Sidebar

Thứ Ba
16.04.2024

“Đức Maria, Mẹ của Tiếng Xin Vâng”

“Đức Maria, Mẹ của Tiếng Xin Vâng”

Nơi Mẹ Maria, chúng ta tìm thấy một người mẹ thực sự giúp chúng ta giữ vững niềm hy vọng và đức tin sống động giữa những tình huống phức tạp của cuộc sống.

Bởi: POPE FRANCIS

Vào tháng thứ sáu, sứ thần Gáprien được Thiên Chúa sai đến một thành xứ Galilê, tên là Nadarét, tới cùng một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi Ðavít, và tên trinh nữ là Maria. Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên! Hỡi đấng đầy ơn sủng! Đức Chúa ở cùng bà!” Nhưng lời đó đã làm bà rất bối rối và bà tự hỏi không biết lời chào đó có nghĩa gì. Sứ thần liền nói: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ! vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây, bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả và sẽ được gọi là Con Ðấng Tối cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Ðavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp cho đến muôn đời và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận!” Bà Maria liền thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” Sứ thần đáp: “Thánh thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyến năng Ðấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà; vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa”. Kìa bà Êlisabét, người họ hàng thân thích với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”. Bấy giờ, bà Maria nói: “Vâng tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói!” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

Trong bài Tin Mừng, chúng ta vừa được nghe lời sứ thần chào Đức Maria: “Mừng vui lên, hỡi đấng đầy ân sủng. Đức Chúa ở cùng bà” (Lc 1,28). Hãy vui mừng, Maria, hãy vui mừng. Khi nghe lời chào này, Đức Maria đã bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Mẹ không hoàn toàn hiểu chuyện gì đang xảy ra. Nhưng Mẹ biết rằng sứ thần đến từ Thiên Chúa và vì thế Mẹ đã thưa tiếng xin vâng (có). “Đức Maria là Mẹ của tiếng xin vâng (thưa có). Mẹ thưa vâng với mơ ước của Thiên Chúa, thưa vâng với sự chăm sóc và với thánh ý của Thiên Chúa.

Chúng ta biết đó là điều không dễ dàng để sống. Một tiếng xin vâng (thưa có) không có đặc quyền hoặc những sự ưu đãi. Ông Simêon đã nói tiên tri với Mẹ: “Một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” (Lc 2,35), và thực sự điều đó đã xảy ra. Đó là lý do tại sao chúng ta rất yêu mến Mẹ. Chúng ta tìm thấy nơi Mẹ một người mẹ thực sự, một người giúp chúng ta giữ vững niềm tin và hy vọng sống động giữa những tình huống phức tạp. Suy gẫm về lời tiên tri của cụ Simêon, chúng ta sẽ làm tốt việc phản chiếu ngắn gọn về ba thời khắc khó khăn trong cuộc đời của Mẹ Maria.

1. Khoảnh khắc đầu tiên: sự ra đời của Chúa Giêsu. Không có chỗ cho các ngài (Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse). Các ngài không có nơi cư ngụ, không có nhà để đón chào con trai của Mẹ. Không có nơi nào để Mẹ có thể sinh con. Các ngài không có gia đình nào gần gũi thân thiết; các ngài chỉ có một mình. Nơi duy nhất có sẵn là một cái chuồng của súc vật. Chắc chắn Mẹ đã nhớ những lời của sứ thần: “Maria, hãy mừng vui lên, Đức Chúa ở cùng bà”. Mẹ có thể đã tự hỏi mình: “Ngay bây giờ Chúa đang ở đâu?”

2. Khoảnh khắc thứ hai: Cuộc chạy trốn đến Ai Cập. Gia đình Chúa Giêsu phải ra đi, phải sống lưu vong. Không chỉ không có nơi ở, không có gia đình thân thiết ở gần, nhưng cuộc sống của các ngài cũng gặp nguy hiểm. Các ngài phải khởi hành đến một vùng đất xa lạ. Các ngài là những người di cư bị bách hại vì sự đố kị và lòng tham của nhà vua. Cũng ở đó, Mẹ cũng có thể đã hỏi: Chuyện gì đã xảy ra với tất cả những điều mà sứ thần hứa hẹn?

3. Khoảnh khắc thứ ba: Cái chết trên thập giá của Chúa Giêsu. Không có kinh nghiệm nào khó khăn hơn đối với người mẹ cho bằng việc chứng kiến ​​cái chết của con mình. Thật là đau lòng. Chúng ta thấy Mẹ Maria ở đó, dưới chân thập giá, như mọi người mẹ, mạnh mẽ, trung tín, ở lại với con ngay cả khi chết, chết trên thập giá. Ở đó, Mẹ cũng có thể đã hỏi: “Điều gì đã xảy ra với tất cả những điều mà sứ thần hứa với tôi?” Sau đó, chúng ta thấy Mẹ khích lệ và nâng đỡ các môn đệ.

Chúng ta suy gẫm về cuộc sống của Mẹ Maria và chúng ta cảm thấy mình được thấu hiểu, được lắng nghe. Chúng ta có thể ngồi xuống cầu nguyện với Mẹ và dùng một ngôn ngữ chung khi đối diện với vô số tình huống chúng ta gặp phải mỗi ngày. Chúng ta có thể đồng cảm với nhiều tình huống trong cuộc sống của Mẹ. Chúng ta có thể nói với Mẹ những gì đang xảy ra trong cuộc sống của chúng ta bởi vì Mẹ hiểu chúng ta.

Mẹ Maria là người phụ nữ của niềm tin; Mẹ là Mẹ của Giáo Hội; Mẹ đã tin. Cuộc sống của Mẹ làm chứng rằng Thiên Chúa không lừa dối chúng ta, rằng Thiên Chúa không bỏ rơi dân của Người, ngay cả trong những khoảnh khắc hoặc tình huống khi dường như Chúa không ở đó. Mẹ Maria là người môn đệ đầu tiên trong số các môn đệ của con Mẹ, và trong những lúc khó khăn, Mẹ vẫn giữ vững niềm hy vọng của các tông đồ. Có lẽ không chỉ một ổ khóa, các tông đồ khóa cửa rất kỹ và ở phòng trên, vì họ sợ hãi. Là một người phụ nữ quan tâm đến nhu cầu của những người khác, Mẹ có thể nói – khi có vẻ như bữa tiệc và niềm vui đã đến lúc kết thúc: Xem kìa con, họ hết rượu rồi (x. Ga 2,3). Mẹ là người phụ nữ đã đến ở với người chị họ của mình khoảng ba tháng (x. Lc 1,56), để bà Êlisabét không đơn độc khi bà chuẩn bị sinh con. Đó là Mẹ của chúng ta, Mẹ quá tốt lành và tử tế, Mẹ là người đồng hành cùng chúng ta trong cuộc sống.

– Bài Giảng, Đền thờ Thánh Mẫu Caacupé, Paraguay, ngày 11 tháng 7 năm 2015

Đây là một lựa chọn từ Sự dịu dàng vô tận của Thiên Chúa, Các bài Suy niệm về các Tin mừng, của Đức Giáo hoàng Phanxicô (The Word Among Us Press, 2016). Có sẵn trực tuyến tại wau.org/books


Chuyển ngữ:  Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương

646    05-06-2019