Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

ĐTC Phanxicô: Đón tiếp những người "bị đắm tàu" trong biển đời

 

 
Trong buổi tiếp kiến chung sáng 08/01, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu noi gương thánh nhân, tin tưởng vào tình Chúa yêu thương, và làm lan tỏa tình yêu này bằng cách cảm thông, đón tiếp những người “bị đắm tàu” trong cuộc sống, những người đau khổ, giúp họ thoát khỏi sự lạnh lẽo của thờ ơ dửng dưng và thiếu tình người.

 

Sau hai tuần nghỉ lễ Giáng sinh và Năm Mới dương lịch, buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 08/01 là buổi tiếp kiến đầu tiên của năm 2020 Đức Thánh Cha dành cho các tín hữu hành hương. Đã có hơn 7000 người tham dự buổi tiếp kiến tại đại thính đường Phaolô VI.

 

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha dựa trên đoạn sách Công vụ Tông đồ thuật lại sự kiện thánh Phaolô bị đắm tàu và được dân trên đảo Malta đón tiếp, và ngài đã dùng cơ hội này để làm chứng cho điều ngài rao giảng bằng cách phục vụ và giúp đỡ dân chúng, chữa lành các bệnh tật.

 

Mở đầu bài giáo lý, Đức Thánh Cha nhắc rằng phần cuối của sách Công vụ Tông đồ thuật lại rằng Tin Mừng tiếp tục hành trình của mình, không chỉ trên đất liền nhưng cả trên biển, trên một con tàu đưa tù nhân Phaolô từ Cesarea đến Roma (x. Cv At 27,1–28,16), trung tâm của đế quốc, để lời của Đấng Phục sinh được thực hiện: “Anh em sẽ làm chứng cho Thầy … cho đến tận cùng bờ cõi trái đất” (Cv 1,8).

 

Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu đọc sách Công vụ Tông đồ và sẽ thấy như trong Tin Mừng, sức mạnh của Chúa Thánh Thần đến với tất cả mọi dân.

 

Đức Thánh Cha tiếp tục bài giáo lý: Ngay từ đầu, chuyến tàu đã gặp những điều kiện bất lợi. Cuộc hành trình gặp nguy hiểm. Thánh Phaolô khuyên không nên tiếp tục hành trình nhưng viên đại đội trưởng không nghe lời khuyên của ngài và tin tưởng vào thuyền trưởng và chủ tàu. Cuộc hành trình tiếp tục và có một cơn gió dữ dội đến nỗi phi hành đoàn mất kiểm soát và để cho con tàu trôi dạt.

 

Thiên Chúa là Chúa Tể của tôi

 

Khi cái chết dường như gần kề và tuyệt vọng xâm chiếm mọi người, thánh Phaolô đã can thiệp và trấn an các bạn đồng hành của mình và nói những điều chúng ta đã nghe: “Đêm vừa rồi, một thiên sứ của Thiên Chúa là Chúa Tể của tôi – Thiên Chúa mà tôi thuộc về, bởi vì mỗi người có chủ tể của riêng mình –  và là Đấng tôi phụng thờ, đã hiện ra với tôi và bảo: ‘Này ông Phao-lô, đừng sợ! Ông phải ra trước toà hoàng đế Xêda; vì thương ông, Thiên Chúa cho tất cả những người cùng đi tàu với ông được sống’” (Cv 27,23-24). Ngay cả trong phiên tòa, thánh Phaolô không bao giờ ngừng là người bảo vệ sự sống của những người khác và là người làm sống động niềm hy vọng của họ.

 

Tình huống bất hạnh trở thành cơ hội loan báo Tin Mừng.

 

Như thế, thánh Luca cho chúng ta thấy rằng kế hoạch hướng dẫn thánh Phaolô đến Roma không chỉ giải cứu thánh tông đồ, mà cả những người bạn đồng hành của ngài, và vụ đắm tàu, từ một tình huống bất hạnh, biến thành một cơ hội được quan phòng để loan báo Tin Mừng.

 

Sau vụ đắm tàu là cuộc đổ bộ lên đảo Malta, nơi cư dân của họ thể hiện sự chào đón nồng nhiệt. Những người Malta thật tốt, họ hiền lành và hiếu khách, ngay từ thời đó. Trời mưa và lạnh và họ đốt một ngọn lửa để bảo đảm cho những người bị đắm tàu được ấm áp và xoa dịu một chút. Cũng ở đây, thánh Phaolô, với tư cách là môn đệ đích thực của Chúa Kitô, bắt đầu phục vụ; ngài lấy một số nhánh cây để giữ cho ngọn lửa cháy.

