Sidebar

Thứ Năm
28.03.2024

Đức Maria - Mẹ Thiên Chúa

LỄ ĐỨC MARIA MẸ THIÊN CHÚA

Hội Thánh chọn ngày đầu năm dương lịch hôm nay để mừng kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa và cầu cho hoà bình thế giới.

Đức Maria đã được Thiên Chúa chọn cưu mang và sinh Con của Người: "Thiên Chúa sai sứ thần Gáprien đến một thành miền Galilê, gọi là Nadarét, gặp một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc nhà Đavít. Trinh nữ ấy tên là Maria… Sứ thần nói:

"Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây, bà sẽ thụ thai, sinh hạ một Con Trai, và đặt tên là Giêsu, Người sẽ nên cao cả và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao" (Lc 1. 28-32).

Bà Êlisabét là người đầu tiên tuyên xưng Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, khi Mẹ đến viếng thăm gia đình bà: "Bởi đâu chị được hạnh phúc Mẹ của Chúa tôi đến với chị như vầy? Vì này đây, tai chị vừa nghe tiếng em chào, thì thai nhi trong lòng chị đã nhảy lên vui sướng" (Lc 1, 43-44).

Các Giáo phụ như thánh Inhasiô Antiôkia, như Testulianô tiên sinh từng giảng thích nhóm từ "Mẹ của Chúa tôi" đó là Mẹ Thiên Chúa – Thánh Athanasiô thì khẳng định: "Ngôi Lời đã mặc lấy dòng giống Abraham, nên phải nên giống anh em mình trong mọi sự, như thánh tông đồ nói, và cũng phải nhận lấy thân xác như chúng ta. Vì lẽ đó, phải có Đức Maria để, từ nơi Mẹ, Người nhận lấy xác ấy và dâng nó như là của riêng Người, để chúng ta được nhờ. Kinh thánh nhắc đến việc Đức Mẹ Maria sinh hạ Chúa Giêsu và nói: "Đức Mẹ lấy khăn bọc Người. Vú đã cho Người bú được gọi là diễm phúc.

Và Mẹ đã dâng Người là Con đầu lòng Mẹ làm lễ vật lên Thiên Chúa".

Thế kỷ V, tại Contantinôpôli, thủ đô đế quốc Đông Rôma, có linh mục đan sĩ Nettôriô (khoảng 380-451) được bầu làm thượng phụ giáo chủ (428-431). Ông giảng dạy rằng Chúa Giêsu có hai ngôi vị, và Đức Maria chỉ là mẹ của ngôi vị nhân loại nơi Chúa Giêsu, chứ không phải là mẹ ngôi vị Thiên Chúa. Cả Giáo hội phản đối ông. Đức Giáo hoàng đương thời là thánh Cêlestinô I (422-432), năm 431 cử thánh Cyrillô đại diện Ngài đến chủ tọa công đồng chung họp tại Êphêsô bàn thảo vấn đề. Sau những cuộc bàn luận, thánh Cyrillô và các nghị phụ tuyên bố "Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa", vì Chúa Giêsu tuy có hai bản tính nhưng chỉ có một ngôi vị là ngôi vị Thiên Chúa. Giáo dân rất đông đảo chờ ở ngoài cửa nghị trường. Khi cửa mở và nghe công đồng tuyên bố "Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa", lòng đạo của giáo dân nổ ra thành một cuộc biểu tình hoan lạc. Họ đốt lên vô vàn bó đuốc tỏ lòng tin của mình ra và rước các nghị phụ về nhà các vị.

Năm 1931, ngày 25-12, Đức Piô XI ban hành thông điệp Luse Venitatis kỷ niệm mười lăm trăm năm tín điều Mẹ Thiên Chúa được tuyên tín tại công đồng Êphêsô và lập lễ trọng Kính Mẹ Thiên Chúa trên toàn Giáo hội, vào ngày 11 tháng 10 hằng năm.

Năm 1962, Đức chân phúc Gioan XXIII chọn lễ Mẹ Thiên Chúa, 11 tháng 10, làm ngày khai mạc cho công đồng chung Vaticanô II. Công đồng chung này một lần nữa xác nhận Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa: "Được cứu chuộc cách kỳ diệu hơn nhờ công nghiệp của Con Mẹ và hợp nhất mật thiết bền chặt với Con, Đức Maria lĩnh nhận sứ mệnh và vinh dự cao cả là được làm Mẹ Thiên Chúa, do đó làm ái nữ của Chúa Cha và cung thánh của Chúa Thánh Thần.

