Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Đức Giáo Hoàng Phanxicô - Bài Giảng Lễ Cầu cho các Hồng Y và Giám Mục đã qua đời 2019

Các bài đọc mà chúng ta vừa nghe nhắc nhớ chúng ta rằng chúng ta đi vào trong thế gian này là để được phục sinh: chúng ta không được sinh ra để chết, mà để phục sinh. Thực vậy, như Ngài đã viết trong Bài Đọc Thứ Hai của Thánh Phaolô, ngay cả bây giờ “quê hương chúng ta ở trên trời” (Pl 3:20) và, như Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng, chúng ta sẽ được sống lại vào ngày sau hết (x. Ga 6, 40). Và vẫn là tư tưởng về sự phục sinh mà Judas Maccabeus đề nghị trong bài đọc thứ nhất “một hành động rất tốt lành và cao quý” (2 Mb 12:43). Hôm nay chúng ta cũng tự hỏi bản thân mình: tư tưởng về sự phục sinh nói với tôi về điều gì? Tôi đáp trả lời mời gọi sống lại của tôi thế nào?

Một sự trợ giúp đầu tiên đến với chúng ta từ Chúa Giêsu, Đấng trong bài Tin Mừng hôm nay nói: “ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài” (Ga 6:37). Đây là lời mời gọi của Ngài: “hãy đến với Tôi” (x. Mt 11:28). Hãy đi đến với Chúa Giêsu, Thiên Chúa Hằng Sống, để nhận sự tiêm ngừa về sự chết, về nỗi sợ là mọi sự sẽ kết thúc. Đi đến với Chúa Giêsu: dường như đó là một lời giáo huấn thiêng liêng mang tính phổ quát và không đáng chú ý. Nhưng chúng ta hãy nỗ lực cụ thể hoá nó, khi tự hỏi bản thân chúng ta những câu hỏi thế này: hôm nay, trong các việc thực hành tôi có trong tay tôi ở trong cương vị của mình, tôi có đang đến với Chúa không? Tôi có đưa ra lý do để đối thoại với Ngài không? Và nơi người tôi gặp gỡ, tôi có liên hệ Chúa Giêsu vào không, tôi có đưa họ đến với Ngài trong cầu nguyện không? Hay tôi lại làm mọi sự trong khi vẫn ở lại trong những tư tưởng của tôi, chỉ vui hưởng điều tốt với tôi và phàn nàn về điều không đúng với tôi? Tắt một lời, tôi đang sống bằng việc đến với Chúa hay xoay quanh chính bản thân mình? Đâu là định hướng cho hành trình của tôi? Tôi có đang nỗ lực tạo ấn tượng tốt không, bảo vệ vai trò của tôi, thời gian và không gian của tôi, hay tôi đang đến với Chúa?

Câu nói của Chúa Giêsu là mang tính đột phá: ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài. Như thể muốn nói là việc bị loại ra là mang tính báo trước đối với người Kitô Hữu là người không đến với Ngài. Đối với những người tin thì không có những con đường trung dung: người ta không thể thuộc về Chúa Giêsu mà lại tự loay hoay với chính mình. Ai thuộc về Chúa Giêsu thì sống trong sự thoát ra hướng về phía Ngài.

Cuộc sống tất cả là một sự thoát ra: từ lòng mẹ đi ra ánh sáng, từ trẻ nhỏ đến vị thành niên, từ vị thành niên đến đời sống trưởng thành và cứ thế, cho đến sự thoát ra khỏi thế gian này. Hôm nay, trong khi chúng ta đang cầu nguyện cho các anh em Hồng Y và Giám Mục của chúng ta, những vị đã đi ra khỏi đời này để gặp gỡ Đấng Phục Sinh, chúng ta không thể lãng quên sự thoát ra quan trọng và khó khăn nhất, một sự thoát ra mang lại ý nghĩa cho tất cả mọi sự thoát ra khác: đó là sự thoát ra khỏi chính mình. Chỉ bằng việc đi ra khỏi chính mình thì chúng ta mới thật sự mở ra cánh cửa dẫn đến Chúa. Chúng ta hãy xin ân sủng này: “Lạy Chúa, con muốn đến với Chúa, qua những nẻo đường và sự đồng hành mỗi ngày. Xin giúp con thoát ra khỏi bản thân con, để đi gặp Ngài, Đấng là sự sống”.

