Sidebar

Thứ Bảy
20.04.2024

ĐTC Phanxicô nói về truyền giáo: ‘Không có Chúa Giêsu, chúng ta không thể làm được gì’ - tt

Như vậy ý nghĩa rao giảng phúc âm là gì?

Rao giảng phúc âm có nghĩa là thể hiện chứng tá của Đức Ki-tô bằng những lời đơn giản và chuẩn xác như các tông đồ đã làm. Nhưng không cần phải sáng tạo ra những bài diễn thuyết đầy thuyết phục. Việc rao giảng phúc âm thậm chí có thể là lời thì thầm, nhưng nó luôn luôn truyền tải qua sức mạnh bao trùm của thập giá. Và nó luôn luôn đi theo con đường được chỉ ra trong thư của Thánh Tông đồ Phê-rô, nó chứa đựng trong cách “đưa ra những lý do” của niềm hy vọng của mình cho người khác, một niềm hy vọng vẫn còn là một cớ vấp phạm và khờ dại trong con mắt thế gian.

Làm sao để chúng ta nhận biết một “người Ki-tô hữu truyền giáo”?

Một nét riêng đó là hoạt động như người trợ giúp, không phải như người điều khiển đức tin. Hỗ trợ, làm cho dễ dàng hơn, mà không đặt những chướng ngại trước khát khao của Chúa Giê-su ôm lấy mọi người, chữa lành mọi người, cứu thoát mọi người, không chọn lựa, không áp đặt những “giá biểu mục vụ,” không đóng vai trò là người giữ cửa kiểm soát ai là người có quyền đi vào. Tôi nhớ đến các linh mục xứ và những cộng đoàn ở Buenos Aires đã xây dựng nhiều sáng kiến để trợ giúp việc đến với phép rửa tội. Trong ít năm gần đây, họ nhận thấy con số ngày càng nhiều những người không được rửa tội vì nhiều lý do, thậm chí cả những lý do liên quan đến xã hội, và họ muốn nhắc nhở mọi người rằng rửa tội là một điều gì đó đơn giản, rằng mọi người đều có thể yêu cầu điều đó cho bản thân họ và cho con cái của họ. Con đường được thực hiện bởi các linh mục xứ và những cộng đoàn đó có một mục tiêu: không đặt thêm những gánh nặng, không đặt ra những đòi hỏi, để tháo cởi những khó khăn về văn hóa, tâm lý hoặc thực tiễn có thể đẩy người ta đến chỗ trì hoãn hoặc từ bỏ ý định rửa tội cho con cái của họ.

Thời kỳ đầu rao giảng phúc âm ở Mỹ, các nhà truyền giáo tranh luận ai “xứng đáng” được lãnh nhận bí tích rửa tội. Những tranh cãi đó đã kết thúc như thế nào?

Đức Giáo hoàng Phaolo II đã bác bỏ các thuyết của những người cho rằng người Da Đỏ về bản chất là “không đủ khả năng” để đón nhận Tin mừng và khẳng định chọn lựa của những người hỗ trợ việc rửa tội cho họ. Chúng có vẻ là những vấn đề của quá khứ, tuy nhiên ngay cả bây giờ vẫn có những nhóm người và khu vực thể hiện bản thân họ như tầng lớp ưu tú [được khai sáng], và thậm chí tách riêng việc rao giảng Tin mừng qua luận điểm bị bóp méo của họ phân chia thế giới thành tầng lớp “văn minh” và “man di.” Điều làm họ khó chịu và tức giận là tư tưởng nói rằng Thiên Chúa có thể có phần ưu ái cho người thuộc tầng lớp cabecitas negras [một cụm từ miệt thị chỉ tầng lớp lao động]. Họ xem một phần lớn trong gia đình nhân loại thuộc thực thể tầng lớp thấp kém, không thể đạt được những mức độ tốt trong đời sống tinh thần và trí tuệ theo những tiêu chuẩn của họ. Trên căn bản này, sự khinh miệt dành cho những người bị xem là loại thấp kém ngày càng lớn lên. Tất cả những điều này cũng hiện lên trong Thượng Hội đồng Giám mục về Amazon.

Một số người có khuynh hướng đóng một cái nêm để tách rời giữa việc công bố đức tin và công việc xã hội. Họ nói rằng chúng ta không được biến việc truyền giáo thành một loại hình hoạt động xã hội. Đó có phải là một mối quan tâm chính đáng?