Nhờ lĩnh nhận ân sủng vô cùng cao quí này, Mẹ đã trổi vượt trên mọi thụ tạo trên trời dưới đất" (LG. 53).

Ngày 2-2-1974, Đức Phaolô VI ban hành tông huấn Marialis Cultus canh tân việc tôn sùng Đức Maria trong Giáo hội công giáo, đã đổi ngày lễ Mẹ Thiên Chúa lên ngày 01 tháng 01 hằng năm, cho "đúng với phụng vụ Rôma từ xưa, nhằm tin kính việc Mẹ Maria góp phần vào mầu nhiệm cứu rỗi" và kéo dài mầu nhiệm mùa vọng và mùa Giáng sinh (Mc 5). Đó là nói sơ qua về nguồn gốc lễ trọng Kính Mẹ Thiên Chúa. Cũng nên sơ lược mấy dòng về ý nghĩa lễ này.

Theo nghĩa chặt, lòng tôn sùng Mẹ nhắm tới Thiên Chúa, nghĩa là nhiệt tâm phụng sự Thiên Chúa. Nhưng lòng sùng kính ấy cũng liên hệ tới mối tương quan đặc biệt với sự thánh thiện của Thiên Chúa. Xét vì tước hiệu tuyệt đối độc nhất là Mẹ Thiên Chúa, Đức Thánh Trinh Nữ Maria là đối tượng của một lòng tôn sùng đặc biệt, một lòng tôn sùng hoàn toàn ưu việt. Vì lẽ lòng tôn sùng Mẹ là cốt để phụng sự Chúa tốt hơn. Đức Piô XI viết: "Tín điều Mẹ Thiên Chúa là một mạch nước mầu nhiệm vô tận, đã tuôn ra muôn vàn đặc ân cho Đức Maria, và nâng Mẹ lên địa vị cao sang tuyệt vời bên Thiên Chúa" (thông điệp Luse Veritatis).

Trong thông điệp "Redemptoris Mater, Mẹ Chúa Cứu Thế", ban hành ngày 25-3-1987, Đức Gioan Phaolô II viết: "Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa (Theotokos), vì, bởi phép Chúa Thánh Thần, Mẹ đã hoài thai trong lòng trinh khiết Mẹ và sinh hạ vào thế gian Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, đồng bản tính với Đức Chúa Cha. "Con Thiên Chúa..., sinh bởi Đức Thánh Trinh Nữ Maria, đã thực sự trở nên một người trong chúng ta", Người đã làm Người. Thế nên, qua mầu nhiệm Chúa Kitô, mầu nhiệm Mẹ Chúa đã bừng sáng trọn vẹn ở chân trời đức tin của Giáo hội. Đến lượt mình, tín điều Mẹ Thiên Chúa, đối với Công đồng Êphêsô cũng như đối với Giáo hội, là ấn dấu chính thức hoá mầu nhiệm Chúa Nhập Thể, một mầu nhiệm nói lên Ngôi Lời Thiên Chúa đã thực sự mặc lấy bản tính nhân loại trong một ngôi vị duy nhất..."

Như thế, việc tôn kính Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa đã xuất hiện từ lâu đời trong Hội Thánh và được các Đức Giáo Hoàng tôn trọng đặc biệt .

Chúng ta mừng Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa để suy tôn chức vị cao cả của Mẹ, đồng thời cũng để nhớ rằng chúng ta có một người Mẹ tuyệt hảo bên cạnh Thiên Chúa. Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa cũng là Mẹ của chúng ta, vì Chúa Giêsu đã trối Đức Mẹ làm Mẹ chúng ta qua thánh Gioan, và vì chúng ta là chi thể của Con Mẹ. Đức Mẹ đã thương yêu chăm sóc Chúa Giêsu thế nào, thì cũng thương yêu cứu giúp chúng ta như vậy. Chúng ta cần chạy đến kêu xin Đức Mẹ hằng ngày, nhất là trong những cơn gian nan khốn khó.

Hôm nay Hội Thánh cũng kêu gọi toàn thể tín hữu cầu nguyện cho hòa bình thế giới, vì là ngày đầu năm, "là dịp rất tốt để chúng ta tôn thờ Vua Hòa bình mới sinh, và nghe lại lời chúc hòa bình của các thiên sứ (Lc 2, 14), để cầu Chúa, nhờ sự can thiệp của Nữ Vương Hòa Bình, ban cho ta ơn cao cả nhất là hoà bình" (tông huấn Marialis Cultus).

4280    01-01-2019