Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Đơn sơ như con trẻ

Chúa nhật tuần XXV TN

Mc 9, 29-36

ĐƠN SƠ NHƯ CON TRẺ

Trang Tin này mừng gợi lên một hình ảnh rất đẹp của Chúa Giêsu: Ngài ôm lấy em nhỏ. Những cái ôm trong cuộc sống thường mang nặng ý nghĩa tình cảm: cái ôm thân tình của bạn bè hay người thân lâu ngày gặp lại, cái ôm yêu thương của các cặp tình nhân… Cái ôm của Chúa Giêsu không chỉ diễn tả sự yêu mến nhưng còn nhấn mạnh đến sự đón nhận.

Chúa Giêsu đã mở rộng vòng tay để đón nhận tất cả mọi người. Em nhỏ là hình ảnh của những người bé mọn, yếu ớt, bất hạnh, bệnh tật, khổ đau… và cũng là chính chúng ta. Thiên Chúa đón nhận chúng ta với tất cả những gì chúng ta có và những gì chúng ta là. Ngài không chê con người tầm thường với vô số thiếu sót và tội lỗi. Chính Ngài đã Nhập Thể để ôm lấy tất cả những yếu đuối nhất của thân phận loài người.

Và Chúa Giêsu thấy những đặc tính của con trẻ là tín nhiệm, đơn sơ và chân thành. Trẻ con thường không có tham vọng và không tự phụ. Ðón nhận trẻ em có nghĩa là đón nhận những người giống như trẻ con: người khiêm tốn, người thấp hèn, người nghèo đói, người đau yếu, người yếu thế, người bị bỏ rơi.. Nếu phân tích, ta thấy người khiêm tốn có nhiều đức tính của trẻ con. Người khiêm tốn là ngưòi biết nhận ra mình yếu hèn, tội lỗi và tuỳ thuộc vào Chúa trong mọi sự, và hành động theo sự xác tín của mình: không giả tạo, không đóng kịch. Người khiêm tốn là người biết tuỳ thuộc vào quyền năng của Chúa, vào ơn khôn ngoan và chương trình quan phòng của Chúa.

Với tất cả những điều đó, ta thấy Thiên Chúa cũng mời gọi chúng ta mở rộng vòng tay để cảm thông, đón tiếp những người như em nhỏ trong Tin mừng. Cử chỉ ôm gồm hai động tác: dang cánh tay ra và vòng cánh tay lại. Dang cánh tay ra để đi đến với những người đang cần sự quan tâm, yêu thương và che chở. Vòng cánh tay lại để ôm lấy tất cả những gì thuộc về họ, bao gồm cả sự hôi hám, nhuốc nhơ của bệnh tật hay thái độ cọc cằn, xua đuổi của họ…Thật ra, không phải chỉ hơi ấm tình thương từ hành động của chúng ta an ủi họ, mà chính họ cũng là nguồn sưởi ấm cho trái tim của chúng ta. Bởi lẽ, khi chúng ta đón nhận họ, chính là lúc chúng ta đón nhận Chúa Giêsu và đón nhận chính Thiên Chúa là suối nguồn yêu thương chúng ta.

Nói như vậy không có nghĩa là Chúa Giêsu ngăn cản người ta làm lớn. Trong xã hội cũng như trong Giáo hội phải có những người làm lớn, những người nắm giữ địa vị nọ kia để điều hành guồng máy tổ chức trong Giáo hội và xã hội. Tuy nhiên Chúa bảo làm lớn là để phục vụ chứ không phải chỉ vì ham chức tước. Làm lớn còn có nhiều cơ hội và phương tiện để phục vụ như có ngân khoản, có người thừa hành. Chúa bảo ta chỉ tìm được sự bình an và hạnh phúc thực sự khi sống trong gương mẫu khiêm tốn phục vụ. Chúa chỉ cho ta thấy việc làm vĩ đại thật, không phải là việc phô trương cho người khác biết đến, nhưng được tìm thấy trong việc quên mình để phục vụ tha nhân. Và đó là một nghịch lý của Kitô giáo. Ðể nhắc nhở cho mình và cho hàng giáo sĩ và giáo dân lời Chúa dạy về việc khiêm tốn phục vụ, các Ðức giáo hoàng thường thêm châm ngôn La tinh Servus servorum, có nghĩa là đầy tớ của các đầy tớ vào trước chữ kí tên.

