẽ cũng không thiếu lần phải đương đầu với những trận “cuồng phong” và “sóng thần” làm lay động mạnh đời sống tinh thần và thể lý của ta.

Vậy ai là người chung tay giúp ta vượt qua những khó khăn, thách đố ấy? Phài chăng là những người cùng chung chuyến đò? hay Người lái đò phải đương đầu tất cả? Có khi nào ta bị nhụt chí thoái thác tất cả những khó khăn đó cho số phận không?

Chúng ta nên nhớ, chuyến đò vô định của đời ta, là chuyến đò kỳ diệu, Người lái đò là Đấng tuyệt vời, Đấng có quyền trên tất cả mọi thần dữ. Ngài đã từng ngăm đe gió và sóng biển gào thét phải lặng im như tờ.

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải coi chừng những lúc Ngài để cho ta tự lèo lái con đò đời mình, tự mình đương đầu với những cơn sóng dập vùi. Đó là tự do Ngài ban cho chúng ta. Nhưng sự hèn nhát của con người khi vắng bóng Thiên Chúa, làm ta dễ hoảng sợ và tháo lui. Chúa đã quở trách Phêrô “hèn tin, sao nghi ngờ”. Và Phêrô chỉ bừng tỉnh khi ông thực sự vượt ra khỏi cái tôi hèn nhát của mình để lắng nghe tiếng Chúa từ trong sâu thẳm của lòng mình. (x. Lc 5,8).

Còn chúng ta hôm nay, giữa một cuộc sống sa hoa và xô bồ, có biết bao thú vui lôi kéo, làm cho đời sống người tu sĩ bị tha hóa. Vậy làm thế nào để chúng ta nghe được tiếng Chúa? Sẽ có muôn vàn cách trả lời khác nhau. Nhưng thiết nghĩ điều cơ bản và cần thiết đó là: “cần trở nên nhỏ bé”. Chính Chúa đã mặc khải cho những người bé nhỏ (x. Lc 10, 21). Điều bé nhỏ lại là điều luôn đẹp ý Chúa. Thánh vịnh 116,6 cũng diễn tả: “Thiên Chúa hằng gìn giữ những ai bé mọn, tôi yếu đuối Người đã cứu tôi”. Trở về với thời Cựu ước Thiên Chúa nhiều lần gọi Samuel trong đêm (x. Sm 3, 1-10; 19-20). Đây chính là cách Thiên Chúa tỏ mình ra trong sự tĩnh lặng để kêu gọi con người, mỗi chúng ta cần chậm lại để nghe tiếng Chúa trong mọi hoàn cảnh, cần đọc ra bài học qua tấm gương của Elia (x.1V 18,19). Từ một hành trình kiệt sức nay trở nên một hành trình mới, một kế hoạch mới mà chính Chúa đã chỉ cho ông. Mỗi người chúng ta cũng cần lắng nghe để được chính Chúa chỉ dạy và dẫn dắt. Muốn vậy chúng ta không sờn lòng nản chí, hãy cậy trông vào Chúa, mạnh bạo lên, can đảm lên. Và đừng vội vã, hãy dọn tấm lòng để lắng nghe. Hãy dành thời gian tĩnh lặng để tìm gặp Chúa vì “Chiên của Ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta” (Gc 10,27). Và hãy sẵn lòng để Chúa làm chủ cuộc đời mình. Hãy phục vụ Ngài bằng chính đời sống, hết lòng tin tưởng phó thác hoàn toàn cho sự dẫn dắt của Chúa. “mọi lo âu hãy chút cả cho Người vì Ngươi chăm sóc anh em” (1Pr 5,7). Trong cuộc sống mỗi người cần cảm nhận rõ vai trò và sự cần thiết của việc lắng nghe tiếng Chúa. Ngài nói “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn sống nhờ mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4)

Như vậy, hành trình đời tu của mỗi chúng ta như một chuyến đò vô định.  Nhưng để đạt tới đích điểm là Thiên Chúa thì không gì khác hơn là lắng nghe tiếng Chúa. Tìm gặp Chúa trong mọi hoàn cảnh. Tín trung và tín thác vào lòng từ ái vô biên của Ngài, quyết tâm thực thi theo đường Ngài chỉ vẽ trong từng khoảnh khắc của cuộc sống, qua từng biến cố trong chính cuộc đời mỗi chúng ta.

Nt. Maria Nguyễn Thị Thuận