 

Trong khi làm các việc này, ngài bị một con rắn độc cắn nhưng lại không bị bất kỳ nguy hại nào. Dân chúng nhìn thấy điều này thì nói: “Tên này chắc hẳn phải là kẻ rất xấu xa bởi vì vừa thoát chết trong vụ đắm tàu nhưng lại chết vì con rắn độc!” Họ chờ đợi giây phút thánh Phaolô gục chết, nhưng ngài lại không bị tổn hại nào và họ đã thay đổi ý nghĩ ngay lập tức; thay vì xem ngài là tên xấu xa thì lại xem ngài như một vị thần. Trong thực tế, ơn lành đó đến từ Chúa Phục Sinh, Đấng hỗ trợ thánh nhân, theo lời hứa Người đã nói với những người tin vào Người trước khi về trời: «”Họ sẽ bắt rắn trong tay và, nếu họ uống phải một số chất độc, nó sẽ không làm hại họ; họ sẽ đặt tay trên người bệnh và sẽ chữa lành" (Mc 16,18). Lịch sử nói rằng từ giây phút đó trên đảo Malta không có rắn độc nữa: đây là phúc lành của Thiên Chúa bởi sự hiếu khách của dân tộc tốt lành này.

 

Luật của Tin Mừng: đức tin và tình yêu không được giữ lại cho riêng mình

 

Tiếp tục bài giáo lý, Đức Thánh Cha nhận xét: Thật vậy, việc lưu lại Malta trở thành một cơ hội thuận lợi để thánh Phaolô làm chứng cho lời ngài loan báo và như thế, ngài thực thi một sứ vụ từ bi trong việc chữa lành bệnh tật. Đây là một luật của Tin Mừng: khi một người có đức tin trải nghiệm sự cứu rỗi, anh ta không giữ nó cho riêng mình, nhưng trao chuyền nó cho người khác. “Điều tốt luôn có xu hướng thông truyền. Mọi kinh nghiệm về sự thật và vẻ đẹp đều tìm cách lan rộng, và mỗi người trải nghiệm một sự giải thoát sâu sắc đều nhạy cảm hơn trước nhu cầu của người khác" (Tông thư Niềm vui Tin Mừng, 9). Một Kitô hữu "đã qua đau khổ" chắc chắn có thể đến gần hơn với những người đau khổ vì anh đã biết thế nào là đau khổ và trái tim anh cởi mở và nhạy cảm trong sự liên đới với người khác.

 

Sống thử thách bằng cách đẩy mình đến với Chúa Kitô

 

Thánh Phaolô dạy chúng ta sống các thử thách bằng cách đẩy mình đến với Chúa Kitô, để làm lớn mạnh "niềm tin rằng Chúa có thể hành động trong mọi hoàn cảnh, ngay cả khi thất bại rõ ràng" và "sự tin chắc rằng bất cứ ai tận hiến và dâng mình cho Chúa vì tình yêu, chắc chắn sẽ có kết quả" (Ibid., 279). Tình yêu luôn mang lại kết quả, tình yêu dành cho Chúa luôn có kết quả, và nếu bạn để cho mình được Chúa yêu thương và bạn nhận được những món quà của Chúa, điều này sẽ khiến bạn trao chúng cho người khác. Nó luôn luôn đi xa hơn.

 

Nhạy cảm với nhiều người “bị đắm tàu” trong lịch sử và trong cuộc sống

 

Cuối bài giáo lý, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu: Hôm nay chúng ta cầu xin Chúa giúp chúng ta sống mọi thử thách nhờ được nâng đỡ bởi đức tin; và nhạy cảm với nhiều người bị đắm tàu trong lịch sử, những người bị kiệt sức trên bờ biển của chúng ta, để cả chúng ta cũng biết cách chào đón họ bằng tình yêu huynh đệ đến từ việc gặp gỡ Chúa Giêsu. Đây là điều cứu thoát khỏi sự lạnh lẽo của thờ ơ và vô nhân đạo.

 

Hồng Thủy

(VaticanNews 08.01.2020)

 

PopeFrancis_08Jan2020_02.jpg

PopeFrancis_08Jan2020_01.jpg

PopeFrancis_08Jan2020_03.jpg

PopeFrancis_08Jan2020_04.jpg

PopeFrancis_08Jan2020_05.jpg

PopeFrancis_08Jan2020_06.jpg

392    10-01-2020