Sidebar

Thứ Bảy
20.04.2024

Đức Giám mục Benjamin Ramaroson: “Đất nước Madagascar chúng tôi ít có người trung thực”

 

Đức Giám mục Benjamin Ramaroson phụ trách giáo dục công giáo ở Tòa giám mục Antsirana (miền bắc Madagascar) mong Đức Phanxicô sẽ gieo hy vọng cho các người trẻ ngài sẽ gặp chiều nay. Các người trẻ dưới 18 tuổi chiếm hơn 53% tổng số người dân Madagascar, các em thất nghiệp, có bằng cấp hoặc không có bằng cấp. Đức Giám mục mong các lời của Đức Phanxicô sẽ thay đổi tâm lý của đất nước này.

Chuyến viếng thăm của một giáo hoàng ở Madagascar là chuyến đi của Đức Gioan-Phaolô II cách đây ba mươi năm, nên việc Đức Phanxicô đến đây là cả một mong chờ lớn của người dân ở đây, hàng chục ngàn người đã đi hàng giờ đến đây bằng đủ mọi phương tiện, họ đi xe taxi-thồ (một loại xe đặc biệt của Madagascar) và có khi còn đi bộ, họ đến để nhận phép lành của Đức Giáo hoàng. Sự xuất hiện của ngài ngày thứ 6 ở thủ đô Madagascar đã tạo một cảnh tưng bừng náo nhiệt lạ lùng.

Để chuẩn bị đón ngài, từ mấy tuần nay vào mỗi cuối lễ trong các giáo xứ của 22 giáo phận, các giáo dân đã sốt sắng cầu nguyện cho sự kiện này. Các lớp giáo lý đều nhắc nhở, các giám mục đều nhấn mạnh chuyến thăm này là một sự kiện thiêng liêng.Madagascar là một đất nước nghèo, ba phần tư người dân sống với chỉ 2 đôla mỗi ngày và 40% dân chúng bị mù chữ. Giáo hội rất tích cực trong lãnh vực giáo dục và y tế. Ở đây, Giáo hội được nhà cầm quyền và lãnh đạo các tôn giáo khác tôn trọng. 

Phỏng vấn Đức Giám mục Ramaroson, giáo phận Antsiranana

Đức Phanxicô “người gieo hy vọng và hòa bình”. Chúng tôi chờ thông điệp mạnh mẽ ngài nói với người dân Madagascar, họ đã quá mệt mỏi, họ khá tuyệt vọng và càng ngày càng chìm trong cảnh đói nghèo. Phải công nhận chính phủ mới đang cố gắng đủ mọi cách để đưa đất nước ra khỏi cảnh suy thoái này.

Chuyến tông du này của Đức Phanxicô sẽ tạo động lực mới vì mọi người đều biết: Madagascar không thiếu tài nguyên vừa nhân lực vừa thiên nhiên, nhưng đất nước chúng tôi thiếu người trung thực. Nạn tham nhũng đã ăn mòn đất nước ở mọi cấp bậc. Vì vậy chúng tôi hy vọng, sau chuyến đi này các nhà lãnh đạo sẽ nhận thức rằng chúng tôi, chúng tôi không phải chỉ là những người theo chủ nghĩa dân tộc, nhưng là những người yêu nước thật sự, cống hiến hết sức mình cho đất nước.

Điều đáng buồn và phải nói lên, đa số các nhà lãnh đạo của chúng tôi là tín hữu kitô đã được rửa tội. Và như thế chúng ta phải đào sâu thêm vị trí của đức tin trong đời sống của mình.

Với việc Đức Phanxicô đến đây, cha hy vọng có sự thức tỉnh lương tâm không?

