Sidebar

Thứ Tư
24.04.2024

Đời tu và gia đình

ĐỜI TU VÀ GIA ĐÌNH


Mỗi lần tham dự Thánh lễ tạ ơn của một Linh mục hay lễ tạ ơn của một nữ tu, thường nghe vị chủ tế như thay lời cho giáo hội cám ơn Ông Bà Cố và gia đình, đã hy sinh dâng hiến một người con, một bông hoa đẹp trong gia đình cho Giáo hội. Quả là một sự hy sinh lớn lao và một sự ghi nhận chân thành từ Giáo hội. Nhưng khi trở lại vấn đề, một Linh mục, một Tu sĩ sau khi bước vào hành trình phục vụ với ơn gọi đặc biệt của mình, đã để lại nơi gia đình mình ấn tượng thế nào khi người đó vẫn là một thành viên nơi gia đình.

Thường khi những người lớn tuổi, họ cảm thấy hạnh phúc và vui tươi khi có con cháu quây quần bên cạnh, nhất là những lúc ốm đau, liệt giường. Tâm lý người già là cần được chăm sóc và thăm hỏi. Nhiều người đã suy sụp khi đau ốm mà bị bỏ rơi, thiếu chăm sóc từ con cháu. Họ đau khổ về tinh thần nhiều hơn là thể xác, nên sức khỏe tuột dốc nhanh. Ngược lại, họ cảm thấy nhẹ nhàng và khỏe mạnh khi có cháu con bên cạnh, đặc biệt là người con sống đời tận hiến, người con là Linh mục.

Thế nhưng, có những vị Linh mục quan niệm khi đã đi tu, đã dâng mình cho Chúa, đã cầm cày thì không nên “ngoảnh lại đằng sau”, không dám sắp xếp công việc để ở bên cạnh Ông Bà Cố nơi giường bệnh hay bên cạnh tuổi già của các Ngài. Đó là bổn phận của những người trần thế trong gia đình, chứ mình đi tu rồi thì để vướng bận làm gì? Còn ơn gọi tu trì nơi các hội dòng thì sao? Có những hội dòng với linh đạo phục vụ người già, người gặp hoạn nạn, bị bỏ rơi, bệnh tật. Các tu sĩ nơi các hội dòng đó phục vụ rất tốt, rất ân cần và tận tụy, thế nhưng, khi Ông Bà Cố của các tu sĩ nơi hội dòng đau nặng với những căn bệnh nan y, những chứng bệnh của tuổi già, thì họ không được phép trở về với gia đình để chăm sóc, an ủi và giúp đỡ Ông Bà Cố. Có nhiều Ông Bà Cố đã rơi lệ khi nghe nhắc đến người con “đi tu” của mình một khi có ai hỏi thăm đến. Nhiều lúc họ đã phải nuốt nước mắt vào trong vì nỗi đau tinh thần đó.

Trên góc độ tình người, tình gia đình, chúng mình có thể nói với nhau rằng, ngày xưa, Con Thiên Chúa làm người, mặc lấy một thân xác khởi đi từ người mẹ, uống dòng sữa của người mẹ đó để từng ngày lớn lên. Vì vậy, khi Ngài lên đường thi hành sứ mạng, Ngài vẫn dành một chỗ đặc biệt cho gia đình trong tâm hồn của Ngài với những chuyến trở về thăm viếng, sẻ chia tình gia đình. Ngài đã nhập thể, làm người, chấp nhận sống trong một gia đình, có cha có mẹ, phụng dưỡng các ngài cách này cách khác, chứ Ngài đâu dứt áo ra đi biền biệt đâu, Ngài nêu gương cho con cái về tương quan tình người khởi đi từ tình gia đình, dù biết rằng mình là Thiên Chúa nhưng khi chân nhận một phận người, Ngài chấp nhận những giới hạn nhất định của con người, của trật tự mà khởi đầu Tạo Hóa đã dựng nên, đó là Gia đình.

Trước thực trạng gia đình đang bị đánh giá rất thấp về nhiều góc độ từ xã hội như thế, vậy có nên đặt lại tương quan giữa gia đình và đời tu, để người Linh mục và tu sĩ, trở lại với tổ ấm gia đình mình, xây dựng tình người, củng cố sức mạnh tinh thần trong đời tu, để phục vụ tốt hơn trong ơn gọi và linh đạo của mình đang sống. Cũng từ đó, các hội dòng có nên chăng khuyến khích các tu sĩ nên quan tâm đến gia đình của mình, đặc biệt là khi Ông Bà Cố đau ốm hay tuổi già đang trải dài trên cuộc đời của các ngài, họ đang cần sự an ủi, sẻ chia và thăm hỏi từ những người con “đi tu” của mình. Và có cần thiết để làm sao những Ông Bà Cố khi có nhắm mắt xuôi tay, vẫn cảm thấy người con “đi tu” của mình, đã sống vẹn toàn ơn gọi làm con nơi gia đình, và ơn gọi tu trì với thiên chức Linh mục, hay nơi một hội dòng. Và nếu như Ông Bà Cố đau ốm, có nên cho phép người con của họ được trở về chăm sóc Cha Mẹ khi mang những căn bệnh hiểm nghèo, nan y, hay tuổi quá già?

Phần sau của vấn nạn là câu trả lời, xin được dành lại cho những ai thấy được giá trị tinh thần mà Con Thiên Chúa đã đi bước trước khi đón nhận một gia đình thanh bần để lớn lên, để thành người. Nếu cảm nhận được giá trị tinh thần đó, chắc chắn họ sẽ cảm nhận được nhịp cầu linh thiêng giữa gia đình và chức Linh mục, giữa gia đình và hội dòng. Xin đừng để tâm tình này trở thành sáo rỗng trong ngày đám tang Ông Bà Cố. Tình người, tình gia đình thiêng liêng lắm, bởi từ đó Tin Mừng được gieo, được mọc lên và được đơm bông kết trái. Ăn quả hãy nhớ kẻ trồng cây.
 
Tâm tình của một tín hữu
569    21-08-2018