Mọi việc nằm trong phạm vi của Bát Phúc và các mối phúc thương xót đều phù hợp với việc truyền giáo, đã là việc rao giảng phúc âm, đã là việc truyền giáo. Giáo hội không phải là một tổ chức phi chính phủ, Giáo hội là một điều gì đó khác. Nhưng Giáo hội cũng là một bệnh viện di động, nơi mọi người đều được chào đón, với chính con người của họ, nơi những vết thương của mọi người được chữa lành. Và đây là phần việc truyền giáo của Giáo hội. Mọi việc đều tùy thuộc vào tình yêu làm lay động tâm hồn của những người thực hiện công việc. Nếu một nhà truyền giáo đào một cái giếng nước ở Mozambique đó là vì người đó thấy rằng những người mà người đó rửa tội và rao giảng phúc âm đang cần nó, làm sao có thể nói rằng công việc như vậy lại phải tách biệt khỏi việc rao giảng phúc âm?

Ngày nay có những sự chú ý và nhạy cảm mới để đem thực hành những tiến trình nhắm đến việc rao giảng phúc âm hiệu quả trong các bối cảnh xã hội và văn hóa khác nhau?

Ki-tô giáo không ôm lấy duy nhất một mô hình văn hóa. Như Đức Gioan Phaolo II xác nhận, “trong khi vẫn hoàn toàn duy trì đúng theo bản chất, với lòng trung thành vững chắc đối với việc rao giảng Tin mừng và truyền thống của Giáo hội, Ki-tô giáo cũng sẽ phản ánh những khuôn mặt khác nhau của văn hóa và dân tộc đón nhận và bén rễ trong nó.” Chúa Thánh Thần làm đẹp Giáo hội, với những ngôn ngữ mới của những con người và cộng đoàn ôm lấy Tin mừng. Từ đó Giáo hội trở thành “sponsa ornate monilibus suis” qua cách đón lấy những giá trị của các nền văn hóa khác nhau, tân nương được trang điểm bằng những trang sức,” điều mà Ngôn sứ I-sai-a đã nói. Đúng là một số nền văn hóa đã được liên kết gần gũi với việc rao giảng Tin mừng và sự phát triển của tư tưởng Ki-tô giáo. Nhưng trong thời đại chúng ta đang sống, nó còn cấp bách hơn nữa để ghi nhớ rằng thông điệp được mạc khải không được đồng hóa với một nền văn hóa nào đó. Và khi tiếp xúc với những văn hóa mới, hoặc những nền văn hóa không chấp nhận việc rao giảng Ki-tô giáo, chúng ta không được cố áp đặt một hình thức văn hóa dứt khoát với tuyên bố rao giảng. Ngày nay, trong công cuộc truyền giáo cũng vậy, điều thậm chí còn quan trọng hơn là không mang những hành lý nặng nề.

Truyền giáo và tử đạo. Người thường nhắc lại mối dây liên kết mật thiết hai thực tại này.

Trong đời sống người Ki-tô hữu, thực tại tử đạo và rao giảng phúc âm đều có cùng một nguồn gốc, cùng nguồn cội: khi tình yêu của Thiên Chúa rót đổ vào trong tâm hồn chúng ta bởi Chúa Thánh Thần ban cho sức mạnh, lòng can đảm, và sự an ủi. Tử đạo là cách biểu đạt tối thượng của sự chân nhận và của việc làm chứng cho Đức Ki-tô, nó thể hiện sự kiện toàn của sứ vụ, của công việc tông đồ. Tôi luôn nghĩ đến những người anh em Cốp-tíc bị tàn sát ở Libya, những người âm thầm kêu danh Chúa Giê-su trong khi họ bị chặt đầu. Tôi nghĩ đến các Nữ tu của Mẹ Thánh Teresa bị sát hại ở Yemen, trong khi các chị đang chăm sóc cho những bệnh nhân Hồi giáo trong một căn nhà cho người già khuyết tật. Các nữ tu đang đeo những tạp dề của công việc phủ ngoài tu phục của các chị khi họ bị giết. Tất cả họ đều là những người chiến thắng vinh quang, không phải là “những nạn nhân.” Và sự tử đạo của họ, tới mức đổ máu mình ra, minh họa cho sự tử đạo mà mọi người có thể phải chịu trong cuộc sống hàng ngày, với chứng tá cho Đức Ki-tô mỗi ngày. Đó là những điều có thể thấy được khi đến thăm những nhà truyền giáo già trong các nhà hưu dưỡng. Họ thường bị hành hạ bởi cuộc sống của họ lúc trước. Một nhà truyền giáo kể với tôi rằng nhiều người bị mất trí nhớ và không còn nhớ được bất kỳ điều gì tốt lành họ đã làm. “Nhưng điều đó chẳng là vấn đề gì,” ngài nói với tôi, “vì Chúa nhớ rất rõ.”

 

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 6/11/2019]

387    17-11-2019