Tôi muốn nói tư tưởng thứ hai, khi nói đến sự phục sinh, từ bài đọc thứ nhất, từ nghĩa cử cao cả mà ông Judas Maccabeus thực hiện cho người chết. Trong khi làm như thế thì ông, như đã được viết, “ông nghĩ đến phần thưởng rất tốt đẹp dành cho những người đã an nghỉ trong tinh thần đạo đức” (2 Mb 12:45). Đó là, những tâm tình thương cảm tạo nên những phần thưởng tốt đẹp. Sự thương cảm đối với người khác mở ra các cánh cửa của vĩnh cửu. Việc cúi xuống với người đang cần giúp đỡ để cứu họ là một căn phòng chờ dẫn đến thiên đàng. Thực vậy, nếu như Thánh Phaolô nhắc nhớ chúng ta, “lòng bác ái sẽ không bao giờ cùng” (1 Cr 13:8), thì rõ ràng đó là chiếc cầu kết nối giữa đất và Trời. Do đó, chúng ta có thể tự hỏi bản thân mình liệu chúng ta có đang tiến trên chiếc cầu này không: tôi có để cho bản thân tôi được đánh động bởi một hoàn cảnh của người đang cần giúp đỡ không? Tôi có thể khóc với người đau khổ không? Tôi có cầu nguyện cho người không còn ai nhớ đến không? Tôi có giúp ai không có gì cho lại cho tôi không? Đó không phải là làm việc tốt, đó không phải là việc bác ái nhỏ nhen; đó là những câu hỏi về sự sống, những câu hỏi về sự phục sinh.

Sau cùng, một động lực thứ ba trong cái nhìn về sự phục sinh. Tôi lấy ý lực này từ Bài Linh Thao, đoạn mà Thánh Ignatius đề nghị, trước khi hực hiện một quyết định quan trọng, thì người ta phải hình dung mình trước Thiên Chúa vào những ngày sau hết. Đó là một lời mời gọi để xuất hiện không phải có tính trì hoãn, điểm đến cho mọi người, cho tất cả chúng ta. Do đó, mọi chọn lựa sống khi đối diện theo cách tiếp cận ấy được định hướng tốt, vì nó gần với sự phục sinh hơn, điều vốn là ý nghĩa và là mục đích của đời sống. Như sự xuất phát được tính toán từ mục tiêu, như việc gieo được phán xét từ mùa gặt, thì đời sống được phán xét từ tận cùng của nó. Thánh Ignatius viết: “Xem tôi đang thấy bản thân tôi thế nào trong ngày phán xét, để nghĩ như thể tôi dã quyết định về điều hiện tại; và qui tắc mà tôi muốn giữ, hãy thực hiện ngay bây giờ” (Bài Linh Thao, 187). Có thể sẽ hữu ích khi tập nhìn thực tại bằng đôi mắt của Thiên Chúa chứ không chỉ bằng đôi mắt của chúng ta; để có cái nhìn dự phóng về tương lai, về sự phục sinh, chứ không chỉ là hiện tại sẽ qua; để thực hiện những chọn lựa vốn mang hương vị của vĩnh cửu, hương vị của tình yêu.

Tôi có đi ra gặp Chúa mỗi ngày? Tôi có những tâm tình và hành động thương xót đối với người đang cần giúp đỡ không? Tôi có thực hiện các quyết định quan trọng trước mặt Thiên Chúa? Chúng ta hãy được thúc đẩy bởi ít nhất một trong ba động lực này. Chúng ta sẽ trở nên hoà hợp hơn với lòng khao khát của Chúa Giêsu trong Bài Tin Mừng hôm nay: để không đánh mất một điều gì mà Chúa Cha đã ban cho Ngài (x. Ga 6:39). Trong số nhiều tiếng nói của thế gian vốn làm cho chúng ta đánh mất cảm thức hiện hữu của mình, thì chúng ta hãy tinh chỉnh cho hợp với ý muốn của Chúa Giêsu, đã phục sinh và đang sống: chúng ta sẽ biến ngày sống của chúng ta hôm nay thành một bình minh của Sự Phục Sinh.

Joseph C. Pham (Chuyển ngữ từ ZENIT)

433    07-11-2019