Tôi rất hy vọng vì các giám mục và ngay cả các nhà lãnh đạo các giáo hội khác cũng thường nhắc nhở như vậy. Có thể người ta sẽ nói chúng tôi rao giảng trong sa mạc nhưng khi có một tiếng nói khác nói lên thì sẽ rõ ràng hơn… Và đó là một trong các tài năng của Đức Phanxicô, ngài nói mọi thứ rất rõ ràng. Chắc chắn sẽ đánh động những ai nghe ngài và có thể sẽ thay đổi hành vi của họ và đó là điều chúng tôi phải mong chờ từ mỗi người chúng tôi: một sự thay đổi hành vi ở cấp độ Nhà nước, xã hội dân sự và cả Giáo hội. Chúng tôi phải nói sự thật.

Cha nhấn mạnh đến sự không nhất quán, sự cần thiết phải hoán cải. Tâm hồn của người Madagascar ở trong tâm trạng nào?

Đây là những gì đang xảy ra: các nhà thờ chúng tôi đầy ắp ngày chúa nhật và không những các nhà thờ công giáo mà cả các nhà thờ kitô giáo khác. Nếu giáo dân đi nhà thờ sống đức tin của họ hàng ngày, đất nước này đã không như bây giờ. Vì thế cần phải được hoán cải ở mọi cấp bậc, bắt đầu hết ở chúng tôi, những người lãnh đạo Giáo hội. Chúng tôi phải sống đức tin trong sự thật, trong trung thực, trong đức ái kitô. Khi đó đất nước sẽ phát triển theo nghĩa của Tin Mừng, trong đức ái, trong hòa bình kitô, trong sự phát triển toàn diện của mọi người, như Thông điệp Chúc tụng Chúa đã nói lên.

Ở Madagascar, hơn 53% dân số dưới 18 tuổi, điều này nói lên tầm quan trọng của giáo lý và giáo dục để dạy dỗ cho lòng trung thực. Cha mong đợi gì ngài sẽ can thiệp với người trẻ vào thứ bảy này?

Tôi nghĩ Đức Phanxicô sẽ thúc đẩy các bạn trẻ chuẩn bị cho cuộc sống và tận dụng giáo dục để trở nên người có trách nhiệm. Chính giáo dục sẽ chuẩn bị cho đất nước này. Không có một nền giáo dục tốt, không thể có một sự phát triển thực sự, bền vững và toàn diện, cũng như giảng dạy Tin Mừng phải được cắm rễ sâu.

3000 giáo dân thuộc giáo phận của cha đã đi đến Antananarivo, trong số này có rất nhiều bạn trẻ muốn gặp Đức Phanxicô. Các em nhìn ngài như thế nào? Và vì sao các em mong tham dự buổi canh thức tối nay?

Đó là cuộc gặp gỡ giữa người anh cả và người em. Vì các em đã nhìn ngài như vậy. Các em không nhìn ngài như người lớn tuổi, nhưng là người tháp tùng các em và hiểu vấn đề của các em. Điều đánh động các em là lời của ngài đi thẳng vào tâm hồn các em. Và đó là điều các em mong chờ ở ngài, các em hơi tuyệt vọng khi nhìn về tương lai. Các em trẻ không có việc làm và với Giáo hoàng, các em cảm thấy mình được an toàn và điều này là điều các em cần để chuẩn bị cho ngày hôm nay cũng như cho tương lai để các em có thể đi tới đàng trước.

Sự ổn định là điều kiện cần thiết để phát triển, nhưng điều này cần cố gắng của tập thể. Đức Phanxicô có đến ở một đất nước quan tâm đến các lời của ngài không?

Tôi nghĩ là có, và đây là thời điểm thuận lợi. Có một đà nhiệt huyết gần như đại chúng, không phải chỉ ở người công giáo nhưng với tất cả các tôn giáo khác. Chẳng hạn các anh em hồi giáo của chúng tôi đã chuẩn bị chuyến đi này theo mức độ của họ. Họ sẽ có mặt và cả một phần đất sẽ dùng cho thánh lễ và đón Đức Phanxicô vào chúa nhật này thuộc về người hồi giáo và họ đã cho chúng tôi mượn. Tất cả để nói lên bầu khí trong tình anh em sẵn sàng lắng nghe sứ điệp của Đức Phanxicô, nếu tôi dám hy vọng thì sứ điệp này sẽ được lắng nghe 100%.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

447    09-09-2019