Sidebar

Thứ Năm
28.03.2024

Đức Giáo Hoàng khai mạc Thượng Hội Đồng Amazon, kêu gọi lòng trung thành với sự mới mẻ của Chúa Thánh Thần

Tại Giờ Kinh Truyền Tin vào ngày 15/10/2017 mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã lần đầu tiên công bố Ngài sẽ triệu tập Một Hội Đồng Giám Mục Đặc Biệt để “xác định những nẻo đường mới cho Giáo Hội và cho một nền sinh thái toàn diện”.

Phaolô với Timôthê

Vào Chúa Nhật, Đức Giáo Hoàng đã cử hành Thánh Lễ khai mạc Thượng Hội Đồng, khi nhắc đến Thánh Phaolô, ‘Nhà truyền giáo vĩ đại trong lịch sử Giáo Hội”. Vị Tông Đồ “giúp chúng ta thực hiện ‘thượng hội đồng’ này, ‘hành trình cùng nhau’ này”, Đức Giáo Hoàng nói.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô trích lời của Thánh Phaolô với ông Timôthê, khi Ngài viết: “cha khuyên con hãy làm sống lại ơn Thiên Chúa đã ban cho con do việc đặt tay của cha”.

Đôi bàn tay

Đức Giáo Hoàng tiếp tục nhắc nhớ các Giám Mục qui tụ từ khắp thế giới về dự Thượng Hội Đồng rằng đôi bàn tay đã được đặt trên đầu các vị, để các vị có thể giơ tay mình lên mà chuyển cầu trước Chúa Cha, và giơ tay ra mà giúp các anh chị em của các vị.

Những ơn ban

“Chúng ta đã lãnh nhận một ơn ban để chúng ta có thể trở thành một ơn ban”, Đức Giáo Hoàng nói. “Các ơn ban không được mua, kinh doanh hay bán buôn; các ơn ban này được nhận lãnh và trao ban”, Đức Giáo Hoàng nói thêm. “Nếu chúng ta giữ lại những ơn ban này, nếu chúng ta biến chúng ta thành trung tâm chứ không phải là ơn ban mà chúng ta nhận lãnh được, thì chúng ta sẽ trở thành những người quan liêu, không phải là các mục tử”.

Sự phục vụ

“Nhờ vào ơn ban mà chúng ta nhận lãnh được, đời sống chúng ta được định hướng để phục vụ”, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói tiếp. “Chúng ta không phục vụ vì lợi ích hay tư lợi cá nhân, mà vì chúng ta đã nhận lãnh nhưng không và đến lượt mình muốn cho đi nhưng không”, Ngài nói, khi khẳng định rằng các Giám Mục “đặt ơn ban của Thiên Chúa làm trọng tâm”.

Lòng trung thành

Đức Giáo Hoàng trở lại với Thánh Phaolô khi Ngài nói về cách mà một ơn ban phải được khơi dậy lại, giống như một ngọn lửa, “nếu chúng ta trung thành với ơn gọi của mình”. Một ngọn lửa thì không tự cháy, Ngài nói tiếp, “nó cần được nuôi dưỡng bằng không thì nó sẽ lụi tàn và biến thành tro bụi”. Chúng ta không thể dành những ngày sống của mình “để bảo vệ địa vị”, Đức Giáo Hoàng nói. “Chúa Giêsu không đến để mang lại một cơn gió mát dịu dàng buổi tối, mà là để thắp lên một ngọn lửa trên trái đất này”.

Sự cẩn trọng

Đức Giáo Hoàng Phanxicô xác định rằng một ngọn lửa là Chúa Thánh Thần, “Đấng ban phát mọi ơn”. Thánh Phaolô nói với ông Timôthê: “Thiên Chúa không ban cho chúng ta một Thần Khí nhát sợ, mà là một tinh thần mạnh mẽ và yêu thương và cẩn trọng”. Thánh Phaolô đặt sự cẩn trọng vào trong sự đối nghịch với sự nhát sợ, Đức Giáo Hoàng Phanxicô giải thích. Sau đó Ngài trích định nghĩa của Giáo Lý về sự cần trọng là: “nhân đức dành cho lý luận thực tiễn để biện phân điều tốt thật sự trong mọi hoàn cảnh và chọn lựa phương thế đúng để đạt được nó”.