Chính Chúa Giêsu đã đến để dạy ta bài học phục vụ trong khiêm tốn. Người là Thiên Chúa nhưng đã hạ mình xuống, mặc lấy thân xác yếu hèn của loài người, sinh sống giữa nhân loại. Trong bữa tiệc li, Chúa nêu gương phục vụ trong khiêm tốn bằng cách rửa chân cho các tông đồ và dạy ta rửa chân cho nhau nghĩa là phục vụ lẫn nhau. Như vậy ta thấy Chúa Giêsu đến để đổi ngược lại những giá trị của loài người. Theo lời Chúa dạy thì người ta không bao giờ thỏa mãn trong việc tìm kiếm địa vị và vinh dự, nếu chỉ vì ham muốn vinh dự và địa vị.

Cội rễ của sự dữ là ghen tương và kiêu ngạo như trong bài trích sách Khôn ngoan hôm nay nêu ra những ý định cuả người kiêu ngạo định làm để gài bẫy, nhục mạ, tra tấn và lên án người công chính. (Kn 2, 1-20). Ðó cũng là điều mà thánh Giacôbê tông đồ nhận xét trong thư gủi giáo đoàn: Ở đâu có ghen tương và tranh chấp, ở đấy có xáo trộn và đủ mọi việc xấu xa (Gc 3, 16).

Chúa Giêsu triệt hạ tính tự kiêu tự đại của những người kiêu ngạo bằng cách dạy họ về đức khiêm tốn: Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết và làm người phục vụ mọi người (Mc 9, 35).

Theo lời Chúa dạy thì tính tự kiêu tự đại là một nết xấu mà người môn đệ Chúa phải xa tránh và loại trừ để luyện tập nhân đức khiêm tốn để làm người rốt hết. Một vài hậu quả của tính tự kiêu mà ta đọc thấy trong thánh kinh là các thần dữ, vì không vâng lời phụng sự Thiên Chúa, nên đã bị đày ải xuống âm phủ. A-đam và E-và đã bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng, cũng vì nghĩ rằng mình có thể trở nên ngang hàng với Thiên Chúa, khi ăn trái cấm.

Làm thế nào để trở thành người cao cả thật sự

Có người cố làm tăng giá trị của mình bằng cách trang điểm thân xác. Tuy nhiên, người ta không thật sự trở nên cao cả nhờ nhan sắc, vì "tốt gỗ hơn tốt nước sơn, xấu người đẹp nết còn hơn đẹp người".

Có người tìm cách làm gia tăng giá trị của mình bằng của cải vàng bạc, nhưng thực ra, "giá trị con người không hệ tại những gì người ta sở hữu".

Có người trau dồi và phát huy tài năng cho người ta nể phục, hoặc cố giành những địa vị cao trong xã hội để nâng giá trị mình lên.

Còn Chúa Giêsu, nhân cơ hội các môn đệ tranh cãi sôi nổi ai là người lớn nhất, Người chỉ cho họ một cách để thực sự trở thành cao cả: "Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người" (Mc 9,35)

Đức Trinh nữ Maria nêu gương mẫu cho ta về đức khiêm tốn. Trinh nữ không mơ ước địa vị làm mẹ Ðấng cứu thế như giới phụ nữ Do thái thời bấy giờ. Thiên Chúa nhìn thấy lòng khiêm tốn của trinh nữ Maria nên đã chọn trinh nữ làm mẹ Ðấng cứu thế. Khiêm tốn thực sự là sống trung thực với lòng mình và nhìn nhận sự thực về mình: ưu điểm cũng như khuyết điểm. Vì nhìn nhận sự thực về mình nên trinh nữ Maria đã cất tiếng ca tụng Thiên Chúa về những việc trọng đại Người đã thực hiện nơi mình trong kinh Magnificat.

Xin cho chúng ta nhìn lên Mẹ và noi gương Mẹ sống đơn sơ và khiêm hạ.

 

 

 

1569    22-09-2018