Sự biện phân

“Sự cẩn trọng là một nhân đức của vị mục tử là người, để phục vụ bằng sự khôn ngoan, có thể biện phân, đón nhận sự mới mẻ của Thần Khí”, Đức Giáo Hoàng nói tiếp. “Khơi dậy lại ơn ban của chúng ta trong ngọn lửa của Thần Khí là đối lại với việc để cho mọi sự diễn ra mà không hành động gì”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô cầu xin để Thần Khí “ban cho chúng ta sự cẩn trọng can đảm của riêng Ngài”, và “thúc đẩy Thượng Hội Đồng của chúng ta để canh tân những nẻo đường của Giáo Hội tại vùng Amazon, để ngọn lửa truyền giáo sẽ tiếp tục bừng cháy”.

Ngọn lửa

“Khi các dân tộc và các nền văn hoá bị nuốt chửng mà không có tình yêu và sự tôn trọng”, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói, “thì đó không phải là ngọn lửa của Thiên Chúa mà là của thế gian”. “Xin Thiên Chúa giữ gìn chúng ta khỏi lòng tham của những hình thức chủ nghĩa thuộc địa mới”, Ngài nói thêm.

Khi nói đến ngọn lửa gần đây đã tàn phá vùng Amazon, Đức Giáo Hoàng nói “đó không phải là ngọn lửa của Tin Mừng”. Ngọn lửa của Thiên Chúa “được nuôi dưỡng bởi sự chia sẻ, chứ không phải những khoản lợi”, Ngài nói thêm. “Ngọn lửa huỷ diệt”, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói, “bừng cháy lên khi người ta muốn chỉ cổ võ cho các ý tưởng riêng của họ…trong một nỗ lực muốn mặc đồng phục cho mọi sự và mọi người”.

Làm chứng

Đức Giáo Hoàng kết thúc bài giảng bằng việc lặp lại yêu cầu của Thánh Phaolô với ông Timôthê “làm chứng cho Tin Mừng”. Rao giảng Tin Mừng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói “là sống như một lễ dâng, làm chứng đến cùng, trở thành mọi sự cho mọi người, sống thậm chí đến mức tử đạo”. Ngài cũng nhấn mạnh, rằng có một số vị Hồng Y là những vị tự thân các vị có kinh nghiệm “thập giá của việc tử đạo”.

Chúng ta phục vụ Tin Mừng, Đức Giáo Hoàng nói, “bằng việc duy trì trong tình yêu khiêm nhường, bằng việc tin rằng con đường duy nhất thật sự để sở hữu sự sống là làm mất nó qua tình yêu”.

Vùng Amazon

Những lời sau cùng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô với các anh chị em tại vùng Amazon: họ “đang mang những thập giá nặng và đợi chờ sự ủi an giải thoát của Tin Mừng, sự quan tâm yêu thương của Giáo Hội”, Ngài nói.

“Quá nhiều anh chị em tại vùng Amazon đã hy sinh mạng sống mình”, Đức Giáo Hoàng nói thêm. Ngài trích lời “Đức Hồng Y Hummes đáng kính của chúng ta”, một vị mà Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh, thường đi ra các nghĩa trang của các ngôi làng nhỏ khi Ngai thăm tại vùng Amazon. Và do đó, với một chút sáng trí, Đức Giáo Hoàng nói, Vị Hồng Y nói Ngài không lãng quên họ, khi nói, “Họ xứng đáng được phong thánh”.

“Đối với họ”, Đức Giáo Hoàng kết thúc, “với những người hiện đang hy sinh mạng sống mình, với những người đã đổ sự sống họ ra, và với họ, chúng ta hãy tiến bước cùng nhau”.

Đan Sĩ (Vatican News)

482    08-10-2019